Việt Nam trên đang vững bước trên chặng đường đổi mới, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trên chặng đường ấy, đã và đang đặt ra nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn cần phải được nghiên cứu, tổng kết; trong đó, có vấn đề quan niệm về “Hạnh phúc” và những điều kiện cần và đủ để con người được hạnh phúc. Về vấn đề này, trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có một câu nói vô cùng thấm thía: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.
Hội nghị Văn hoá toàn quốc, ngày 24/11/2021. Ảnh: Internet.
Nhìn từ góc độ triết học, câu nói của đồng chí Tổng Bí thư khi quan niệm về hạnh phúc được nhìn nhận, xem xét trên cả hai mặt của một vấn đề cấu thành nên “Hạnh phúc của con người” đó là: Vật chất và Tinh thần. Hai mặt đó có quan hệ gắn bó chặt chẽ, là điều kiện và tiền đề cho nhau để tạo nên “Hạnh phúc của con người”.
Trước tiên, Tổng Bí thư khẳng định: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp…”, có nghĩa rằng, “Hạnh phúc của con người” phải được bảo đảm bằng sự giàu có về mặt vật chất, nó hoàn toàn đối lập với sự nghèo đói, lạc hậu về mặt kinh tế. Một đất nước, một quốc gia dân tộc mà nghèo nàn, lạc hậu về kinh tế, thì cũng đồng nghĩa là một dân tộc yếu. Người dân của một quốc gia, dân tộc nghèo nàn, lạc hậu thì chắc chắn không thể có được hạnh phúc thực sự. Vì vậy, trên chặng đường xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc với tầm nhìn, khát vọng và niềm tin tươi sáng, việc xây dựng một xã hội khá giả, sung túc và vươn lên giàu có là điều tất yếu.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Internet.
Tuy nhiên, nếu coi “Hạnh phúc của con người” chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, lấy đó làm thước đo, là tiêu chí, chuẩn mực và thậm chí trở thành lối sống của một xã hội thì điều đó có lẽ chưa hẳn đã đúng, thậm chí còn là nguy hại cho sự phát triển chung của xã hội. Do đó, khi đồng chí Tổng Bí thư nói “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp” còn ngụ ý phê phán rằng trong xã hội chúng ta hiện nay còn không ít người lấy “nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp” làm tiêu chí duy nhất của “Hạnh phúc” và lấy đó để khoe mẽ với thiên hạ, chạy theo lối sống hưởng thụ, thoả mãn với vật chất tầm thường. Có thể thấy, đó là quan niệm và lối sống lệch chuẩn, nó không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc; hơn nữa, nếu để nó phát triển đến một giới hạn nhất định, thì tất yếu nó sẽ phá vỡ các quy luật xã hội khác. Do đó, cần phải có cái nhìn biện chứng về Hạnh phúc của con người. Về điều này, Tổng thống Uruguay Jose Mujica cũng đã từng chia sẻ về phương châm của sống của ông: “Người ta gọi tôi là tổng thống nghèo nhất, nhưng tôi không cảm thấy nghèo. “Người nghèo” không phải là người sở hữu ít, mà là những người không biết thỏa mãn ham muốn dục vọng”.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”. Rõ ràng, cách hiểu về “Hạnh phúc của con người”, được Tổng Bí thư nhìn nhận và khái quát rất biện chứng, rất hài hòa, thống nhất giữa yếu tố Vật chất và Tinh thần. Ở góc độ thứ hai, đời sống tinh thần chính là những giá trị cốt lõi của văn hóa Việt Nam: sự phong phú về tâm hồn người Việt Nam, hạnh phúc của con người phải “được sống trong tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.
Như vậy, “Hạnh phúc của con người” còn là “sự phong phú về tâm hồn” nó đối lập với sự nghèo nàn, vô cảm về tâm hồn; “được sống trong tình thương và lòng nhân ái” đối lập với sự thù ghét và lòng căm giận; “lẽ phải và sự công bằng” đối lập với việc con người sống trong một xã hội giả dối, sai trái về luân thường đạo lý và đầy rẫy sự bất công. Do đó, nếu như “Hạnh phúc của con người” chỉ là nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp thôi thì chưa đủ, mà điều quan trọng hơn đó chính là sự phong phú, giàu có trong đời sống tinh thần; cao hơn nữa, đó là đời sống mang nét đặc sắc riêng phản ánh cốt cách, khí phách của tâm hồn và trí tuệ con người Việt Nam được hun đúc từ hàng nghìn năm của lịch sử dân tộc, như Tổng Bí thư đã nhấn mạnh đó chính là “sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.
Rõ ràng, câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực sự thấm thía đối với mỗi chúng ta, nó có ý nghĩa lý luận sâu sắc và định hướng hoạt động thực tiễn của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam, qua đó không chỉ góp phần vào quá trình xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, mà còn góp phần xây dựng đất nước Việt Nam thịnh vượng, phồn vinh và hạnh phúc.
Trần Viết Dương