Sự ra đời Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7)
Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và nhân dân ta đã dành tất cả tình thương yêu cho các Thương binh, Liệt sĩ. Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ tử nạn ra đời, sau một thời gian đổi thành Hội giúp binh sĩ bị thương, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch danh dự của Hội. Cuối năm 1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội đã tổ chức cuộc vận động "Mùa đông binh sĩ" trên phạm vi cả nước, kêu gọi đồng bào giúp đỡ các binh sĩ trên nhiều mặt trận. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự buổi lễ và Người đã cởi chiếc áo rét mà Người đang mặc để tặng binh sĩ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt vòng hoa ở đài liệt sĩ tại Quảng trường Ba Đình, ngày 1/1/1955. Ảnh: Internet.
Ngày 16/02/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20-SL “quy định chế độ hưu bổng, thương tật, tiền tuất cho thân nhân, tử sĩ”[1]. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên của công tác thương binh, liệt sĩ và thân nhân. Ngày 26/02/1947, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Phòng thương binh thuộc Cục Chính trị, Quân đội quốc gia Việt Nam. Đến tháng 7/1947, các đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Đoàn Thanh niên cứu quốc, Cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam và một số địa phương đã dự một cuộc họp do Cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam tổ chức tại Đại Từ, Thái Nguyên. Tại cuộc họp này, toàn thể hội nghị nhất trí đề nghị Trung ương lấy ngày 27/7/1947 là Ngày thương binh toàn quốc. Tháng 7/1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi Ngày Thương binh toàn quốc thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ để ghi nhận những hy sinh lớn lao của chiến sĩ, đồng bào cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc. Trên cương vị của mình, vào dịp này hàng năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gửi thư, quà thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. Đó cũng là dịp để quốc dân đồng bào tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái và tri ân các anh hùng thương binh, liệt sĩ, phát huy tinh thần yêu nước, củng cố và bồi đắp niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác thương binh, liệt sĩ
Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ”[2]. Người đã giành nhiều thời gian, việc làm cụ thể cho các thương binh, liệt sĩ. Tháng 11/1946, Người đã ra thông báo về việc nhận con các liệt sỹ làm con nuôi, hằng năm đều có thư thăm hỏi động viên, khuyến khích thương binh, gia đình liệt sỹ. Trong 22 năm (1947-1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 14 lần gửi quà, tiền nhân ngày thương binh, liệt sỹ. Theo Người, làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ cũng là thể hiện chủ nghĩa nhân văn của dân tộc Việt Nam, cốt lõi là lòng thương yêu con người. Tiếp nối truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" trong lịch sử văn hóa dân tộc, thì nay các anh hùng thương binh, liệt sĩ cần phải được "Tổ quốc ghi công", xây dựng thành những tượng đài vinh quang trong lòng dân tộc.
Hồ Chí Minh cho rằng, cần xác định cho đúng đối tượng và nhiệm vụ của công tác thương binh, liệt sĩ. Về đối tượng, Người chỉ rõ: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt”[3]. Những người “quyết hy sinh tính mệnh họ, để giữ gìn tính mệnh của đồng bào. Họ hy sinh gia đình và tài sản họ, để bảo vệ gia đình và tài sản của đồng bào. Họ quyết liều chết chống địch, để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Họ là những chiến sĩ anh dũng của ta. Trong đó, có người đã bỏ lại một phần thân thể ở trước mặt trận. Có người đã bỏ mình ở chiến trường. Đó là thương binh, đó là tử sĩ”[4].
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết các đồng chí thương binh ở trường Thương binh hỏng mắt, ngày 11/2/1956 (30 Tết Nguyên đán Bính Thân). Ảnh: Tư liệu
Về nhiệm vụ, theo Hồ Chí Minh: “Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”[5].
Về cách thức thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, Hồ Chí Minh nêu rõ: “1- Mỗi xã trích một phần ruộng công, nếu không có ruộng công thì mượn ruộng của những đồng bào hằng tâm hằng sản, nếu không mượn được ruộng thì chính quyền, đoàn thể và đồng bào trong xã chung sức phát vỡ một số đất mới để giúp thương binh. 2- Chính quyền, đoàn thể và đồng bào trong xã sẽ tổ chức việc cày cấy, chăm nom, gặt hái những ruộng đất ấy. Hoa lợi sẽ để nuôi thương binh. 3- Tùy theo số ruộng đất trích được, mượn được hoặc khai khẩn được, mà đón nhiều hoặc ít thương binh về xã. Anh em thương binh sẽ tuỳ sức mà làm những công việc nhẹ, như học may vá, đan lát, hớt tóc hoặc giúp việc phòng giấy, giúp việc bình dân học vụ trong làng… Như thế thì đồng bào mỗi xã đã được thoả mãn lòng ước ao báo đáp anh em thương binh; mà anh em thương binh thì được yên ổn về vật chất và vui vẻ về tinh thần và vẫn có dịp tham gia sự hoạt động ích lợi cho xã hội”[6].
Kế thừa truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, thực hiện chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến các anh hùng thương binh, liệt sĩ và thân nhân của họ. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh “tiếp tục thực hiện việc nâng mức trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, giải quyết căn bản chính sách đối với người có công; nâng cấp các công trình "đền ơn đáp nghĩa"”[7].
Hoà Phạm