“Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” là khát vọng, ham muốn tột bậc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó cũng là nhu cầu, khát vọng ngàn đời của nhân dân Việt Nam và là ý chí, quyết tâm chính trị của Đảng và nhà nước Việt Nam trong quá trình cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngày nay, hạnh phúc vừa là giá trị, khát vọng, vừa là mục tiêu, động lực của Đảng và Nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển quốc gia.
Từ khát vọng của Đảng và lãnh tụ
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đau đáu nỗi niềm về hạnh phúc của quốc dân: “cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân”[1]. Người nói, “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”[2] và “tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Vì thế, “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[3].
Thực hiện lời di huấn của chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết tâm cụ thể hóa giá trị hạnh phúc qua từng thời kỳ đại hội, bởi vì “Đảng ta không có mục đích nào khác là đấu tranh vì hạnh phúc của nhân dân”[4]. Đảng ta khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới bảo đảm cho dân tộc ta có độc lập, tự do thực sự, đất nước phát triển phồn vinh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”[5]. Tại Đại hội VII, Đảng ta xác định một trong những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội Việt Nam là “con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân”[6]. Đến Đại hội XIII tinh thần đó được tiếp tục khẳng định: “khơi dây tinh thần và ý chí, quyết tâm, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc…”[7]; “… bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân”[8]. Điều này cho thấy, hạnh phúc là mục tiêu xuyên suốt và việc hiện thực hóa mục tiêu này là yêu cầu thường trực trong sự lãnh đạo của Đảng.
Đến thực tiễn
Hạnh phúc của con người không chỉ có hưởng thụ về vật chất mà còn có cả tinh thần. Hiện thực hóa giá trị hạnh phúc trong đời sống là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước ta nhằm thực hiện “ham muốn tột bậc” của Hồ Chí Minh “hạnh phúc của quốc dân”.
Thành tựu đổi mới là kết quả nỗ lực và kiên trì vì mục tiêu “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Kinh tế Việt Nam đã không ngừng tăng trưởng và đời sống nhân dân đã luôn thay đổi hàng ngày. Đánh giá về thành tựu 35 năm đổi mới, Đảng ta khẳng định “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay”[9]. Thật vậy, Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo của thế giới sang một quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Tăng trưởng kinh tế nước ta vẫn duy trì với tốc độ tăng khá, khoảng 6%/năm[10]. Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Song, Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới có tăng trưởng kinh tế dương, ước tính đạt 2,9% năm 2020[11] và điều này thể hiện sức đề kháng của kinh tế Việt Nam trước tác động của đại dịch. Sau đại dịch, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 đạt 8,05%[12]. Dự báo đến hết năm 2023, tăng trưởng GDP của cả nước đạt khoảng trên 5%, mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới[13]. Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi lao động duy trì ở mức thấp, đến năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động chỉ còn 2,34%, giảm 0,86 điểm phần trăm so với năm 2021 (3,20%)[14]. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 4,0% năm 2022[15]. Chất lượng dân số từng bước được cải thiện, “tuổi thọ trung bình đến năm 2022 khoảng 73,6 tuổi[16], tăng so với năm 2015 (73,3 tuổi)”. Đời sống người dân không ngừng cải thiện; tạo sinh kế và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch xã hội cơ bản[17], cho nên Việt Nam được đánh giá là “đã hoàn thành mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, trong đó có nhiều mục tiêu về giảm nghèo, y tế, giáo dục hoàn thành trước thời hạn, được đánh giá là điểm sáng”[18]. Chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam tăng từ 5,061 điểm, xếp vị thứ 94/149 quốc gia năm 2016, lên 5,411 điểm, xếp vị trí thứ 79 năm 2021 và 5,485 điểm năm 2022, xếp vị thứ 77. Hiện nay, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đã tăng 12 bậc, từ vị trí 77 vào năm 2022 lên vị trí 65, năm 2023[19].
Như vậy, hạnh phúc là giá trị mà Đảng ta luôn hướng đến và là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo của Đảng. Thành tựu toàn diện về kinh tế - xã hội của Việt Nam trong gần 40 năm đổi mới là kết quả của những nỗ lực bền bỉ của Đảng và Nhân dân ta trong quá trình từng bước biến hạnh phúc từ mục tiêu, lý tưởng, từ nhu cầu, khát vọng, từ ý chí, quyết tâm chính trị đến thực tiễn sinh động trong đời sống của người dân và đất nước.
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, tập 4, tr. 272
[2] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 4, tr. 64
[3] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 4, tr. 187
[4] Đảng Cộng Sản Việt Nam: Văn kiện đại hội Đảng trong thời kỳ đổi mới (phần 1: từ Đại hội VI-IX), Nxb CTQGST, Hà Nội, 2019, tr.30
[5] Đảng Cộng Sản Việt Nam: Văn kiện đại hội Đảng trong thời kỳ đổi mới (phần 2: từ Đại hội X-XII), Nxb CTQGST, Hà Nội, 2019, tr.40
[6] Đảng Cộng Sản Việt Nam: Văn kiện đại hội Đảng trong thời kỳ đổi mới (phần 1: từ Đại hội VI-IX), Nxb CTQGST, Hà Nội, 2019, tr.306
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tập 1, tr.46.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tập 1, tr.47
[9] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tập 1, tr. 25.
[10] Đảng cộng sản Việt Nam Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tập 1, tr.20
[11] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tập 1, tr.23
[12] Tổng Cục thống kê: Niên giám thống kê năm 2022, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2023, tr.10
[14] Tổng Cục thống kê: Niên giám thống kê năm 2022, Sđd, tr.194
[15] Tổng Cục thống kê: Niên giám thống kê năm 2022, Sđd, tr.1032
[16] Tổng Cục thống kê: Niên giám thống kê năm 2022, Sđd, tr.146
[17] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tập 2, tr.43
[18] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tập 1, tr. 65-66
[19] Nguồn: Việt Nam tăng 12 bậc trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 202, tại trang: https://vov.vn/xa-hoi/viet-nam-tang-12-bac-trong-bao-cao-hanh-phuc-the-gioi-2023-post1008636.vov
TT