C.Mác - nhà lý luận vĩ đại và lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân trên toàn thế giới đã hy sinh cả cuộc đời cho hạnh phúc của nhân dân lao động. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông đã có khát vọng đem lại hạnh phúc cho mọi người dân. Vì vậy, trong luận văn tốt nghiệp trung học của C.Mác với câu hỏi: Suy nghĩ của một thanh niên khi chọn nghề, Người đã viết: “Lịch sử gọi những người tự làm cho mình trở nên cao quý bằng việc cống hiến cho sự nghiệp chung, là những con người vĩ đại; kinh nghiệm ca ngợi con người đem lại hạnh phúc cho hầu hết mọi người, là con người hạnh phúc nhất”[1]. Sau này trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ mục tiêu cuối cùng của các ông là giải phóng con người khỏi mọi hình thức người nô dịch người, vì hạnh phúc của con người và khi đó “sẽ xuất hiện một liên hiệp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”[2]. Ngày nay, quan niệm này của các nhà kinh điển vẫn là khát vọng của toàn thể nhân loại tiến bộ đang hướng tới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Internet
Chủ tịch Hồ Chí Minh - học trò xuất sắc của C.Mác và Ph.Ăngghen, là Người con ưu tú của dân tộc Việt Nam và là biểu tượng kiệt xuất về khát vọng phát triển phồn vinh đất nước, hạnh phúc cho nhân dân, dân tộc Việt Nam. Nhớ lại những năm, tháng đất nước ta bị đô hộ bởi giặc ngoại xâm, nhân dân cực khổ, lầm than chịu thân phận của kiếp người nô lệ, Hồ Chí Minh đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Vượt qua muôn trùng khó khăn, thử thách, Hồ Chí Minh đã hiến dâng trọn đời mình cho dân tộc, như Người đã tự sự: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo là vì mục đích đó”[3]. Cả cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người chỉ có một khát vọng và ham muốn: “... ham muốn đến tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”[4]; và cho đến khi phải từ biệt thế giới này, Người chỉ tiếc: “… không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”[5]. Chính khát vọng và mục đích vô cùng cao đẹp ấy, đã tạo cho Người một ý chí và nghị lực vô cùng mãnh liệt để: “Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”; đó là điểm tựa giúp Người vượt qua mọi khổ ải, khó khăn, dẫn dắt nhân dân ta đến bến bờ hạnh phúc.
Thành công của 35 đổi mới ở nước ta cũng là khát vọng vươn lên của cả dân tộc Việt Nam và đã được bạn bè trên thế giới ghi nhận. Trong đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng khá cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, đạt mức bình quân 6,1%/năm. Nếu như GDP của năm 1995 là 20,74 tỉ đô la Mỹ thì năm 2020 đã là 271,2 tỉ đô la Mỹ, tức gấp hơn 13 lần, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.779 USD[6]. Và chính khát vọng phát triển của Việt Nam đã giúp chúng ta vượt lên, kiềm chế những thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra, ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, khôi phục, duy trì tăng trưởng (tăng trưởng GDP năm 2020 vẫn đạt 2,91% trong khi thế giới tăng trưởng âm gần 4%). Trên đà tăng trưởng của những năm đổi mới vừa qua, tại Đại hội XIII, Đảng ta đã đề ra mục tiêu cụ thể: “Đến năm 2025: … Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030: … Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại. Đến năm 2030: … trở thành nước phát triển, thu nhập cao”[7]. Đây là nhiệm vụ vô cùng cao quý, song cũng rất nặng nề không chỉ của Đảng mà còn của cả dân tộc Việt Nam. Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu này, chủ trương của Đảng là cần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đây là điểm mới về nhận thức và hành động của Đảng ta. Bởi trong lịch sử, chính vì khơi dậy được khát vọng vươn lên mà chúng ta đã chiến thắng kẻ thù mạnh hơn mình gấp nhiều lần.
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trên cơ sở phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc ở Việt Nam hiện nay cần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bài học từ thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước đã cho thấy, đại đoàn kết dân tộc là truyền thống cực kỳ quý báu của nhân dân Việt Nam trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Ngày nay, đại đoàn kết toàn dân tộc là một chiến lược cơ bản, nhất quán, lâu dài, là vấn đề sống còn, quyết định thành công của phát triển phồn vinh đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Với việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc Việt Nam sẽ thật sự là một sức mạnh nội sinh phi thường, cội nguồn tạo nên sự phồn vinh và hạnh phúc.
Đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ dẫn Việt Nam tới phồn vinh và hạnh phúc, bởi thực tiễn hơn 90 năm qua đã chứng minh Đảng “là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”[8]. Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội không có mục đích nào khác là đem lại phồn vinh cho đất nước và hạnh phúc cho nhân dân. Hơn nữa, chỉ có do Đảng Cộng sản lãnh đạo mới xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và đất nước mới thực sự phồn vinh, nhân dân mới thực sự hạnh phúc. Vì vậy, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc phải trên cơ sở phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hà Thanh