Đất nước độc lập và ước vọng hùng cường
Giành lại nền độc lập cho nước nhà, đem lại cuộc sống tự do, ấm no, và hạnh phúc cho nhân dân là những thông điệp nổi bật trong bản “Tuyên ngôn độc lập” do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước quốc dân đồng bào ngày 2/9/1945. Sau đó, ngày 5/9/1945, khát vọng đưa đất nước “theo kịp các nước khác trên hoàn cầu”, “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” được Bác Hồ nhấn mạnh trong “Thư gửi học sinh” nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Có thể nói, đó là những ước vọng vẫn vẹn nguyên giá trị, đúng đắn và chính đáng cho đến tận ngày hôm nay.
Ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ảnh tư liệu.
Trải qua hơn 40 năm (1945 - 1986), dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự nỗ lực của toàn dân tộc, chúng ta đã thành công trong sự nghiệp giành lại và bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Từ năm 1986 đến nay, những nỗ lực đổi mới về bản chất cũng là xây dựng và bảo vệ nền độc lập dân tộc trong tình hình mới. Chúng ta phải dựa vào chính mình, tự lực cánh sinh trên con đường phát triển và thực tế cho thấy chúng ta đang ngày càng vững vàng hơn. Đại hội lần thứ XIII của Đảng mới đây tiếp tục khẳng định đường lối phát triển đất nước dựa trên nguyên tắc độc lập, tự chủ, với lợi ích quốc gia, dân tộc là cơ sở, nền tảng.
Tuy nhiên, phải khách quan thừa nhận là sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, chúng ta chưa đạt được mục tiêu quốc gia giàu mạnh và hùng cường. Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam mới chỉ đạt trên 3.000 USD/năm, thuộc nhóm quốc gia có mức thu nhập trung bình. Trên nhiều phương diện, chúng ta còn đang ở phía sau khá xa so với các nước tiên tiến trong khu vực. Vì vậy, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra quyết tâm chính trị, thông qua tầm nhìn lãnh đạo: đến năm 2045, đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Hiện thực hóa được ước vọng 2045 là chúng ta đã thực hiện được tâm nguyện của Bác Hồ và đông đảo nhân dân từ tròn 100 năm trước.
Thách thức lãnh đạo
Để đất nước trở nên hùng cường, chúng ta đứng trước ba thách thức cơ bản:
Thứ nhất, nguy cơ nước ta rơi vào bẫy thu nhập trung bình, mãi xa vời với giấc mơ quốc gia hùng cường. Mặc dù Việt Nam đã thoát ra khỏi nhóm nước thu nhập thấp từ năm 2009 nhưng triển vọng gia nhập nhóm nước thu nhập cao vẫn còn rất khó khăn. Để trở thành nước phát triển, chúng ta phải nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên khoảng 12.000 đến 15.000 USD/năm, chỉ số phát triển con người phải vượt 0.8. Đây là những thách thức rất lớn cho hai thập kỷ tới, đòi hỏi phải có những xung lực mới để có thể bước qua giai đoạn “chùng chình” của bẫy thu nhập trung bình, bứt phá vươn lên.
Thứ hai, tiến trình hiện đại hóa nền quản trị quốc gia như đã được đề ra tại Đại hội XIII. Bối cảnh trong nước và thế giới hiện đại đang cho thấy những bất cập của tư duy quản lý nhà nước truyền thống vốn nhấn mạnh vai trò của chính quyền trước những vấn đề mới, ngày càng trở nên nan giải. Bởi thế, tư duy quản trị quốc gia phù hợp với xu thế chung của thời đại, đề cao sự hợp tác vì mục đích chung giữa chủ thể nhà nước với các chủ thể ngoài nhà nước, là sự kết hợp linh hoạt giữa cơ chế hành chính với cơ chế thị trường và cơ chế tự nguyện. Đó cũng là sự đa dạng hóa và hiện đại hóa các cơ chế và phương tiện chính sách để có thể giải quyết được các vấn đề mang tính tập thể trong một thế giới luôn biến động, phụ thuộc lẫn nhau, khó lường, và không chắc chắn hiện nay.
Hai thách thức nêu trên dẫn đến thách thức thứ ba là chúng ta phải xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý tài năng, với tư cách là lực lượng dẫn dắt, truyền cảm hứng và tạo động lực cho mọi lực lượng xã hội. Nhìn ra các nước trong khu vực Đông Á thì thấy sự hưng thịnh thần kỳ của họ từ cuối thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20 đều có dấu ấn của tầng lớp lãnh đạo xuất sắc. Ở Nhật Bản, đó là các nhà lãnh đạo và quản lý hành chính, vốn có liên hệ với tâm thế Samurai kiên cường và đầy tự trọng. Ở Hàn Quốc, đó là sự kết hợp giữa ý chí chính trị sắt đá của lãnh đạo chính quyền, tầng lớp trí thức, cùng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp dân tộc trong giấc mơ trở thành “Nhật Bản thứ 2” ở châu Á. Tại Trung Quốc, đó là những thế hệ lãnh đạo kỹ trị, được chọn lọc khắt khe, thấm đượm “Giấc mơ Trung Hoa” trong nỗ lực phục hưng vị thế dân tộc và thay đổi trật tự thế giới. Ở quy mô nhỏ bé hơn, Singapre chọn lựa và nuôi dưỡng được những cá nhân không chỉ tài năng mà còn cháy bỏng khát vọng đưa tiểu quốc vươn lên hạng nhất trên bình diện toàn cầu.
Xét cả truyền thống Á Đông, lịch sử đất nước, và bài học thành công của các cường quốc trong khu vực, một đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý tài năng, gắn bó chặt chẽ với lợi ích của nhân dân, cháy bỏng khát vọng quốc gia hùng cường là điều kiện không thể thiếu để chúng ta có thể bứt phá.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Internet.
Xây dựng đội ngũ lãnh đạo tài năng
Từ rất sớm, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhìn ra nhu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực ngang tầm nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Quan điểm và chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về thu hút và trọng dụng nhân tài trong bối cảnh mới đã xuất hiện từ Đại hội lần thứ VIII (năm 1996), đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 3 khoá VIII về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Tiếp đó, năm 2008, Ban Chấp hành Trung ương khóa X ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Năm 2016, những yêu cầu về phẩm chất và năng lực với cán bộ chiến lược đã được đề cập tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XII. Tháng 5/2018, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Gần đây nhất, tháng 01/2020, Trung ương ban hành Quy định số 214-QĐ/TW nhằm đặt ra những yêu cầu về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Vấn đề thu hút người tài được nhấn mạnh với đội ngũ trí thức, với quan điểm “Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến; có chính sách đặc biệt đối với nhân tài của đất nước”. Tuy nhiên, như nhận định trong Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII thì: “nhìn tổng thể, đội ngũ cán bộ đông nhưng chưa mạnh… Thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực… nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp,… khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế”.
Gần đây, có thể coi chủ trương của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược chính là động thái tạo dựng lực lượng cán bộ lãnh đạo xuất sắc nhất của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, cho đến nay thì chúng ta cũng chưa có sự định hình rõ về quy trình và cách thức chọn lọc riêng được áp dụng với đội ngũ lãnh đạo tài năng gắn với bối cảnh mới của đất nước. Các quy định, tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo nói chung vẫn coi trọng yêu cầu về phầm chất chính trị, đạo đức, rồi mới đến tài năng. Với khu vực nhà nước, cuối năm 2020, Bộ Nội vụ công bố dự thảo “Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài” nhưng cho đến hiện nay, Chiến lược này chưa được thể chế hóa một cách chặt chẽ, cụ thể thành các chính sách, quy định đối với nhân tài.
Thực tế nêu trên đang đặt ra nhu cầu cấp bách phải đẩy nhanh tiến độ ban hành hệ thống chính sách xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý tài năng trong thời gian tới.
Minh Hoàng