1. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”[1]. Trong quá trình hoạt động cách mạng, Người luôn chú trọng đến việc phát hiện nhân tài, sử dụng nhân tài, trọng dụng nhân tài.
Đối với Hồ Chí Minh, việc tìm nhân tài để kiến thiết đất nước là rất quan trọng. Chính vì điều đó, mà ngay sau khi đất nước giành độc lập, Người đã hết sức chú ý đến việc tìm người có tài, có đức để giúp dân, giúp nước. Cuối năm 1946, Người đăng thông cáo “Tìm người tài đức” trên báo Cứu quốc, kêu gọi đồng bào cả nước ở đâu thấy có người tài giỏi thì xin mách bảo với Chính phủ để Chính phủ sử dụng. Người viết: “Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”[2]. Người kêu gọi các địa phương phải tìm và giới thiệu người tài đức, những người “có thể làm được những việc ích nước, lợi dân”, “những người hiền năng” để Chính phủ tuyển lựa và trọng dụng. Nhờ có tấm lòng trọng dụng nhân tài như vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp được một lực lượng lớn nhân tài để giúp dân, giúp nước.
Thông cáo “Tìm người tài đức” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên trang nhất của Báo Cứu Quốc số ra ngày 20/11/1946. Ảnh tư liệu.
Đi đôi với việc phát hiện nhân tài, một vấn đề rất quan trọng mà Bác Hồ yêu cầu đó là người lãnh đạo, quản lý phải biết sử dụng, trọng dụng nhân tài một cách hợp lý, nếu không sẽ làm “thui chột” nhân tài. Theo Bác việc sử dụng, trọng dụng nhân tài là phải làm thường xuyên, liên tục như “người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”[3]. Người cho rằng, trọng dụng nhân tài phải biết tuỳ tài mà dùng người, “tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”[4]. Phải làm cho cán bộ có gan nói, có gan đề ra ý kiến, có gan phụ trách, có gan làm… người lãnh đạo phải biết cách trọng dụng họ, tạo cho họ điều kiện là việc thuận lợi, bố trí công việc hợp lý và có chế độ đãi nghộ thỏa đáng, đồng thời xã hội phải tôn vinh họ.
Trong thực tiễn, Bác Hồ là một tấm gương mẫu mực về trọng dụng nhân tài. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Bác đã tập hợp được nhiều nhân sĩ, trí thức khác nhau về xuất thân, địa vị xã hội nhưng họ đều là những trí thức có tâm huyết xây dựng nước Việt Nam mới. Thành phần trong Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rất đa dạng, thuộc các tầng lớp khác nhau, trí thức Nho học có các nhân sĩ như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hòe...; trí thức Tây học, trí thức cách mạng có Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giàu, Nguyễn Khánh Toàn, Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai... Họ đều chung một ý chí, đoàn kết, chung tay góp sức xây dựng chế độ mới, bảo vệ độc lập dân tộc. Trong các giai đoạn cách mạng sau này, Người đã thu phục được nhiều nhân sĩ, trí thức tài năng tham gia vào cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc và đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời cụ Huỳnh Thúc Kháng (hàng đầu, bên phải tham gia Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, 1946). Ảnh tư liệu.
2. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định đột phá chiến lược trong phát triển nhân tài: “Chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài; có chính sách vượt trội để thu hút, trọng dụng nhân tài, chuyên gia cả trong và ngoài nước”[5]. Để hiện thực điều đó, trên tinh thần những chỉ dẫn của Bác Hồ, chúng ta cần chú trọng thực hiện một số vấn đề sau đây.
Một là, trong công tác phát hiện và tuyển chọn nhân tài. Đảng và Nhà nước cần ban hành các tiêu chí, quy định, quy chế cụ thể để đánh giá nhân tài; thành lập các hội đồng đánh giá và tuyển chọn học sinh năng khiếu, sinh viên tài năng. Thường xuyên tổ chức các đợt tuyển chọn nghiêm ngặt, dân chủ, công khai những người giỏi trong tất cả các lĩnh vực thông qua các hình thức khác nhau. Thành viên hội đồng đánh giá, tuyển chọn nhân tài phải là những người thực sự có tài, gương mẫu, có uy tín, am hiểu sâu về lĩnh vực cần tuyển chọn nhân tài; làm việc công tâm, khách quan, dân chủ. Cần tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tài năng có thể tự tiến cử, hoặc tiến cử những người tài năng với Đảng và Nhà nước. Có cơ chế khuyến khích các tổ chức quần chúng bình chọn và phát hiện tài năng thông qua các hình thức thi cử.
Lễ trao giải Nhân tài Đất Việt 2019. Ảnh: Internet.
Hai là, trong công tác sử dụng và đãi ngộ nhân tài. Cần thực hiện đẩy đủ, nghiêm ngặt trong tuyển dụng nhân tài, thực hiện đồng bộ các khâu từ tiêu chuẩn hóa, dân chủ hóa, trách nhiệm hóa, cấp độ hóa, kiểm nghiệm hóa. Cần sử dụng những hình thức khác nhau, như: thi tuyển, bầu tuyển, tiến tuyển, ứng tuyển, bổ tuyển, tranh tuyển, cử tuyển. Tùy thuộc và từng đối tượng, từng chức danh công việc, từng thời điểm, điều kiện mà cơ quan tuyển dụng sử dụng linh động phù hợp các hình thức đó. Cần tạo môi trường thuận lợi, chú ý đến sở trường, khả năng của nhân tài để bố trí công việc phù hợp, từ đó nhân tài phát huy, cống hiến hết năng lực của mình. Lựa chọn một số người có năng lực, trí tuệ nổi trội để bồi dưỡng họ trở thành những nhân tài trên một số lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn, đồng thời phát triển đội ngũ này trở thành cán bộ lãnh đạo, lãnh đạo cấp cao trong tương lai. Cần xây cơ chế, chính sách ưu tiên, đãi ngộ cho nhân tài qua hệ thống lương, thưởng xứng đáng với sự cống hiến của họ.
Ba là, trong công tác thu hút nhân tài.Cần xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút nhân tài từ bên ngoài, đặc biệt là những trí thức người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Cần tuyên truyền vận động toàn xã hội thực sự coi trọng đội ngũ trí thức, nhân tài này, coi họ là tài sản quý giá của đất nước. Đề ra chính sách thông thoáng và hấp dẫn phù hợp với tâm tư nguyện vọng của nhân tài là kiều bào, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho những nhân tài kiều bào có nguyện vọng, có điều kiện về thăm quê hương, kinh doanh sản xuất, nghiên cứu khoa học… nhằm cống hiến cho đất nước. Đối với những nhân tài xuất chúng ở các lĩnh vực mà Việt Nam đang cần thì có thể trả lương tương đương hoặc cao hơn mức lương họ đang hưởng để thu hút họ về nước chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao trí tuệ, công nghệ.
Thành Lê