Từ tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc…
Ngày 05/6/1911, tại bến cảng Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành bắt đầu hành trình trên con tàu Amiral Latouche Tresiville, mang theo một khát vọng cháy bỏng mà 110 năm sau, bất cứ người dân Việt Nam nào cũng khắc ghi: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”[1]. Điều này là minh chứng là từ rất sớm, Người đã thể hiện tư tưởng, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng lớn của nhà lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta, cũng chính là khát vọng cháy bỏng của toàn thể dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX: khát vọng giải phóng dân tộc.
Hành trình 10 năm (1911 - 1920) đã giúp người thanh niên yêu nước nhận thức và vạch rõ bản chất của chủ nghĩa tư bản, đồng thời tìm tòi, khảo nghiệm và đánh giá cách mạng thế giới. Tháng 7/1920 khi đọc được Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin đăng trên báo L’Humanité (Nhân đạo), Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn dứt khoát con đường cứu nước theo xu hướng cách mạng vô sản: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[2]. Kể từ đó, Người tích cực nghiên cứu lý luận chủ nghĩa Mác -Lênin, truyền bá về Việt Nam thông qua các tổ chức cách mạng, chuẩn bị các điều kiện về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một thời đại mới, rực rỡ của cách mạng Việt Nam được mở ra với những dấu ấn lịch sử và tầm vóc thời đại.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Ảnh:Internet.
Chủ nghĩa yêu nước, khát vọng giải phóng dân tộc, trước hết là tìm ra con đường cứu nước đúng đắn của Hồ Chí Minh, cũng chính là khát vọng của cả dân tộc Việt Nam, càng thể hiện rõ nét hơn ý chí tự lực, tự cường và khát vọng giải phóng dân tộc để xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn”, “to đẹp hơn”. Đó cũng chính là nền móng để đưa đến những thành công sau này của cách mạng Việt Nam.
… đến quan điểm của Đảng về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Bối cảnh quốc tế và những xu hướng phát triển của thời đại đặt ra yêu cầu phải phát huy chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc, ý chí, khát vọng của toàn dân tộc cho sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã dự báo tình hình thế giới sẽ “… tiếp tục có nhiều thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường”. Ngoài tiềm lực kinh tế, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển của toàn dân tộc là chỗ dựa và điều kiện để mở rộng quan hệ hợp tác, hội nhập quốc tế; góp phần giữ vững môi trường hòa bình, tận dụng cơ hội và hóa giải những thách thức đối với độc lập, hòa bình và phát triển của dân tộc.
Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc… thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”[3], “Kiên định và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn… Kiên định đường lối đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”[4].
Năm 1945 - Cách mạng tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã giúp nhân dân Việt Nam ta hiện thực hóa khát vọng cháy bỏng đầu thế kỷ XX, đó là khát vọng giải phóng dân tộc. Năm 2045 - tròn 100 năm sau ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam), cũng là khát vọng cháy bỏng đầu thế kỷ XXI, đó là đưa đất nước trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Con đường thực hiện khát vọng giải phóng dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX là cách mạng vô sản thì hiện thực hóa khát vọng đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, được Đảng ta xác định, đó là con đường xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Hai thế kỷ với hai khát vọng nhưng chung một mục đích thiêng liêng, cao cả là đất nước độc lập, phồn vinh, nhân dân tự do và hạnh phúc.
Học tập tinh thần và trách nhiệm phục vụ nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh cần xuất phát từ sự tự giác của chính bản thân mỗi người. Ảnh: Internet.
Trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong thực hiện đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Xuất phát từ ý nghĩa lý luận, thực tiễn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; cũng như bối cảnh thời đại và yêu cầu đặt ra, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên cần phải xác định rõ việc học tập Bác như thế nào, làm theo Bác ra sao và trách nhiệm nêu gương như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất. Muốn vậy, cần phải:
Thứ nhất, xác định rõ nội dung, giá trị và ý nghĩa sâu sắc của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đảng ta đã khẳng định: Lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần tiếp tục chủ động nghiên cứu, học tập và vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người; tự giác tu dưỡng, rèn luyện đồng thời thấy rõ bổn phận trách nhiệm của mình góp phần vào xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nỗ lực hoàn thành mọi mục tiêu đề ra.
Thứ hai, trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, cần gắn với nội dung làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc học tập luôn gắn liền với việc làm theo, nghiêm túc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, đấu tranh ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; luôn hướng tới mục đích chung là hạnh phúc của nhân dân. Bên cạnh đó, phải nâng cao tính khoa học và tính chiến đấu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, xây dựng niềm tin khoa học trong mỗi cán bộ, đảng viên và người dân; củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và đồng thuận trong xã hội.
Thứ ba, cần nêu cao trách nhiệm nêu gương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu. Cán bộ có chức vụ cao thì càng cần phải gương mẫu, khẳng định vai trò, tính tiên phong “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Ngoài ra, cần phát huy vai trò nêu gương bằng việc làm thiết thực, đó là xây dựng ý chí, khát vọng phát triển của bản thân và của cơ quan, đơn vị mình. Mỗi cán bộ, đảng viên tự nêu gương sáng thì hàng ngàn, hàng triệu cán bộ, đảng viên sẽ là những tấm gương sáng, góp phần xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh. Đây là điều kiện quan trọng để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc chính là sự vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay. Nhận thức rõ hơn để tìm hiểu quan điểm của Đảng, từ đó xác định những nhiệm vụ đặt ra đối với từng cán bộ, đảng viên trong xây dựng ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm rất quan trọng. Tất cả những việc làm đó là thiết thực đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng. Đây cũng là tiền đề căn bản để hướng tới năm 2045, khi nước ta kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu “trở thành nước phát triển, thu nhập cao”[5]đã nêu tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
[1]Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb. Sự thật, H, 1976, tr 5-6.
[2]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 1, tr.IX.
[3]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.110
[4]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.180
[5]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.112
Hải Hà