Đảng ta nhận định, trong quá trình xây dựng đất nước, cùng với giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức, thì đội ngũ doanh nhân đóng vai trò hết sức quan trọng. Cùng với từng bước khuyến khích phát triển, sự quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ doanh nhân được đứng vào hàng ngũ của Đảng là một chủ trương hết sức sáng tạo, đúng đắn, qua đó tạo cơ hội cho đội ngũ này được phát huy khả năng, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng thời góp phần đổi mới công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng.
Có thể nói, trong tiến trình cách mạng Việt Nam, từ cách mạng giải phóng dân tộc đến cách mạng xã hội chủ nghĩa, đội ngũ doanh nhân đã có những đóng góp to lớn cả về công sức, của cải và trí tuệ. Đặc biệt, thực hiện đường lối đổi mới đất nước, với tinh thần “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” được quán triệt tại Đại hội VI, cùng với sự đổi mới toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, Đảng ta đã không ngừng đổi mới nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của đội ngũ doanh nhân. Qua đó, đội ngũ doanh nhân thời kỳ đổi mới đã từng bước được hình thành, lớn mạnh, được tạo điều kiện, cơ hội phát triển, và có những đóng góp ngày càng to lớn, là động lực quan trọng để phát triển đất nước. Đảng ta ngày càng nhận thấy, đội ngũ doanh nhân vừa là lực lượng xã hội đóng góp to lớn trong phát triển kinh tế, vừa là những người giàu lòng yêu nước, sẵn sàng tham gia khối liên minh, đoàn kết để đưa đất nước đi tới giàu mạnh, văn minh.
Việc coi đội ngũ doanh nhân là một nguồn lực to lớn để phát triển đất nước cũng là cơ sở để Đảng từng bước đề ra chủ trương về việc kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng, đáp ứng nguyện vọng của đội ngũ này được tham gia vào hàng ngũ những người cộng sản, trực tiếp tham gia các công việc của Đảng.
Sau 10 năm đổi mới, đất nước cơ bản thoát khỏi tình trạng khủng hoảng trầm trọng về kinh tế-xã hội, bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong bối cảnh ấy, ngày 23/11/1996, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 07-CT/TW “về tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”. Đúng 10 năm sau, ngày 28/8/2006, cùng với thời điểm Việt Nam chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định số 15/QĐ-TW về đảng viên làm kinh tế tư nhân - là một bước cụ thể hóa sức mạnh bên trong của Đảng. Theo đó, Đảng viên không chỉ đáp ứng các yêu cầu về phẩm chất đạo đức, lý tưởng, mà họ còn cần phải làm kinh tế giỏi, năng động trong nền kinh tế thị trường để cùng góp sức phát triển kinh tế đất nước.
Đến Đại hội lần thứ XI của Đảng (tháng 1/2011), khi đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước phát triển trung bình, Đảng ta chủ trương "Thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng”. Tiếp đó, ngày 30/1/2013, Ban Tổ chức Trung ương có Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW về “Thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng”; đồng thời, Ban Bí thư ra Quy định số 170-QĐ/TW ngày 7/3/2013 về “Chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp tư nhân”; và ngày 18/3/2019, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 33-CT/TW về “Tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân”…
Giám đốc Công ty TNHH Thiên Phong (TP Hà Nội) Nguyễn Anh Quân được chi bộ chúc mừng sau lễ kết nạp Ðảng. Ảnh: Internet.
Với các chủ trương, định hướng đúng đắn của Đảng, công tác thí điểm kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng trên thực tế đã có những kết quả rất đáng mừng. Giai đoạn 2013-2020, các cấp ủy trực thuộc Trung ương đã kết nạp được 877 đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng (trên tổng số 1.030 tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp tư nhân). Tính đến ngày 30/9/2020, toàn Đảng có 52.125 tổ chức cơ sở đảng với 5.192.533 đảng viên, trong đó có 6.652 đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân[1]. Các chủ doanh nghiệp tư nhân được kết nạp vào Đảng luôn phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu thực hiện tốt nhiệm vụ của người đảng viên; vừa là nòng cốt trong chi bộ đảng trong doanh nghiệp, vừa tạo động lớn để cán bộ, công nhân viên trong doanh nghiệp được tham gia ngày càng nhiều hơn vào các hoạt động để rèn luyện và nâng cao ý thức chính trị. Họ cũng đồng thời trực tiếp quản lý, điều hành doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Các chế độ, chính sách đối với người lao động trong doanh nghiệp có người đứng đầu là đảng viên luôn được thực hiện đúng, đủ, tạo sự an tâm, gắn bó của người lao động. Chủ doanh nghiệp là đảng viên luôn tạo điều kiện tối đa cho các hoạt động của tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên để chăm lo ngày càng tốt hơn về vật chất và tinh thần cho các đoàn viên…
Tuy vậy, tỷ lệ đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân hiện nay so với tổng số hơn hai triệu doanh nhân vẫn còn khá khiêm tốn. Cùng với đó, tỷ lệ tổ chức đảng chỉ chiếm 0,54% trong tổng số doanh nghiệp tư nhân, tỷ lệ đảng viên chỉ chiếm 1,2% tổng số lao động trong doanh nghiệp tư nhân[2], do vậy chưa phát huy hết được vai trò và sự đóng góp của đội ngũ doanh nhân vào quá trình phát triển đất nước. Có nhiều nguyên nhân đã được nêu ra như: khâu tuyên truyền còn cứng nhắc; đa số chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ chú trọng vào sản xuất kinh doanh mà chưa quan tâm phấn đấu vào Đảng; việc thẩm tra xác minh lý lịch còn khó khăn khi chủ doanh nghiệp đặt trụ sở công ty ở các địa bàn khác nhau, lại di chuyển nhiều; quy trình giới thiệu và kết nạp đảng đối với doanh nhân còn nhiều vướng mắc do hầu hết các chủ doanh nghiệp đều hết tuổi đoàn, mà họ lại không phải là đoàn viên công đoàn trong doanh nghiệp mình; cán bộ thực hiện công tác giới thiệu kết nạp còn yếu về nghiệp vụ; một số doanh nghiệp lo lắng khi đứng trong hàng ngũ của Đảng sẽ gặp khó khăn khi ra nước ngoài, tiếp xúc đối tác ở các quốc gia khác nhau;…
Từ thực tế đó, để tăng số lượng, nâng cao chất lượng đội ngủ chủ doanh nghiệp tư nhân được kết nạp vào Đảng trong thời gian tới, cần định hướng và thực hiện tốt các giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống với những nội dung, hình thức linh động, phù hợp cho đội ngũ doanh nhân. Nội dung tuyên truyền, giáo dục cần hướng vào việc giúp cho đội ngũ doanh nhân thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng, trách nhiệm của việc vào Đảng để cùng góp sức xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Thứ hai, có những quy định, hướng dẫn cụ thể, thống nhất về kết nạp các chủ doanh nghiệp tư nhân theo hướng đơn giản về thủ tục, cách thức tiến hành. Đội ngũ cán bộ làm công tác thẩm tra, xác minh, thực hiện các thủ tục kết nạp đảng cũng cần phải được tập huấn để nâng cao về nghiệp vụ, thông thạo về kỹ năng.
Thứ ba, các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp cần đổi mới phương thức lãnh đạo về nội dung, hình thức, thời gian, công tác cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát… để tạo điều kiện tối đa cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tiếp tục có những chính sách để các thành phần kinh tế được bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh; tạo môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho các doanh nhiệp tư nhân phát triển...
Thứ tư, có các hình thức biểu dương kịp thời, động viên các doanh nhân làm tốt công tác xây dựng Đảng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời thực hiện tốt công tác kiểm tra để sớm phát hiện những phần tử cơ hội, lợi dụng vào Đảng để mưu lợi cá nhân, dùng đồng tiền để mua chuộc tổ chức, mang những tư tưởng, quan điểm phi vô sản vào trong Đảng, gây chia rẽ, mất đoàn kết trong Đảng…
Văn kiện Đại hội XIII đã đề ra mục tiêu: “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên, chú trọng phát hiện, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng những đoàn viên ưu tú, trưởng thành trong lao động, học tập, trong lực lượng vũ trang; quan tâm phát triển đảng viên là công nhân, trí thức, doanh nhân để tạo nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị”[3]. Đây chính là định hướng quan trọng, để doanh nhân Việt Nam được sánh ngang, chung tay cùng các giai tầng trong quá trình xây dựng đất nước. Với những kết quả, định hướng giải pháp nêu trên, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng, khi nhận rõ lý tưởng, nỗ lực phấn đấu được đứng trong hàng ngũ của Đảng, những doanh nhân - đảng viên sẽ là những người yêu nước nhất, sẽ là lực lượng tiên phong để góp phần hiện thực hoá khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
-----------------------------------------
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam,Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.II, tr. 241-242.
Đinh Công Tuyến