Khoảng cách số là gì?
Khoảng cách số (Digital divide) là cụm từ được dùng để chỉ tình trạng bất bình đẳng kinh tế và xã hội về khả năng truy cập và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT - Information & Communication Technologies). Điều 4 Luật Công nghệ thông tin 2006 định nghĩa rằng: “Khoảng cách số là sự chênh lệch về điều kiện, khả năng sử dụng máy tính và cơ sở hạ tầng thông tin để truy nhập vào các nguồn thông tin, tri thức”. Khái niệm này cũng rất tương đồng với khái niệm về khoảng cách số do tổ chức OECD (Organization for Economic Co-operation and Development) đưa ra. OECD đề cập rằng khoảng cách số là khoảng cách giữa các cá nhân, các hộ gia đình, các doanh nghiệp và các vùng địa lý trong bối cảnh mức độ kinh tế - xã hội khác nhau khi xem xét đến cơ hội truy cập vào ICT cũng như sử dụng Internet cho các hoạt động liên quan.
Để đo lường khoảng cách số giữa các quốc gia trên thế giới, nhiều thang đo đã được thiết kế và công bố bởi các tổ chức có liên quan đến ICT trên toàn cầu. Bảng dưới đây liệt kê một số chỉ tiêu đã từng được công bố phục vụ cho mục tiêu này và trạng thái hiện tại của các chỉ tiêu đó. Một số chỉ tiêu được cập nhật, công bố hằng năm và duy trì đến hiện nay như chỉ số phổ cập Internet (3i - Inclusive Internet Index), Chỉ số sẵn sàng kết nối (NRI - Networked Readiness Index) và Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI- EGovernment Development Index).
Danh sách các chỉ số có thể dùng để đo lường khoảng cách số trên thế giới
Stt |
Ký hiệu |
Tên đầy đủ |
Tổ chức công bố |
Năm bắt đầu |
Ghi chú |
1 |
KEI |
Chỉ số kinh tế tri thức (Knowledge Economy Index) |
World Bank Institute |
1995 |
Chỉ có số liệu từ 1995 đến 2012, bị thay thế bởi chỉ số GKI |
2 |
GKI |
Chỉ số tri thức toàn cầu (Global Knowledge Index) |
UNDP (United Nations Development Programme) |
2017 |
Vẫn còn hiệu lực |
3 |
IDI |
Chỉ số phát triển CNTT-TT (ICT Development Index) |
ITU |
2009 |
Chỉ có số liệu đến 2017 |
4 |
DER |
Xếp hạng nền kinh tế số (Digital economy rankings) |
EIU (Economist Intelligence Unit) |
2010 |
Chỉ có số liệu đến 2014 |
5 |
EGDI |
Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (E-Government Development Index) |
UN DESA (United Nations Department of Economic and Social Affairs) |
2003 |
Vẫn còn hiệu lực |
6 |
NRI |
Chỉ số sẵn sàng kết nối The Network Readiness Index |
WEF (World Economic Forum) |
2002 |
Thay đổi cấu trúc vào năm 2019, vẫn còn hiệu lực |
7 |
3i |
Chỉ số phổ cập Internet |
EIU |
2017 |
Có số liệu đến 2020 |
8 |
GCI |
Chỉ số an toàn thông tin toàn cầu - (Global Cybersecurity Index) |
ITU |
2013 |
Công bố gần nhất là năm 2018, lần công bố tiếp theo là 2021 |
Vì sao cần quan tâm đến cải thiện khoảng cách số?
Một là, trong nền kinh tế số, truy cập Internet là yếu tố đóng vai trò căn bản nhất. Người dùng không thể truy cập Internet thì mọi thành tựu công nghệ thông tin trong nền kinh tế số đều không thể vận hành. Vì vậy, việc cải thiện khoảng cách số của mọi quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng, gắn liền với cải thiện khả năng truy cập và sử dụng Internet của người dân, chính là điều kiện tiên quyết để có thể tiến hành chuyển đổi số và xây dựng kinh tế số thành công.
Hai là, không phải chỉ riêng Việt Nam, cả thế giới đang cùng nhau thu hẹp khoảng cách số. Internet đã trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống. Tương tự như không khí, nguồn nước, thực phẩm, quần áo và nhà ở; Internet cũng dần dần trở thành nhu cầu cơ bản hàng ngày.
Ba là, thu hẹp khoảng cách số là loại bỏ rào cản cho sự phát triển bền vững. Sự tích lũy và thịnh vượng trong tương lai hầu hết sẽ dựa vào công nghệ và tri thức, thiếu tiếp cận công nghệ dẫn đến đào sâu hố ngăn cách giàu nghèo.
Bốn là, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, sự cần thiết của kết nối Internet lại trở nên rõ nét. Làm việc tại nhà, giáo dục trực tuyến, thương mại điện tử, truyền thông đại chúng, mạng xã hội trở nên hữu hiệu khi giãn cách xã hội được thực hiện triệt để để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh. Có thể nói, bối cảnh dịch Covid-19 xảy ra đã tạo một cú hích quan trọng để việc cải thiện khoảng cách số trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Năm là, chuyển đổi số bao gồm ba trụ cột chính: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Cả ba trụ cột này đều dựa trên cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, khả năng tiếp cận internet của người dân, trình độ nhân lực về công nghệ thông tin, trình độ và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin của người dân, trình độ công nghệ của quốc gia… Và các yếu tố này đều là các thành phần chính trong tính toán khoảng cách số. Thu hẹp khoảng cách số của Việt Nam với thế giới cũng chính là thúc đẩy sự thành công trong chuyển đổi số quốc gia.
Khoảng cách số giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới
Dựa trên giá chỉ số phổ cập Internet trong giai đoạn 2019 -2021 của tổ chức EIU, có thể thấy rằng, trong năm 2021, so với các quốc gia Đông Nam Á có mặt trong bảng xếp hạng, Việt Nam ở nhóm giữa, xếp hạng tư, sau Singapore, Thái Lan và Malaysia. Trên toàn bảng xếp hạng của thế giới, Việt Nam gần như ổn định với vị trí thứ 58 trong tổng số 120 nước có số liệu. Xét số liệu trong năm 2021, đây không phải là thứ hạng cao, mặc dù điểm số của Việt Nam cao hơn mức trung bình nhưng vẫn thấp hơn mức trung vị cho thấy Việt Nam vẫn được nằm ở nhóm nước yếu chỉ số phổ cập Internet. Chỉ số phổ cập Internet của Việt Nam năm 2021 là 71 điểm khoảng cách với nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á (Singapore, 84 điểm) và nước dẫn đầu thế giới (Thụy Điển, 87,4 điểm) vẫn là khá xa. Để vươn lên nhóm 30 nước dẫn đầu thì Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm.
Biểu đồ so sánh chỉ số phổ cập Internet của Việt Nam từ năm 2019 đến năm 2021
Khi xem xét từng khía cạnh riêng của chỉ số phổ cập Internet, Việt Nam khá đồng đều ở cả bốn mặt về Độ phổ cập (69,1 điểm, hạng 54/120), Khả năng chi trả (69,4 điểm, hạng 62/120), Sự liên quan (79,8 điểm, hạng 57/120) và Độ sẵn sàng (69,9 điểm, hạng 53/120). Tuy nhiên, trong số bốn khía cạnh vấn đề về khả năng chi trả đang là yếu nhất của Việt Nam.
Các giải pháp thu hẹp khoảng cách số của Việt Nam và hướng tới phát triển bền vững quốc gia
Một là, chính phủ cần thiết kế một bộ khung thể chế tổng quát bao trùm toàn diện bức tranh chuyển đổi số của quốc gia, trong đó xác định những lĩnh vực cần ban hành luật, và sau đó là các văn bản dưới luật để hướng dẫn thực thi luật đã ban hành. Các luật phải được thiết kế sao cho thống nhất, không chồng chéo, không mâu thuẫn nhau và có bổ trợ cho nhau để điều chỉnh toàn diện các hoạt động phát sinh trong nền kinh tế.
Hai là, Chính phủ cần bắt đầu từ chuyển đổi số những dịch vụ thiết thực và gần gũi hàng ngày với người dân như đăng ký giấy khai sinh, thông tin chỉ tiêu, phân tuyến và đăng ký tuyển sinh đầu cấp, dịch vụ nhận lương hưu cho người cao tuổi, dịch vụ thuế nhà đất… Các dịch vụ này cần được thiết kế sao cho giao diện thân thiện, dễ thao tác, dễ sử dụng, không đòi hỏi cấu hình mạnh của các thiết bị số để truy cập. Điều này sẽ giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ số của chính phủ, đây cũng là một cách để người dân làm quen với phong cách và văn hóa số từ những điều đơn giản nhất, từ đó hình thành lối sống số, nâng dần kỹ năng số của toàn dân.
Ba là, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng số vừa giúp cải thiện khoảng cách số cho quốc gia để tạo nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số. Khuyến khích các nhà cung ứng dịch vụ viện thông mở rộng vùng diện tích phủ sóng Internet để người dân ở các vùng sâu vùng xa có thể truy cập Internet và sử dụng các ứng dụng cần đến mạng Internet. Nhà nước sẽ có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ công nghệ hoặc tài trợ tài chính cho các dự án này.
Bốn là, dành ra nguồn kinh đầu tư xây dựng hệ thống bảo đảm an toàn thông tin đồng bộ với quá trình số hóa và vận hành hệ thống, tránh tình trạng các doanh nghiệp khi bị sự cố tấn công mạng mới thực hiện vá lỗ hổng và các giải pháp khắc phục.
Trần Anh