Có thể nói, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện phong cách ứng xử giản dị, gần gũi, cởi mở, tế nhị và chu đáo với tất cả mọi người. Có thể thấy trên thế giới hiếm có nhà lãnh đạo nào có được phong cách ứng xử giàu giá trị văn hóa như chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta. Phong cách ứng xử của Người đã trở thành tấm gương sáng để nhiều thế hệ giảng viên lý luận chính trị sau này học tập và làm theo.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình trao giải Nhất cho giảng viên Chu Thị Thúy Hường, thuộc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. (Ảnh Báo Lào Cai)
Theo Người: “Đối với tất cả mọi người trong các tầng lớp dân chúng, ta phải có một thái độ mềm dẻo khôn khéo, biết nhân nhượng, biết trọng nhân cách người ta”1. Và thực tiễn trong phong cách ứng xử đối với mọi người, dù là cán bộ, đảng viên hay quần chúng nhân dân, dù với tướng lĩnh hay những đội viên nhỏ tuổi, chúng ta luôn cảm nhận được ở Người phong thái vừa ân cần, niềm nở, vừa thân ái, yêu thương gần gũi. Dù ở cương vị nào, người đồng chí, đồng đội, người cha, người bác, người anh hay người đứng đầu Chính phủ, phong cách ứng xử Hồ Chí Minh bao giờ cũng chứa đựng nét văn hóa, tôn trọng, gần gũi, cởi mở và chu đáo với mọi người. Như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, sáng chói mà không gây choáng ngợp, gặp lần đầu mà như thân thuộc từ lâu”2. Chính phong cách ứng xử văn hóa hết sức giản dị, gần gũi, cởi mở, tế nhị đó đã làm cho tất cả mọi người, dù khác nhau về địa vị, thành phần xuất thân, mục đích, điều kiện hoàn cảnh, nhưng khi được tiếp xúc với Người, đều có chung cảm nhận về sự nể trọng, tôn kính, bởi sức cảm hóa to lớn xuất phát từ đạo đức, nhân cách và phong cách ứng xử văn hóa của Người.
Tấm gương đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh chinh phục trái tim của toàn dân ta không phải bằng những lý luận cao siêu mà bằng chính cuộc sống giản dị, khiêm tốn, chân tình của Bác. Người không chỉ là một nhà lãnh đạo vĩ đại mà còn là một nhà văn hóa chính trị, những giá trị văn hóa đã thấm sâu vào mọi suy nghĩ, hành vi, hình thành một lối ứng xử riêng giàu tính nhân văn. Học tập phong cách ứng xử của Bác không chỉ giúp mọi người tìm thấy những giá trị, ý nghĩa của nó, mà qua đó chúng ta còn học tập và vận dụng văn hóa ứng xử của Người trong giai đoạn hiện nay, nhất là đối với đoàn viên, thanh niên, những người làm chủ tương lai của đất nước.
Phong cách ứng xử Hồ Chí Minh là phản ánh nhân cách, trí tuệ, tâm hồn đạo đức trong sáng của Người. Phong cách ứng xử xuyên suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người, được thể hiện trên một số nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, đó là sự khiêm tốn, nhã nhặn, lịch thiệp: Trong các cuộc tiếp xúc, Người thường khiêm tốn, không bao giờ đặt mình cao hơn người khác, mà trái lại, luôn hòa nhã, quan tâm chu đáo đến những người chung quanh, nhất là với các cụ già, trẻ em, phụ nữ, người lao động. Với một lời chào chân tình, một nụ cười niềm nở, một cử chỉ thân thiện…
Thứ hai là tính chân tình, nồng hậu, tự nhiên: Khi gặp gỡ mọi người, với những cử chỉ thân mật, lời hỏi thăm chân tình, Người tạo nên bầu không khí thân mật, thoải mái, thân thiết như trong một gia đình. Sự ân cần, nồng hậu, xóa bỏ mọi nghi thức, đi thẳng đến trái tim con người bằng tình cảm chân thực, tự nhiên, đó không phải là một “nghệ thuật xã giao” mà là sự phản ánh trung thực tâm hồn, đạo đức, nhân cách Hồ Chí Minh. Người luôn luôn thể hiện thái độ yêu thương, quý mến, trân trọng, khoan dung, khiêm nhường, độ lượng với con người. Đó là lòng nhân đạo, tính nhân văn, là sự khoan dung, độ lượng trong hành xử ở cuộc sống.
Thứ ba là tính linh hoạt, chủ động, biến hóa: Ứng xử văn hóa Hồ Chí Minh đạt tới sự kết hợp hài hòa giữa tình cảm nồng hậu với lý trí sáng suốt, linh hoạt, uyển chuyển, sẵn sàng vì cái lớn mà châm chước cái nhỏ; là kết tinh của vốn hiểu biết sâu rộng, uyên bác; tài trí thông minh, nghị lực và bản lĩnh phi thường với phong thái giản dị, lạc quan, thẳng thắn, tự tin cùng phong cách lịch thiệp, nho nhã, mực thước khi giao tiếp ứng xử.
Thứ tư là tính vui vẻ, hòa nhã, xóa nhòa mọi khoảng cách: Trong văn hóa giao tiếp, ứng xử với mọi người, Hồ Chí Minh, luôn xuất hiện với thái độ vui vẻ cùng với sự hóm hỉnh, năng khiếu hài hước, đã xóa đi mọi khoảng cách, những nghi thức trịnh trọng không cần thiết, tạo không khí chan hòa, gần gũi giữa lãnh tụ với quần chúng, giữa những người bạn, người đồng chí chân tình...
Giảng viên lý luận chính trị là những người trực tiếp truyền đạt những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh, nên việc học tập và vận dụng phong cách ứng xử của Người thật sự cần thiết. Đặc biệt là đối với người giảng viên trẻ, ưu điểm lớn của họ đó là sức khỏe, sức trẻ, sự nhiệt tình, tâm huyết, có ước mơ, hoài bão, không ngại khó, tích cực trong việc rèn chuyên môn cũng như hoạt động phong trào của nhà trường. Tuy nhiên, phần lớn họ là những người vừa rời ghế nhà trường chưa được bao lâu, thời gian đứng lớp chưa nhiều, kinh nghiệm sống, kinh nghiệm giao tiếp ứng xử chưa nhiều, đặc biệt cách ứng xử với đồng nghiệp và học viên còn hạn chế... Hơn nữa, việc thay đổi môi trường từ học tập sang làm việc đã khác, môi trường làm việc ở những cơ sở đào tạo lý luận chính trị lại càng nhiều áp lực, vì ở đó phải thường xuyên làm việc, giao tiếp với học viên (ở đây hầu hết là những người lớn tuổi, có trình độ, có địa vị, có nhiều kinh nghiệm sống...), do vậy khiến giảng viên trẻ không khỏi bỡ ngỡ trong cách giao tiếp, ứng xử. Từ thực tế bản thân đã trải qua, tôi thấy việc học tập phong cách ứng xử của Bác không chỉ là sự cần thiết mà là một đòi hỏi mang tính bắt buộc, nhằm hướng tới những giá trị tốt đẹp, những phẩm chất đáng quý, cần thiết của một người thầy giảng dạy lý luận chính trị.
Những năm qua, trên cơ sở quán triệt các chỉ thị của Bộ Chính trị, gần đây nhất là Chỉ thị 05-CT/TW về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đội ngũ cán bộ, đảng viên, giảng viên, đặc biệt là giảng viên trẻ đã có ý thức xây dựng, đổi mới phong cách làm việc; đặc biệt chú trọng đến phong cách ứng xử nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Thông qua việc học tập và làm theo phong cách ứng xử Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên, giảng viên đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức tư tưởng, ý thức rèn luyện đạo đức; có sự nhìn nhận toàn diện, cụ thể hơn về đạo đức, lối sống ứng xử của mình, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả và hoàn thành tốt công việc mình phụ trách. Đội ngũ cán bộ, giảng viên đã và đang thay đổi tác phong làm việc theo phương châm: đúng giờ giấc, giao tiếp đúng mực, đổi mới phương pháp làm việc; cơ bản có lối ứng xử đúng mực với học viên và nhân dân...Tuy nhiên, do sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường và những ảnh hưởng tiêu cực của xã hội, cùng với cơ chế quản lý đào tạo và chế độ chính sách thiếu và không đồng bộ đã gây nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến động cơ phấn đấu, rèn luyện của một số giảng viên. Đặc biệt trong giao tiếp, sinh hoạt hằng ngày vẫn có một bộ phận cán bộ giảng viên nói năng thiếu thận trọng, phong cách ứng xử, giao tiếp không đúng tầm của một cán bộ, giảng viên lý luận chính trị.
Do vậy, để khắc phục những hạn chế nêu trên và nâng cao chất lượng học tập và rèn luyện, vận dụng phong cách giao tiếp, ứng xử giàu tính nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, giảng viên đặc biệt giảng viên trẻ trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, cần thường xuyên nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Nghị Quyết Trung ương 4 Khóa XII của Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", tự "chuyển hóa" trong nội bộ; khắc phục những hạn chế trong phong cách ứng xử, thực hiện có hiệu quả nói đi đôi với làm. Đồng thời, bản thân mỗi giảng viên, đặc biệt giảng viên trẻ phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống giản dị, trong sáng, vững vàng trong công tác chuyên môn, xây dựng phong cách làm việc khoa học, rèn luyện phong cách ứng xử chân tình, thân thiện, tôn trọng đồng chí đồng nghiệp, “kính trên, nhường dưới”, biết thương yêu và hướng tới việc thiện, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, công chức, giảng viên nhà trường cần nhận thức sâu sắc hơn nữa về nhân cách và bổn phận của mình, từ đó mới làm chủ được mình, xây dựng cách ứng xử đúng chuẩn để “ Biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng”. Trong quá trình thực hiện những tình huống ứng xử, có như vậy mới tránh được những biểu hiện thiếu trách nhiệm, thiếu trung thực, tự mãn, góp phần quan trọng vào việc xây dựng bầu không khí chan hòa cởi mở, đoàn kết, xây dựng nhà trường trong sạch, vững mạnh; tạo niềm tin và uy tín của cán bộ đảng viên, nhân dân về nhà trường – Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của địa phương. Ngoài ra, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá tác phong ứng xử của cán bộ, đảng viên, giảng viên, lấy đó làm một trong những căn cứ để nhận xét, đánh giá, kiểm điểm Đảng viên hàng năm.
Có thể nói, phong cách ứng xử Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô cùng to lớn của Đảng, của dân tộc, hướng mọi người đến với cuộc sống chân, thiện, mỹ. Học tập, rèn luyện theo phong cách Hồ Chí Minh nói chung, phong cách ứng xử nói riêng là yêu cầu, trách nhiệm, nhưng đồng thời cũng là tình cảm, nguyện vọng của mỗi cán bộ, đảng viên, giúp đội ngũ cán bộ, giảng viên, đặc biệt giảng viên trẻ khắc phục được những hạn chế, yếu kém khi ứng xử trong công tác và cuộc sống đời thường, thực hiện có hiệu quả lời nói đi đôi với việc làm, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức. Thực hiện tốt những biện pháp trên sẽ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhất là giảng viên trẻ có đủ phẩm chất và năng lực, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của nhà trường cũng như sự phát triển chung của đất nước.
--------------------------------
Thanh Lê