Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng lần đầu tiên xác định mục tiêu khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc[1]. Theo đó, khát vọng như là một yếu tố tiềm tàng, cần khai phá và gia tăng sức mạnh làm cho nó trở thành nguồn lực và động lực to lớn thúc đẩy đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách đi đến thắng lợi cuối cùng. Muốn đạt được khát vọng thì phải có khát vọng, vì vậy, từng cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Việt Nam cần tìm hiểu, tin tưởng và trào dâng trong tâm can mình khát vọng lớn lao và cao đẹp đó.
(Nguồn: http://lyluanchinhtri.vn/)
Khát vọng là mong muốn lớn lao, cháy bỏng của con người; là ý chí quyết tâm dồn hết công sức, trí tuệ, tài năng nhằm đạt được mục tiêu đã xác định. Vì vậy, khát vọng trở thành nguồn động lực to lớn giúp mỗi người vượt qua mọi khó khăn, thử thách nhằm đạt được ước mơ, hoài bão của mình. Bất cứ ai, dù địa vị, nghề nghiệp, trình độ thế nào, khi đã có khát vọng thì luôn tràn đầy niềm tin và ước mơ cao đẹp; sống có hoài bão, có lý tưởng, khát khao làm được những công việc hữu ích và lớn lao cho bản thân, cộng đồng và đất nước. Những người sống có khát vọng, ở họ luôn phát ra nguồn năng lượng tích cực dồi dào, có tác dụng lan tỏa, chữa lành cho những ai bi quan, yếm thế trước biến thiên của thời cuộc. Khát vọng còn giúp mỗi người tránh được những tính toán nhỏ nhoi và cám dỗ của địa vị, quyền lực, tiền tài, sắc đẹp... Mỗi con người trong quá trình hiện thức hóa ước mơ, khát vọng của mình không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân mình mà còn góp phần thúc đẩy xã hội phát triển.
Mỗi quốc gia, dân tộc cũng vậy, muốn tồn tại và phát triển cần phải có khát vọng vươn tới sự phồn vinh, thịnh vượng, trường tồn. Khát vọng của một quốc gia, dân tộc là sự kết hợp giữa ý chí của những người lãnh đạo, cầm quyền với mong ước của đại đa số người dân, trở thành mục tiêu, lý tưởng cao đẹp của cả cộng đồng quốc gia, dân tộc. Khát vọng trở thành nguồn lực và động lực để mọi tầng lớp nhân dân phát huy cao nhất sức mình nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước. Thực tiễn lịch sử thế giới cho thấy, nhiều quốc gia nghèo đói, bị tàn phá trong chiến tranh đã trở nên cường thịnh bắt nguồn chính từ những khát vọng vươn lên trở thành một dân tộc hùng cường, một nước phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc ngày nay… Trong quá trình dựng nước và giữ nước, khát vọng “mỗi bên hùng cứ một phương” của cha ông ta đã được Đảng chắp cánh thành khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu. Khát vọng đó đã trở thành nguồn lực nội sinh, động lực to lớn của dân tộc Việt Nam, tạo nên sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc nền độc lập của dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Trong sự nghiệp đổi mới, khát vọng trở thành một nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh đã giúp cho một nước nghèo, bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, chịu hậu quả tàn khốc của thiên tai, đại dịch Covid-19 có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay.
Khát vọng chân chính của dân tộc Việt Nam hiện nay là: Phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao; xây dựng đất nước Việt Nam ta ngày càng “cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc” như lời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong Lễ kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng (03/02/2024)[2]. Khát vọng đó là sự biểu hiện của niềm tin khoa học vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và tinh thần lạc quan cách mạng trong thời đại mới dưới sự lãnh đạo của Đảng.
(Nguồn: https://toquoc.vn/)
Khát vọng trước hết thuộc về yếu tố tinh thần, nảy sinh từ đời sống vật chất hiện thực. Tuy nhiên, khát vọng là ước mơ chứ chưa phải là hiện thực, nó thuộc về ý thức xã hội nên có tính vượt trước, có tầm nhìn cao hơn, xa hơn tồn tại xã hội hiện thời nên có tác dụng chỉ đường, dẫn lối và thúc đẩy sự phát triển của hiện thực. Khát vọng của quốc gia, dân tộc được cộng hưởng từ khát vọng của cá nhân. Muốn có khát vọng của dân tộc thì cá nhân phải hình thành và nuôi dưỡng khát vọng chân chính của mình.
Khát vọng của mỗi người chỉ có thể được hình thành dựa trên sự học tập một cách nghiêm túc và tự giác về lý luận chính trị thì mới có cơ sở xây dựng niềm tin khoa học về mục tiêu, lý tưởng của Đảng; phải có hiểu biết thực sự về đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thì mới có niềm tin về con đường, cách thức đạt được mục tiêu. Nhưng chỉ có tri thức là chưa đủ, mỗi người cần thông qua sự trải nghiệm của mình, luôn trăn trở, không để “giấc mơ con đè nát cuộc đời con”, lăn lộn vào thực tiễn, tự mình cảm thán, rung động trước sự nghiệp vĩ đại và lớn lao của dân tộc mà mình được tham dự trong cuộc đời này. Khi tri thức đã đủ lớn, tình cảm đủ mạnh và sâu, chúng sẽ trở thành niềm tin và khát vọng, thành ý chí vượt qua mọi khó khăn, thử thách giúp mỗi người sống, làm việc và cống hiến hết mình cho khát vọng của bản thân, lúc đó đã hòa cùng một nhịp với khát vọng của Đảng, của Tổ quốc và dân tộc.
----------------
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, Tập1, tr.111.
[2] https://www.tuyengiao.vn/khoi-day-phat-huy-suc-manh-cua-nhan-dan-qua-bai-viet-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-152888.
Lương Ngọc Vĩnh