Hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội được đề cập lần đầu tiên tại Đại hội X của Đảng. Đại hội chủ trương: “Phát huy vai trò và tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân tham gia xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”(1); đồng thời, Đại hội nhấn mạnh: "Nhà nước ban hành cơ chế để Mặt trận và các đoàn thể thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội"(2) và “Xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng và việc tổ chức thực hiện, kể cả đối với công tác tổ chức và cán bộ”(3).
Đến Đại hội XI (2011) của Đảng, quan điểm về hoạt động giám sát và phản biện xã hội được phát triển thêm một bước: “Đảng tôn trọng tính tự chủ, ủng hộ mọi hoạt động tự nguyện, tích cực, sáng tạo và chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận và các đoàn thể. Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”(4).
Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (Khóa XI) về giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, 2/2019. Ảnh: Internet.
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng tiếp tục khẳng định: “Đảng tôn trọng tính tự chủ, ủng hộ mọi hoạt động tự nguyện, tích cực, sáng tạo và chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận và các đoàn thể. Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”(5).
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011), Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết 12-NQ/TW ngày 16-01-2012 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, trong đó nêu rõ: “Ban Dân vận Trung ương chủ trì phối hợp với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, cơ chế để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, trình Bộ Chính trị ban hành”(6).
Để triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương này, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 kèm theo Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12-12-2013 quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Có thể nói Quyết định số 217-QĐ/TW kèm theo Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội là công cụ chính trị quan trọng để Mặt trận, các đoàn thể thực hiện vai trò, trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước. Quy chế đã quy định cụ thể đối tượng, mục đích, nội dung và hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị phản biện xã hội. Ảnh: Internet.
Văn kiện Đại hội XII của Đảng (2016) đề cập một cách toàn diện đến vấn đề giám sát và phản biện xã hội. Văn kiện đã nêu những định hướng lớn: “khắc phục những hạn chế, bảo đảm tác dụng, hiệu quả thực chất hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội”, đồng thời yêu cầu “Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động nhân dân, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát và phản biện xã hội”; “tổ chức thực hiện tốt Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội”(7); “thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát của tổ chức đảng, giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của nhân dân về phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên”(8).
Đến Đại hội XIII (2021), Đảng tiếp tục chủ trương: “tăng cường phối hợp giữa giám sát của Đảng với giám sát của Nhà nước và giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để tăng cường sức mạnh tổng hợp và nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát, kiểm tra, tránh chồng chéo, trùng lặp, lãng phí nguồn lực, không hiệu quả”, “Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng”(9).
Như vậy, hoạt động giám sát và phản biện xã hội đã được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định là hình thức phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa để các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền Nhà nước. Từ Đại hội X đến Đại hội XIII, Đảng đã liên tục xác định vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội, xác định trách nhiệm của các cấp ủy, của Nhà nước trong việc lãnh đạo, phối hợp thực hiện giám sát, phản biện xã hội. Quan điểm của Đảng đã được nhà nước thể chế hóa bằng các văn bản pháp luật (Hiến pháp 2013, các luật liên quan đến Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, các quy chế phối hợp hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể với các cơ quan nhà nước). Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội bổ sung vào Điều lệ và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của tổ chức mình. Trong thực tiễn, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tích cực triển khai thực hiện hoạt động giám sát và phản biện xã hội và ngày càng có nhiều đóng góp thiết thực, hiệu quả vào việc xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhà nước, thực hiện quyền lực của nhân dân trong thời kỳ mới.
---------------------------------------------------------------------
Hà Khoa