Tháng 6/2021, Ngân hàng Thế giới (World Bank-WB) đã đưa ra một báo cáo về sự hồi phục của nền kinh tế thế giới sau khi trải qua đại dịch Covid-19. Báo cáo chỉ ra mức độ nghiêm trọng của Covid-19 đối với nền kinh tế của các quốc gia, với chỉ 50% các quốc gia có khả năng trở lại quy mô tăng trưởng trước đại dịch sau 2 năm, thấp hơn đáng kể so với các cuộc suy thoái kinh tế từ năm 1945 trở lại đây. Đặc biệt, kinh tế Việt Nam 2021 đã thay đổi tiêu cực so với năm 2020, có kết quả dưới mức tăng trưởng trung bình của thế giới[1].
Nghị quyết 32/2021/QH15 của Quốc hội Việt Nam đã đưa ra “Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022”, trong đó có nhiều chỉ tiêu về kinh tế đáng chú ý. Tuy nhiên nếu so sánh với tổng kết của Tổng cục Thống kê năm 2021, chỉ có chỉ tiêu về lạm phát đang ở mức đạt, còn các chỉ tiêu khác đều đang ở dưới mức kế hoạch 2022 đặt ra. Điều này cho thấy tính cấp thiết của gói kích thích kinh tế như một “liều thuốc” cho phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023.
Chỉ tiêu |
Tổng kết 2021 |
Kế hoạch 2022 |
Tốc độ tăng trưởng GDP |
2.58% |
6 - 6.5% |
Tốc độ tăng CPI |
1.84% |
Khoảng 4% |
Tốc độ tăng năng suất lao động trung bình |
4.71% |
5.5% |
Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị |
4.42% |
<4% |
Bảng 1: So sánh một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2021 và kế hoạch 2022.
Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 17/1/2022 về “Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” đã thông qua một gói kích thích kinh tế ước tính 350 nghìn tỷ đồng. Ngày 30/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình” nhằm cụ thể hóa những nội dung của gói kích thích kinh tế.
Một cách tổng quan, đây là gói hỗ trợ kinh tế lớn nhất từ trước đến nay về quy mô của Chính phủ Việt Nam. Chính sách tài khóa được coi là trụ cột của gói chính sách lần này, chiếm đến 291 nghìn tỷ đồng (83%), ngoài ra là gói chính sách tiền tệ (14%) và một số chính sách khác. Thời gian dự kiến giải ngân trong hai năm 2022-2023, chiếm 4,28% GDP và được đánh giá ở mức vừa phải so với các quốc gia đang phát triển cùng trình độ.
Phần lớn gói tài khóa được sử dụng để tăng chi đầu tư phát triển (176 nghìn tỷ), tập trung chủ yếu vào đầu tư cơ sở hạ tầng (hơn 110 nghìn tỷ). Ngoài ra là nhiều chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã; chính sách về đầu tư mua vật tư y tế, thiết bị, nâng cấp hệ thống y tế cấp cơ sở; chính sách an sinh xã hội, việc làm. Một phần không nhỏ (khoảng 60 nghìn tỷ) được sử dụng để giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) trong năm 2022 (từ 10% xuống 8%) nhằm kích thích tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ (ngoại trừ một số ngành hàng ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch như công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, khai khoáng,...). Cuối cùng, 40 nghìn tỷ đồng được sử dụng nhằm hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động và tăng bảo lãnh Chính phủ cho Ngân hàng Chính sách.
Có thể nói đây là một “cú hích” rất kịp thời đối với nền kinh tế Việt Nam, đáp ứng được sự cấp thiết của nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn và yêu cầu phục hồi kinh tế - xã hội mà Quốc hội đặt ra. Đây cũng là gói hỗ trợ kinh tế lớn nhất từ trước đến nay nếu xét về quy mô của Chính phủ Việt Nam. Không những thế, gói kích thích còn là tổng hợp của rất nhiều chính sách đa dạng, không chỉ giảm gánh nặng đối với cá nhân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, mà còn bơm thêm nguồn lực mạnh mẽ cho tăng trưởng. Ngoài ra, đối tượng được hưởng lợi từ gói kích thích cũng rất rộng, cho thấy độ phủ của chính sách hỗ trợ rất lớn.
So sánh với gói hỗ trợ kinh tế năm 2009, có thể thấy gói kích thích kinh tế lần này có một số điểm khác biệt tích cực. Nếu như năm 2009, gói hỗ trợ quy định những đối tượng được hỗ trợ, thì lần này đã chuyển sang quy định những đối tượng không được hỗ trợ, cho thấy mức độ bao phủ lớn. Năm 2009 gói kích thích kinh tế có giá trị bằng 10% GDP, trong khi hiện nay chỉ là hơn 4%, cho phép Nhà nước có dư địa để điều chỉnh thêm. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ công/GDP cũng đang ở mức cho phép (44% so với mức trần 60%), giúp Chính phủ có khả năng kiểm soát thâm hụt ngân sách tốt hơn năm 2009.
Mục tiêu của gói kích thích kinh tế rất rõ ràng, tập trung vào kích thích tiêu dùng, đẩy mạnh đầu tư công và phục hồi sản xuất của doanh nghiệp. Đây đều là những động lực quan trọng cho tăng trưởng trong chu kỳ phục hồi kinh tế từ đại dịch. Tuy nhiên, để thực hiện tốt gói kích thích kinh tế, đưa chính sách vào đời sống một cách hiệu quả và nhanh nhất, vẫn hiện hữu môt số quan ngại liên quan đến việc triển khai gói kích thích kinh tế trong thực tiễn. Đó là việc xác định đúng đối tượng nhận hỗ trợ, khả năng hấp thụ của nền kinh tế, và mức độ rủi ro của kinh tế vĩ mô.
Trước hết, cần phải xác định đúng những đối tượng nhận được hỗ trợ của gói phục hồi kinh tế, vì nguồn lực là hữu hạn, nhưng yêu cầu về tăng trưởng kinh tế là rất lớn, nên cần phải tìm ra đúng điểm nút nhằm khơi thông và thúc đẩy kinh tế. Những chủ thể này là những cá nhân, doanh nghiệp, ngành nghề chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19; hỗ trợ đúng những ngành nghề đi trực tiếp vào sản xuất, kinh doanh, có sức lan tỏa rộng lớn với cả nền kinh tế, tạo được nhiều công ăn việc làm. Ngoài ra, việc hỗ trợ cũng cần phù hợp với chủ trương ưu tiên các động lực tăng trưởng trước mắt như tiêu dùng, đầu tư công và xuất nhập khẩu.
Thứ hai, cần quan tâm đến mức độ hấp thụ chính sách của nền kinh tế, vì không thể đầu tư dàn trải, mà phải có trọng tâm, trọng điểm, nhắm vào các “điểm nghẽn” của nền kinh tế về pháp lý, quy định, về hành chính cũng như trong thực thi để khơi thông nguồn lực, tạo hiệu quả cao nhất đối với gói kích thích. Nếu không hiệu quả, không những làm lãng phí nguồn lực, mà có thể gây đến những tác động không mong muốn như lạm phát. Hiện nay, khi bắt đầu thực hiện những chính sách hỗ trợ, đã xuất hiện những trở ngại và lúng túng ngay từ bước đầu thực thi.
Nghị định 15/NĐ-CP về “Quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” đã được ban hành, tuy nhiên việc giảm thuế VAT trên thực tế vẫn còn gặp nhiều vướng mắc. Nhiều doanh nghiệp vẫn không nắm rõ mặt hàng kinh doanh của mình có thuộc danh mục hàng hóa dịch vụ được áp dụng giảm thuế hay không. Một số trường hợp giải thích chưa kỹ vẫn dễ gây hiểu lầm trong việc áp dụng thuế VAT cho nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra. Ngoài ra còn có sự thờ ơ giữa các khu vực kinh tế với thuế VAT, hay tiến độ áp dụng khác nhau giữa các địa phương cũng khiến cho chính sách gặp trở ngại khi áp dụng.
Bên cạnh đó, vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công cũng đang là một nút thắt lớn trong công tác triển khai gói hỗ trợ. Trong tổng số hơn 110 nghìn tỷ đồng dành cho kết cấu hạ tầng, dự kiến sẽ có khoảng 70 nghìn tỷ đồng chi cho cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên tiến độ giải ngân và thi công của các công trình này hiện đang rất chậm do nhiều nguyên nhân: thủ tục hành chính cho đầu tư; khó khăn nhập khẩu máy móc thiết bị; thiếu nhân công, chuyên gia tư vấn; công tác giải phóng mặt bằng trì trệ và giá vật liệu xây dựng tăng cao. Nguồn gốc sâu xa của vấn đề nằm ở công tác chuẩn bị dự án còn kém, quy trình hoàn thiện thủ tục rườm rà; công tác giải phóng mặt bằng gặp vướng mắc khi áp dụng Luật Đất đai và nguyên nhân do Covid-19.
Cuối cùng, rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ năm 2009, cần có những cẩn trọng và kiểm soát tốt dòng vốn hỗ trợ lần này, tránh đưa nguồn hỗ trợ vào những thị trường đầu cơ như bất động sản hay chứng khoán, có thể dẫn đến nguy cơ lạm phát cao. Đặc biệt, trong bối cảnh giá hàng hóa thế giới vẫn đang tăng ở mức cao do xung đột chính trị Nga - Ukraine và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, vấn đề kiểm soát lạm phát càng phải được đưa lên vị trí ưu tiên. Ngoài ra, rủi ro nợ công cũng là một mối đe dọa tiềm tàng đối với ổn định kinh tế vĩ mô, cần phải có những theo dõi sát sao đối với ngân sách quốc gia cũng như tỷ lệ nợ công, bảo đảm an ninh tài chính công quốc gia.
[1]World Bank: Giải pháp thuế hỗ trợ phục hồi kinh tế… và hơn thế - Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam, 2021.
Lê Thạch Anh