Ngày 9/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được Quốc hội thông qua, trong đó có ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Trải qua nhiều lần sửa đổi Hiến pháp với những phiên bản khác nhau nhưng tinh thần của Hiến pháp 1946 vẫn là sợi chỉ xuyên suốt trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện luật pháp nói chung và luật pháp về tôn giáo nói riêng.
Lần đầu tiên trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc, hai tiếng “công dân” thiêng liêng đã được ghi nhận trong Hiến pháp 1946 - văn bản pháp lý cao nhất của quốc gia. Hiến pháp khẳng định quyền bình đẳng về mọi phương diện (kinh tế, chính trị, văn hóa) cho tất cả công dân Việt Nam và đều bình đẳng trước pháp luật, đồng thời hiến định về nghĩa vụ gắn liền với quyền của công dân, đó là người dân được hưởng các quyền do Hiến pháp quy định nhưng phải có nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, tôn trọng Hiến pháp và tuân theo pháp luật.
Sau hơn 80 năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, hàng ngàn năm dưới ách áp bức của chế độ phong kiến, lần đầu tiên những đối tượng yếu thế trong xã hội đã được Hiến pháp 1946 nhắc đến. Hiến pháp khẳng định quyền bình đẳng đối với phụ nữ, người già, người tàn tật, trẻ em… Đặc biệt, Điều 10 Hiến pháp 1946 đã khẳng định: Mọi công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng và “đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi già trẻ, gái trai, giai cấp, tôn giáo”. Hiến pháp 1946 cho thấy giá trị thời đại, tính vượt trước, bởi lẽ đến năm 1948, Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền, thì quyền tự do tôn giáo mới được nêu trong Điều 18.
Đến Hiến pháp 1959, quyền tự do tôn giáo một lần nữa được khẳng định và cụ thể hóa ở Điều 26: “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Ở đây, quyền tự do tôn giáo đã được mở rộng “theo hoặc không theo một tôn giáo nào”. Điều này cho thấy tự do tôn giáo không chỉ là quyền theo tôn giáo mà có cả quyền không theo tôn giáo. Đây là sự mở rộng, thể hiện nhãn quan toàn diện và đầy đủ hơn về những quan hệ xã hội; một mặt là sự mở rộng hơn, làm sâu sắc thêm quyền tự do tín ngưỡng,tôn giáo;mặt khác, là cơ sở pháp lý nhằm bảo vệ quyền của những người không theo tôn giáo nào.
Trên cơ sở kế thừa và phát triển Hiến pháp 1946 và 1959, Điều 68 Hiến pháp 1980 ghi nhận: Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước. Quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo tiếp tục được khẳng định. Tuy nhiên, Hiến pháp 1980 còn quy định: Không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước. Quy định này xuất phát từ bối cảnh lịch sử, đất nước khi đó mới thống nhất, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội đang có những diễn biến phức tạp.
Ngày 15/4/1992, Hiến pháp 1992 được Quốc hội thông qua, đến năm 2001 được sửa đổi. Hiến pháp 1992 ra đời trong bối cảnh đất nước đã bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, vì vậy, vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo được hiến định với những sắc thái mới. Cụ thể, Điều 70, lần đầu tiên, khái niệm “tín ngưỡng” và “tôn giáo” đã được đặt độc lập cạnh nhau. Điều này phân biệt vấn đề tín ngưỡng và tôn giáo rõ ràng hơn, thể hiện thêm một bước tiến trong nhận thức về các hiện tượng thuộc đời sống tâm linh. Việc bổ sung, làm rõ hiện tượng tín ngưỡng bên cạnh tôn giáo là hết sức cần thiết,nó không chỉ thể hiện tính công bằng đối với xã hội từ phương diện chuẩn mực pháp lý mà còn mở rộng quyền công dân.
Hiến pháp 1992 đề cập đến sự bình đẳng trước pháp luật của các tôn giáo góp phần bảo đảm sự đoàn kết tôn giáo, dân tộc, đồng thời phản ánh thái độ dân chủ, khách quan trong xây dựng luật pháp. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi nước ta có nhiều tôn giáo khác nhau cùng tồn tại đan xen. Bên cạnh đó, quy định “những cơ sở thờ tự của tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ” trong Hiến pháp 1992 khẳng định trách nhiệm cụ thể của Nhà nước với việc bảo đảm quyền của các tôn giáo trong thực tiễn. Không chỉ dừng lại quy định: không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước mà Hiến pháp 1992 còn quy định: không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Quy định này thể hiện trách nhiệm tôn trọng, cách nhìn nhận về quyền tự do tôn giáo trong đời sống xã hội. Bởi vì, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo chỉ được bảo đảm khi mọi người trong xã hội dù có hay không có tín ngưỡng tôn giáo đều không được làm phương hại đến nó.
Hiến pháp 2013 có bước tiến quan trọng trong quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Tại Điều 24 Hiến pháp ghi nhận hai điểm: Thứ nhất, “Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”. Điều này khẳng định lại chính sách của Nhà nước đối với quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, coi đó là một nhu cầu và là một quyền tất yếu của người dân. Để họ thực hiện tốt nhất quyền đó, Nhà nước cần phải tôn trọng, bảo vệ và tạo điều kiện. Thứ hai, Hiến pháp ghi nhận: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”. Ở đây, “Mọi người” không phải là “công dân”. Bản chất của vấn đề hoàn toàn thay đổi về chất, thể hiện chính xác quyền con người đối với vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một quyền cơ bản cho tất cả mọi người.
Như vậy, tiến trình xây dựng và hoàn thiện luật pháp về tôn giáo ở nước ta, nhìn từ các đạo luật gốc là một quá trình phát triển liên tục. Ở mỗi giai đoạn, luật pháp nói chung, luật pháp về tôn giáo nói riêng là sản phẩm và gắn với bối cảnh lịch sử cụ thể. Từ góc độ pháp lý, trước hết, cần thấy lịch sử của luật pháp về tôn giáo gắn với quá trình phát triển, kế thừa và điều chỉnh liên tục bởi Hiến pháp - đạo luật nền tảng của luật pháp quốc gia.
Lịch sử lập pháp Việt Nam ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được khẳng định ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên: Hiến pháp 1946. Hiến pháp 1946 đã phản ánh được tinh thần pháp quyền trên tất cả phương diện, được coi là bản hiến pháp dân chủ, tiến bộ không kém bất kỳ bản hiến pháp của một quốc gia phát triển nào... Gần tám thập kỷ xây dựng và hoàn thiện luật pháp, các bản Hiến pháp của Việt Nam đã có sự kế thừa và phát triển tư tưởng về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo mà Hiến pháp 1946 nêu ra, qua đó khẳng định thêm ý nghĩa lịch sử, chính trị, pháp lý của Hiến pháp 1946.
Thanh Bùi