1. Mục tiêu là nước độc lập, phồn vinh, Nhân dân được tự do và hạnh phúc. Khát vọng cháy bỏng của toàn thể dân tộc Việt Nam cũng là khát vọng cháy bỏng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh ở đầu thế kỷ XX là khát vọng giải phóng dân tộc. Người đã cùng dân tộc Việt Nam hiện thực hóa khát vọng đó vào năm 1945 - Cách mạng tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khát vọng ở đầu thế kỳ XXI là khát vọng phát triển đất nước của Đảng và dân tộc Việt Nam đến năm 2045, tròn 100 năm sau “Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Hai thế kỷ với hai khát vọng nhưng chung một mục đích thiêng liêng, cao cả là nước độc lập, phồn vinh, nhân dân được tự do và hạnh phúc.
Nửa cuối thế kỷ XIX, nước Việt Nam từ chế độ phong kiến độc lập, trở thành thuộc địa của thực dân Pháp. Nhân dân Việt Nam trở thành người nô lệ, bị áp bức, bóc lột nặng nề. Xã hội Việt Nam bị phân hóa sâu sắc, mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp và phong kiến tay sai ngày càng gay gắt. Nhiều phong trào đấu tranh nổ ra, với các hình thức, khuynh hướng khác nhau chống lại chế độ hà khắc của thực dân Pháp và phong kiến tay sai. Nhưng, tất cả đều thất bại, do đó Việt Nam rơi vào khủng hoảng, bế tắc về đường lối và phương pháp cứu nước.
Trong bối cảnh nước mất nhà tan, nhân dân lầm than nô lệ, dân tộc Việt Nam sinh ra một con người -Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh: “Nam Đàn đất mẹ quê cha. Hạ sinh cậu bé tên là Sinh Cung. Lớn lên trong cảnh bão bùng. Nước thì nô lệ, dân cùng khổ đau”.
Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp ở Tua, tháng 12/1920. Ảnh Tư liệu.
Chứng kiến và nếm trải nỗi đau của một người dân mất nước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành với ý chí, khát vọng và hoài bão của mình, đã ra đi tìm đường cứu nước vào giữa năm 1911. Sau hành trình 10 năm (1911 - 1920), tìm tòi, khảo nghiệm và đánh giá cách mạng thế giới, đến tháng 7/1920 khi đọc được Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin đăng trên báo L’Humanité (Nhân đạo) thì Hồ Chí Minh (khi đó là Nguyễn Ái Quốc) đã lựa chọn dứt khoát con đường cứu nước theo xu hướng cách mạng vô sản. Kể từ đó, Người tích cực nghiên cứu lý luận chủ nghĩa Mác -Lênin, truyền bá về Việt Nam thông qua các tổ chức cách mạng, chuẩn bị các điều kiện về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930.
Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên do Người soạn thảo, đã “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”, đảm bảo tốt đẹp các phương diện xã hội, chính trị, kinh tế và liên kết quốc tế. Khát vọng giải phóng dân tộc, trước hết là tìm ra con đường cứu nước đúng đắn của Hồ Chí Minh, cũng chính là khát vọng của cả dân tộc Việt Nam.
2. Con đường thực hiện khát vọng. Nếu như con đường thực hiện khát vọng giải phóng dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX là cách mạng vô sản thì hiện thực hóa khát vọng đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, được Đảng ta xác định, đó là con đường xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó sức mạnh của cuộc cách mạng khoa học công nghệ được coi là một phương tiện, một con đường cực kỳ quan trọng. Đây là điểm mới về nhận thức và hành động của Đảng ta, phù hợp với xu thế của thời đại, khi mà cuộc cách mạng 4.0, nhất là công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Cho nên, văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định cách mạng khoa học công nghệ là con đường, phương tiện để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước.
Trong quan điểm chỉ đạo, Đảng chỉ rõ: “ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”. Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn (2021 - 2030), Đảng đã xác định: “đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Trong sáu nhiệm vụ trọng tâm và ba khâu đột phá chiến lược, Văn kiện của Đảng cũng khẳng định: “đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo… chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”.
Đại đoàn kết - động lực để hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước
3. Động lực để hiện thực hóa khát vọng giải phóng dân tộc, được Hồ Chí Minh xác định là sức mạnh của cả dân tộc Việt Nam, “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc”. Kế thừa, vận dụng quan điểm đó, Đại hội XIII của Đảng xác định động lực để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước là “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại”. Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hoá, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững.
Hoà Phạm