Một trong những nội dung được rất nhiều người quan tâm là vấn đề thu hồi đất, trưng dụng đất. Bởi lẽ, nếu quan sát thực tiễn thời gian qua sẽ thấy, không ít trường hợp nảy sinh mâu thuẫn xã hội, thậm chí là xung đột, điểm nóng, khiếu kiện, khiếu nại đông người, vượt cấp chính là vấn đề thu hồi, trưng dụng, đền bù, giải tỏa, tái định cư. Do đó, sửa đổi Luật Đất đai lần này là “cơ hội vàng” cho việc “lấp đi” những “điểm mù” về khái niệm mà chính nó lại dễ hình thành các luồng ý kiến khác nhau, thậm chí dễ hiểu sai, thực thi sai và đương nhiên, nếu tiếp tục tồn tại những “điểm mù” ấy có thể nảy sinh các vấn đề xã hội về đất đai, nguồn cơn hình thành một số điểm nóng xã hội không đáng có. Do đó, theo chúng tôi cần làm rõ một số nội dung sau:
Thứ nhất, trong giải thích từ ngữ cần phải làm rõ thêm một số khái niệm như “lợi ích quốc gia, công cộng”. Khoản 3, điều 16 có ghi: “Khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì người sử dụng đất được Nhà nước bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật”. Như vậy, ở đây có 02 khái niệm lớn là “lợi ích quốc gia” và “lợi ích công cộng”. Trong toàn bộ Dự thảo, khái niệm “quốc gia”, “lợi ích quốc gia, công cộng”, “công cộng” có tần số xuất hiện lần lượt là 113 lần, 11 lần và 52 lần. Thế nhưng trong mục “Giải thích từ ngữ” (có 52 mục từ được giải thích) thì lại không đưa 02 khái niệm quan trọng này vào danh mục từ để giải thích. Trên thực tế, khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích “quốc phòng, an ninh” thì tuyệt đại bộ phận người dân (chủ sở hữu đất được Nhà nước giao quyền) đều nghiêm chỉnh chấp hành. Trong khi đó, không ít các “dự án phát triển” lấy danh nghĩa là “lợi ích cộng cộng” nhưng thực chất lại không phải như vậy khiến người dân bức xúc. Thậm chí, không ít trường hợp nhờ “điểm mù” khái niệm này mà tiến hành thu hồi đất một cách khá tùy tiện, hình thành những dự án “ma”, dự án treo hàng chục năm gây lãng phí nguồn tài nguyên và “thất thoát” niềm tin của nhân dân. Do đó, kiến nghị đưa thêm 02 khái niệm này vào danh mục “Giải thích từ ngữ” của Điều 3 của Dự thảo.
Thứ hai, tại “Điều 3. Giải thích từ ngữ” đã lý giải: “50. Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai”. Điều này hoàn toàn đúng nhưng chưa đủ, nói cách khác là “bỏ sót chủ thể quản lý” với tư cách là một bên trong quá trình tranh chấp. Trên thực tế đã có trường hợp tranh chấp giữa cá nhân, tổ chức về quyền sử dụng đất nhưng cũng có trường hợp tranh chấp về “quyền quản lý”, “quyền sử dụng” giữa các chủ thể quản lý nhà nước về đất đai. Do đó, chúng tôi kiến nghị cần làm rõ thêm khái niệm này và đưa thêm vấn đề tranh chấp “quyền quản lý” vào nội hàm để có cơ sở pháp lý khi điều tiết hành vi trên thực tế. Từ đó, có thể giải thích theo hướng: “50. Tranh chấp đất đai là xung đột về quyền, nghĩa vụ giữa các chủ thể được giao quyền quản lý, quyền sử dụng đất đai”. Trong trường hợp này, khi có tranh chấp quyền quản lý, sử dụng giữa các chủ thể đều ở khu vực công thì có thể điều tiết bởi Luật tố tụng hành chính tương ứng với các hành vi hành chính hay quyết định hành chính có liên quan.
Thứ ba, tại điểm a, khoản 2 Điều 104 về “Hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất” có xác định: “Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất” khó thao tác hóa khái niệm “đời sống”. Bởi lẽ, thông thường khái niệm “đời sống” được hiểu là cả “đời sống vật chất”, “đời sống tinh thần”, “đời sống văn hóa”; trong đó,với “đời sống vật chất” có thể được mô tả ở điểm b của khoản 2 này nhưng “đời sống tinh thần” thì chưa được thể hiện rõ. Do đó, để tránh “hiểu nhầm” hoặc trong nhiều trường hợp cố tình “hiểu sai” để dây dưa không chịu di dời do thiếu “hỗ trợ tinh thần” (văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng, thói quen, kỷ niệm,…) thì nên thay khái niệm “Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất” thành “Hỗ trợ ổn định cuộc sống và sản xuất” hoặc nói rõ “Hỗ trợ điều kiện vật chất và sản xuất” hoặc đưa khái niệm “ổn định đời sống và sản xuất” này vào mục giải thích từ ngữ để khuôn lại nội hàm.
Phạm Đi