Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài trong thời gian qua không chỉ gây áp lực nặng nề lên hệ thống y tế công cộng, mà đã và đang đặt ra những thách thức chưa từng có đối với nền kinh tế và mọi mặt của đời sống xã hội, làm xáo trộn đời sống nhân dân ở tất cả các nước, trong đó có Việt Nam.
Trường học, công sở, nhà máy, xí nghiệp, cùng nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã phải đóng cửa trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Tỷ lệ lao động thất nghiệp, nghỉ việc tăng cao, nhiều người bị giảm sâu thu nhập, không đảm bảo mức sống tối thiểu dẫn đến tiềm ẩn những bất ổn an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Những khó khăn mà Việt Nam phải đối mặt thậm chí còn lớn hơn, nhất là khi cánh cửa phát triển của Việt Nam với tư cách là một mắt xích của chuỗi cung ứng toàn cầu phải đóng lại do việc hạn chế đi lại, thông thương với các nước; trong khi đó nguồn lực của đất nước để ứng phó với dịch bệnh và phục hồi kinh tế hậu dịch bệnh là có hạn.
Dù nền kinh tế nước ta vẫn trụ vững trong 4 tháng đầu năm 2020, nhưng những tác động từ đại dịch Covid-19 đã, đang và sẽ ngày càng “ngấm” rõ hơn.
Đối với các doanh nghiệp, theo Báo cáo đánh giá tác động của Covid-19 đến nền kinh tế và khuyến nghị chính sách ứng phó với dịch Covid-19 do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vừa công bố gần đây, nếu đại dịch kéo dài đến hết tháng 4 thì 31,9% doanh nghiệp sẽ phải cắt giảm quy mô sản xuất; 18,1% tạm dừng hoạt động; 0,8% có khả năng phá sản. Nếu đến hết tháng 6, tháng 9 hoặc hết năm thì tỷ lệ doanh nghiệp phá sản sẽ lần lượt là 6,1%, 19,3% và 39,3%. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế và đời sống của hàng vạn người lao động.
Trước tình hình ấy, Nhà nước đã nhanh chóng thông qua chính sách hỗ trợcác doanh nghiệp và người lao động cầm cự qua thời kỳ khó khăn, là cơ sở để nền kinh tế bật lên sau đại dịch.
Ngày 9/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết về các biện pháp và gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Gói hỗ trợ hơn 62.000 tỷ đồng tập trung vào 7 nhóm đối tượng bao gồm: người có công với cách mạng đang hưởng chính sách ưu đãi hàng tháng; đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèo, hộ cận nghèo; người lao động theo chế độ hợp đồng phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động tự do, không có giao kết hợp đồng; người sử dụng lao động khó khăn về tài chính được vay 50% tiền lương tối thiểu vùng để trả lương cho người lao động; hộ kinh doanh cá thể thu nhập dưới 100 triệu bị ngừng kinh doanh theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Người dân phường Phúc Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhận tiền hỗ trợ. Ảnh: Hà Nội Mới
Chính phủ nhấn mạnh nguyên tắc chỉ hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp của dịch Covid-19; không bỏ sót đối tượng và cũng không hỗ trợ dàn trải, tràn lan; nhà nước và doanh nghiệp cùng chia sẻ trách nhiệm.
Cụ thể, các hộ nghèo được hỗ trợ trực tiếp 1 triệu đồng/người/tháng trong 3 tháng (tháng 4, 5, 6); các đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội được hỗ trợ thêm 500,000 đồng/tháng. Bên cạnh đó, có hai chính sách hỗ trợ đặc thù: Thứ nhất là, người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian tối đa 12 tháng khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh dẫn đến phải giảm từ 50% số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội trở lên (kể cả lao động ngừng việc). Thứ hai là, cho phép người sử dụng lao động được hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động. Thời gian hỗ trợ tối đa là 3 tháng, với mức 1 triệu đồng/người/tháng.
Gói hỗ trợ của Chính phủ được triển khai đã đáp ứng mong mỏi của các doanh nghiệp cùng hàng vạn lao động mất việc đang bị đè nặng bởi gánh nặng “cơm áo, gạo tiền”. Trong điều kiện nguồn lực có hạn, Chính phủ đang làm hết sức mình để chia sẻ gánh nặng với doanh nghiệp, đảm bảo đời sống của các tầng lớp nhân dân, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, “nếu còn sót đối tượng này, đối tượng kia mà xã hội quan tâm thì tiếp tục bổ sung”.
Tinh thần của chính sách hỗ trợ được thể hiện rất rõ ở việc quan tâm đến những đối tượng dễ bị tổn thương, đối tượng chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh. Các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng, bên cạnh việc hỗ trợ người lao động, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần tránh sự đổ vỡ của các doanh nghiệp lớn, vốn đóng vai trò đầu tầu của nền kinh tế, tránh lan sang các khu vực khác.
Một việc làm thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta được tuyệt đại đa số nhân dân ủng hộ, vậy mà vẫn có một số kẻ lại có những phát ngôn xuyên tạc, đưa ra những đồn đoán vô căn cứ... Giải cứu kinh tế chính là để đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo ổn định kinh tế - xã hội, ổn định để vượt qua khủng hoảng và để tiếp tục phát triển sau khủng hoảng.
Tuy nhiên, vấn đề là làm sao để thực hiện chính sách hỗ trợ một cách hiệu quả, đúng đối tượng, kịp thời, công khai, minh bạch, không để trục lợi chính sách.
Việc này đòi hỏi các cấp chính quyền phải triển khai gói hỗ trợ khẩn trương, có trách nhiệm; đồng thời, có những hình thức giám sát chặt chẽ từ các đoàn thể nhân dân.
Cần công khai, minh bạch các gói hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp tiếp cận một cách nhanh nhất.
Ảnh: VOV
Ngoài ra, cần phải xây dựng được các tiêu chí rõ ràng trong xác định đối tượng thụ hưởng; trong đó chú ý đến nhóm lao động không có giao kết hợp đồng, nhưhộ kinh doanh nhỏ, lao động tự do. Trên thực tế, đây là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp, lớn nhất của dịch Covid-19, cũng là nhóm khó xác định nhất, và dễ nảy sinh hệ lụy nhất.
Muốn xác định đúng đối tượng cần phải xác minh được họ làm gì, ở đâu, thu nhập giảm sâu như thế nào. Nếu tiêu chí xác định đối tượng không rõ, đối tượng quá rộng, sẽ dẫn đến khó khăn trong công tác rà soát, thống kê để triển khai gói hỗ trợ, chính sách sẽ dễ bị lợi dụng, phá hoại.
Vai trò của chính quyền cơ sở cần được phát huy cao độ trong tìm hiểu và xác minh thông tin.Sau khi xác minh, làm rõ, người lao động tự do được hưởng chính sách hỗ trợ ở chính quyền cơ sở, phường xã nơi sinh sống; hoặc ở nơi lao động tạm trú khi có xác nhận chưa nhận được sự hỗ trợ từ quê quán. Chỉ có như vậy, gói hỗ trợ mới đến được tay những người thực sự cần nó.
Thành Nhật