Sự ra đời của “Ngày Đại dương Thế giới”
Ngày 08-6-1992, tại Hội nghị Thượng đỉnh về Trái Đất ở Rio de Janeiro (Brasil), Chính phủ Canada đã đề xuất sáng kiến về “Ngày Đại dương Thế giới”. Năm 1998, tại sự kiện “Năm quốc tế Đại dương” tổ chức ở Lisbon (Bồ Đào Nha), Ủy ban Hải dương học Liên Chính phủ đã thừa nhận “Ngày Đại dương Thế giới”. Trên cơ sở cuộc họp quốc tế về “Hành động cùng nhau vì tương lai của hành tinh xanh” tổ chức vào năm 2002, hằng năm, nhiều tổ chức, quốc gia trên thế giới đã tổ chức “Ngày Đại dương Thế giới” với các hoạt động phong phú như: tuần hành vì đại dương; tọa đàm đại dương hòa bình; thi nghệ thuật và văn hóa biển…
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ nói trên, từ năm 2009, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chính thức thông qua chủ trương lấy ngày 08-6 hằng năm là “Ngày Đại dương Thế giới” và yêu cầu các nước thành viên tổ chức các hoạt động hưởng ứng. Mỗi năm, Cục Đại dương và Luật Biển của Liên hợp quốc phối hợp với Mạng lưới Đại dương Thế giới lựa chọn, công bố một chủ đề và đưa ra thông điệp của Ngày này.
Sự ra đời của “Ngày Đại dương Thế giới” không chỉ dừng lại ở một ngày kỷ niệm để các quốc gia cùng tổ chức các hoạt động chào mừng, mà đây còn được xem là sự kiện tôn vinh các giá trị mà đại dương đã mang lại cho cuộc sống của chúng ta. Thông qua đó, mục tiêu của “Ngày Đại dương Thế giới” là hướng đến việc nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của biển và đại dương đối với đời sống con người; cổ vũ ý thức bảo vệ môi trường biển và các hành vi tích cực vì sự bền vững của biển và đại dương. Năm 2022, Liên hợp quốc lựa chọn chủ đề của “Ngày Đại dương thế giới” là “Hồi sinh: Cùng hành động vì đại dương” thể hiện tầm quan trọng của các hoạt động phối hợp giữa các quốc gia, các tổ chức giúp hồi sinh đại dương, phục hồi các hệ sinh thái biển bị suy thoái, bảo tồn tài nguyên và môi trường biển với mục tiêu phát triển bền vững.
Việt Nam hưởng ứng và tôn vinh Ngày Đại dương Thế giới
Với vị thế là một quốc gia biển, Việt Nam luôn tích cực hưởng ứng và tham gia có trách nhiệm trong việc giữ gìn màu xanh của biển. Trong các hoạt động liên quan đến “Ngày Đại dương Thế giới”, Việt Nam là một trong những nước tham gia từ rất sớm với nhiều hoạt động cả ở quy mô trong nước và quốc tế.
Tại Nghị định số 25/2009/NĐ-CP ngày 06-3-2009 của Chính phủ về quản lý, tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, Việt Nam đã ban hành quy định về tổ chức “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam” hằng năm để hưởng ứng “Ngày Đại dương Thế giới” với nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể. Triển khai Nghị định này, ngày 01-6-2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động tổ chức “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam” đầu tiên ở nước ta.
Tiếp sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công văn số 950/TTg-KTN ngày 12-6-2009 công nhận “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam” và giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương ven biển tổ chức Tuần lễ này từ ngày 01 đến ngày 08-6 hằng năm. Công tác tổ chức “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam” hằng năm cũng đã được Quốc hội luật hóa tại Điều 7, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015: “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam từ ngày 01 đến ngày 08 tháng 6 hằng năm”.
Từ năm 2009 đến nay, “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam” đã trở thành một hoạt động được tổ chức thường niên với các nội dung như: mít tinh hưởng ứng; tổ chức các cuộc thi, hội thảo, tọa đàm, triển lãm, giao lưu văn nghệ; ra quân làm sạch bãi biển… Trên cơ sở chủ đề “Ngày Đại dương Thế giới” năm 2022, Việt Nam đã lấy chủ đề cho “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam” năm 2022 là “Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển” nhằm từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế trong phát triển bền vững kinh tế biển ở nước ta. Đây là một trong những mục tiêu đặt ra nhằm cụ thể hóa các nội dung trong Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05-3-2020 của Chính phủ về ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nhiều hoạt động làm sạch môi trường biển đã được các địa phương của Việt Nam tổ chức. Ảnh: Internet.
Các hoạt động trong khuôn khổ “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam” và hưởng ứng “Ngày Đại dương Thế giới” năm 2022 được tổ chức theo hướng hiệu quả, sáng tạo, mạnh dạn đổi mới trong các phương thức, hình thức truyền thông, chú trọng vào các hoạt động thực tiễn có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng; đồng thời, phù hợp với các quy định hiện hành về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển”[1]. Thông qua việc tích cực hưởng ứng và tôn vinh “Ngày Đại dương Thế giới”, Việt Nam muốn khẳng định một lần nữa rằng: Việt Nam là một quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển; Việt Nam luôn có ý thức khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của dân tộc; đồng thời luôn có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực giải quyết những vấn đề về biển, đảo; chung tay bảo vệ đại dương xanh của nhân loại. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 cũng xác định: “Phát triển bền vững kinh tế biển phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, kiểm soát khai thác tài nguyên biển, phục hồi hệ sinh thái biển, gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh”[2].
Tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động tuyên truyền về biển, đảo nhân “Ngày Đại dương Thế giới” và “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam” hằng năm là một nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng. Các hoạt động tuyên truyền thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm về các vấn đề của đại dương và biển, đảo sẽ góp phần thay đổi nhận thức, tư duy và hành động; khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam đối với biển, đảo quê hương.
Phạm Ngân