Với dân tộc Việt Nam, hòa bình là mục tiêu nhất quán, lâu dài
Giá trị hòa bình
Là một dân tộc phải gánh chịu nhiều đau thương, mất mát do chiến tranh, người Việt Nam thấu hiểu giá trị của hòa bình, đó là bình yên và hạnh phúc cho mỗi con người, ổn định và phát triển cho mỗi quốc gia, dân tộc. Trong suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, tinh thần yêu chuộng hòa bình đã trở thành một trong những mạch chủ lưu của truyền thống dân tộc Việt Nam, được thể hiện ở lối suy nghĩ, hành xử của từng con người hay trong tư duy, hành động, ứng xử của cả dân tộc.
Truyền thống yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam đã được tiếp nối và tỏa sáng trong thời đại Hồ Chí Minh, trở thành đường lối cơ bản của Đảng ta trong hoạt động đối ngoại. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, của Bác Hồ, dân tộc Việt Nam luôn kiên định tư tưởng hòa bình, hữu nghị, trong mọi tình huống đều cố gắng tránh tối đa xung đột vũ trang gây tổn thất xương máu. Kể cả khi bắt buộc phải chấp nhận chiến tranh để bảo vệ đất nước, chúng ta vẫn tìm mọi cách nhằm cứu vãn hòa bình, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Nhân dân Việt Nam tin chắc rằng mọi sự phân tranh trên thế giới đều có thể giải quyết bằng cách hòa bình; tin chắc rằng các nước dù chế độ xã hội khác nhau và hình thái ý thức khác nhau cũng đều có thể chung sống hòa bình được”[1].
Với dân tộc Việt Nam, hòa bình là mục tiêu nhất quán, lâu dài. Khi chiến tranh chấm dứt, chúng ta lại tìm cách kết nối dân tộc, xóa bỏ hận thù với tuyên bố Việt Nam sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước, mong muốn và thiện chí giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại, đàm phán, thương lượng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi để xây dựng một thế giới tốt đẹp.
Giá trị thống nhất
Cùng với hòa bình, sự thống nhất của quốc gia là niềm khát khao, là mục tiêu sống còn của mọi dân tộc trên thế giới, nhất là các quốc gia -dân tộc đang còn bị chia cắt. Hòa bình và thống nhất là môi trường lý tưởng để mọi cá nhân và cộng đồng xã hội xây đắp cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc, là tiền đề để quy tụ và củng cố sức mạnh quốc gia -dân tộc.
Cầu Hiền Lương - khu vực Vĩ tuyến 17, nơi phân định ranh giới tạm thời hai miền Nam - Bắc, trở thành biểu tượng khát vọng thống nhất non sông. Ảnh tư liệu.
Hơn ai hết, dân tộc Việt Nam hiểu rõ giá trị của sự thống nhất quốc gia, bởi vì, đất nước bị chia cắt là nỗi đau mà người Việt đã từng phải chịu đựng. Trong lịch sử dân tộc, trải qua những cuộc chiến tranh kéo dài, khi Tổ quốc bị chia cắt bởi giặc ngoại xâm hoặc các thế lực cát cứ, lớp lớp các thế hệ người Việt Nam không tiếc máu xương, hy sinh tất cả, quyết dành cho được mảnh đất của cha ông, thống nhất non sông liền một dải. Với người Việt Nam, mỗi tấc đất của Tổ quốc là xương máu của tổ tiên, các thế hệ sau không được quyền lãng quên. Đó là thực tế lịch sử suốt ba thập kỷ, từ năm 1945 đến năm 1975, với quyết tâm và ý chí ngút trời, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã anh dũng chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, bằng mọi giá, giải phóng đất nước, thống nhất non sông. Tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định ý chí sắt đá, khát vọng muôn đời của dân tộc Việt Nam về thống nhất đất nước: “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”[2].
Giá trị độc lập
Hòa bình, thống nhất là những giá trị vô cùng cao quý mà dân tộc Việt Nam luôn ngưỡng vọng, gìn giữ, tuy nhiên, nếu không có độc lập dân tộc, chúng ta sẽ mất tất cả, mất cả nền hòa bình và sự toàn vẹn lãnh thổ, thậm chí quyền sống, quyền làm người cũng có nguy cơ bị tước đoạt, vì vậy, độc lập luôn là giá trị cao quý nhất mà toàn thể dân tộc Việt Nam hướng đến và quyết tâm có được bằng mọi giá.
Là một dân tộc từng phải chịu ách đô hộ hàng ngàn năm của các thế lực phong kiến phương Bắc và hàng thế kỷ chịu sự thống trị của thực dân, đế quốc, để có được độc lập, tự do, dân tộc Việt Nam phải trải qua lịch sử dài lâu chiến đấu đầy hy sinh, mất mát với biết baomồ hôi, xương máu của nhiều thế hệ người. Do đó, đối với dân tộc Việt Nam “không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Chiến thắng ngoại xâm, giành và giữ cho được độc lập, tự do cũng là quyết tâm sắt đá của toàn thể dân tộc Việt Nam không kể ở tầng lớp nào, địa vị xã hội nào. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rõ ý chí ấy, đó là: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!”[3].
Với quyền tự quyết cho vận mệnh của dân tộc mình, sau khi giành được độc lập, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam đã kiên định lựa chọn con đường xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Bởi vì, bằng trải nghiệm lịch sử, nhân dân Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng, chủ nghĩa xã hội là xu hướng phát triển tất yếu của lịch sử nhân loại tiến bộ; chỉ có chủ nghĩa xã hội mới thực sự bảo đảm độc lập dân tộc, bảo đảm dân tộc không bị nô dịch, áp bức, nhân dân mới thực sự làm chủ cuộc đời, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.
Hòa bình, thống nhất, độc lập dân tộc là mục tiêu kiên định trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốcViệt Nam hôm nay
Trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến rất phức tạp và khó lường như hiện nay, mặc dù luôn phải đương đầu với những khó khăn, thách thức trong việc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, Đảng ta vẫn kiên định lập trường: “không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”[4]. Do đó, Việt Nam luôn là một trong những nước đi đầu trong việc giữ gìn hòa bình và ổn định trong khu vực và thế giới, được bạn bè quốc tế ghi nhận và ủng hộ.
Bên cạnh đó, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, dân tộc Việt luôn ý thức cao độ việc bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia. Từng tấc đất nơi biên cương, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc luôn được canh giữ, bảo vệ nghiêm cẩn. Với những tranh chấp hiện nay trên vùng Biển Đông, Việt Nam luôn kiên trì, kiên định lập trường và mềm dẻo trong sách lược, phương pháp để khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo, đó là: “Duy trì hòa bình, an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982”.[5]
Cùng với ý chí, quyết tâm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, Đảng ta chú trọng đến tính thống nhất trên mọi mặt, mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong đó, trước hết, cần “xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa,… Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống pháp luật, thể chế và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội”[6]. Đồng thời, Đảng ta cũng đặc biệt quan tâm đến các vấn đề văn hóa, xã hội, vấn đề hòa hợp dân tộc, quan tâm “khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc;…”[7]. Đường lối đúng đắn đó sẽ dẫn dắt toàn thể dân tộc Việt Nam đi tới thành công, xây dựng, bảo vệ, giữ gìn đất nước hòa bình, thống nhất, độ lập, phồn vinh, hạnh phúc.
Ngô Thị Thu Ngà