1. Tại Đại hội XIII, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương khơi dậy ở một tầm cao mới khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Ngay trong chủ đề Đại hội XIII, khát vọng phát triển Việt Nam được thể hiện như một tuyên bố chính trị: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[1]. Khát vọng phát triển đó được cụ thể bằng các mục tiêu cụ thể: “1. Đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; 2. Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; 3. Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”[2].
Khát vọng phát triển đất nước trong Đại hội XIII của Đảng là khát vọng về một Việt Nam đổi mới, dân tộc Việt Nam cường thịnh, văn minh; là khát vọng thiêng liêng, lớn lao, có sự hòa hợp ý Đảng với lòng dân, tạo sự đồng tâm, nhất trí của toàn thể nhân dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại dưới sự lãnh đạo của Đảng, cũng chính là khát vọng của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Khát vọng phát triển đất nước trong Đại hội XIII là sự tiếp nối khát vọng của dân tộc, con người Việt Nam từ khi dựng nước cho đến nay, hoàn toàn phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của nhân dân, với mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa - một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, một xã hội “hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc”.
2. Để hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng phát triển đó, Đảng ta đã chú trọng phát huy sức mạnh toàn dân tộc, trong đó đặc biệt là giai cấp công nhân: “Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”[3].
Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Thành phố Hà Nội trao thưởng cho Công nhân giỏi Thủ đô năm 2019. Ảnh: TTXVN.
Để phát huy được tối đa sức mạnh của giai cấp công nhân vào quá trình hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước, cần phải chú trọng giáo dục ý chí, khát vọng phát triển đất nước cho giai cấp công nhân với các định hướng cơ bản sau:
Thứ nhất, giáo dục cho giai cấp công nhân có hệ thống tri thức khoa học về chủ nghĩa xã hội, về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, về những thách thức, khó khăn mà chúng ta đã, đang và sẽ gặp phải. Tri thức là cơ sở của niềm tự hào và niềm tin đúng đắn về chủ nghĩa xã hội và do đó sẽ khích lệ mọi người tích cực khắc phục khó khăn và quyết tâm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Nhưng để có tri thức thì cần có sự học hỏi, nỗ lực, phấn đấu nghiêm túc. Vì vậy, ý thức tự hào đầu tiên mà chúng ta cần xây dựng là ý thức tự hào về tri thức. Có ý thức tự hào về tri thức sẽ giúp cho giai cấp công nhân cố gắng vươn lên nắm lấy khoa học - kỹ thuật, nắm lấy những tri thức cần thiết cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Thứ hai, giáo dục chogiai cấp công nhân có ý thức tự hào về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, tinh thần quốc tế của giai cấp công nhân. Việc giáo dục ý thức tự hào về chủ nghĩa xã hội một cách sâu sắc cho giai cấp công nhân là một trong những điều kiện để niềm tự hào mới này hình thành, tạo ra những động lực tinh thần mới. Khi có ý thức tự hào về chủ nghĩa xã hội thì giai cấp công nhân sẽ phấn đấu hết mình để xây dựng và bảo vệ nó.
Thứ ba, giáo dụccho giai cấp công nhân có thái độ lao động mới. Thái độ lao động mới thể hiện ở năng suất, chất lượng, hiệu quả trong lao động sản xuất, trong công tác, trong học tập, trong phấn đấu. Nó gắn liền với ý thức, năng lực, tình cảm và thói quen, quan tâm đến nhu cầu tìm kiếm sáng tạo, phát minh sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và thường xuyên trau dồi sự phát triển tri thức ở mỗi người. Đó chính là cơ sở vững bền, là khơi nguồn sức mạnh sáng tạo vô hạn của mỗi con người trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Trong hoàn cảnh nước ta hiện nay đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn, việc hình thành phong cách lao động mới mà hạt nhân là tính kỷ luật, tổ chức, tự giác, sáng tạo với năng suất lao động ngày càng cao, thực sự trở thành cuộc cách mạng về lối sống và sự thành công này sẽ trở thành niềm tự hào mới thật sự to lớn của đất nước.
Công nhân Việt Nam phải vươn lên làm chủ hệ thống tri thức khoa học. Ảnh: Internet.
Thứ tư, giáo dục những lý tưởng, niềm tin mới cho giai cấp công nhân trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành ý chí làm giàu cho Tổ quốc. Chúng ta vẫn tự hào về giai cấp công nhân Việt Nam cần cù, chịu khó, chịu khổ, đảm đang, tháo vát... nhưng nếu chỉ có thế thì chưa đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp phát triển đất nước. Do đó, cần giáo dục, xây dựng cho giai cấp công nhân một thái độ, phong cách mới, bản lĩnh mới của người lao động trong Cuộc cách mạng 4.0, thể hiện ở năng suất, chất lượng, hiệu quả, thể hiện ở sự đổi mới các cơ chế cũ, những cơ chế cản trở bước tiến sản xuất, đặc biệt nhanh chóng phát hiện và bồi dưỡng các tài năng mới nảy sinh trong sản xuất, trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội và trên nhiều phương diện khác.
Thứ năm, giáo dục lý tưởng, lòng tự tôn dân tộc là điều cần thiết và cần tiến hành thường xuyên với nhiều biện pháp đồng bộ, từ tuyên truyền giáo dục đến việc mở rộng, khuyến khích các gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến, cần nêu gương, tuyên dương và học tập các các nhân tiêu biểu trong lao động sản xuất và xây dựng đất nước. Cần phải làm cho mỗi người lao động đều trở thành một trong những người chủ thực sự biết chăm lo công việc sản xuất, vừa có thành tích cao trong lao động, vừa có ý thức sâu sắc về lòng nhân ái, sự bao dung, tiến đến sự công bằng.
Để thực hiện thành công khát vọng phát triển đất nước vấn đề đặt ra hiện nay cần phải phát huy cao độ sức mạnh to lớn của giai cấp công nhân, đặc biệt là ý chí, khát vọng, niềm tự hào, tự tin, lòng yêu nước sâu sắc nhất là trong hoàn cảnh đất nước đang gặp khó khăn, thử thách như hiện nay. Ý chí, khát vọng, niềm tự hào, tự tin trong quá khứ là chưa đủ, chúng ta cần xây dựng, giáo dục ý thức tự hào, tự tin mới để nó sớm hình thành và củng cố trên cơ sở những thành tích mới, những kinh nghiệm mới, bằng trí tuệ, bằng khoa học, bằng ý chí làm giàu cho Tổ quốc, bằng tình yêu và sự trung thành với con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân Việt Nam đã lựa chọn.
Lê Phục