Phong trào thi đua yêu nước trong hành trình bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất non sông
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đứng trước những khó khăn chồng chất: vừa phải chống giặc đói, giặc dốt, vừa phải đương đầu với giặc ngoại xâm, nhưng vượt lên tất cả, với tinh thần “tự lực cánh sinh”, Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Chỉ thị nêu rõ mục đích thi đua ái quốc là “làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công”. Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn dân, toàn quân ta. Người chỉ rõ thi đua là để “nâng cao lòng nồng nàn yêu nước và giác ngộ chính trị của mọi người. Yêu nước thì phải thi đua, thi đua tức là yêu nước”[1]. Người tin tưởng: “thi đua yêu nước sẽ ăn sâu, lan rộng mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng”.
Bút tích “Lời kêu gọi Thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh” và bài báo (năm 1948)
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, toàn dân và toàn quân ta đã tích cực thi đua ái quốc. Trên mặt trận quân sự, bộ đội và dân quân du kích ra sức thi đua giết giặc lập công. Trên mặt trận kinh tế, nông dân thi đua tăng gia sản xuất “coi ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương”; công nhân trong các công binh xưởng hăng hái sản xuất; trí thức đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Trên mặt trận văn hoá - tư tưởng, văn nghệ sĩ đóng góp với tinh thần “văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận”; cán bộ, đảng viên gương mẫu, phấn đấu thực hiện nhiệm vụ được giao.
Nhờ có phong trào thi đua, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chúng ta chứng kiến tinh thần Việt Nam trỗi dậy với một hào khí, một quyết tâm rất lớn, không chịu khuất phục trước sự xâm lăng của thực dân Pháp, nhưng cũng không cam chịu sự thấp kém về trình độ dân trí của dân tộc. Do đó, toàn dân tộc Việt Nam đã cùng nhau thi đua diệt giặc dốt. Phong trào thi đua xoá nạn mù chữ đã lan toả sâu rộng trong toàn xã hội, trở thành hành động tự thân của mỗi người dân Việt Nam lúc bấy giờ, nó giống như những con sóng cuốn phăng đi sự ngu dốt mà bọn thực dân gieo rắc. Kết quả đến năm 1950, cả nước đã có hơn 5 triệu đồng bào biết đọc, biết viết, đất nước dần được hồi sinh. Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc (ngày 01/5/1952) đã đánh giá, tổng kết những kết quả đạt được qua 4 năm thực hiện phong trào thi đua yêu nước, đã có 03 anh hùng lao động (gồm: Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Hanh và 04 anh hùng quân đội là Cù Chính Lan, La Văn Cầu, Nguyễn Quốc Trị, Nguyễn Thị Chiên) cùng 150 chiến sĩ thi đua tiêu biểu cho phong trào thi đua trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Sau năm 1954, trong bối cảnh đất nước tạm thời chia cắt làm hai miền, ngày 05/02/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua sản xuất tiết kiệm mùa Xuân trong đó nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của đồng bào là phải ra sức thi đua, khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp để làm cho đồng bào nông dân ấm no, để cung cấp cho quân đội, để đảm bảo tiếp tế cho các thành thị, để đẩy mạnh việc khôi phục kinh tế nước nhà… Đó là một cuộc thi đua yêu nước, ý nghĩa rất to lớn. Tôi kêu gọi đồng bào hăng hái tham gia phong trào thi đua này. Thế là đồng bào góp phần vào cuộc đấu tranh củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước ta”[2].
Với tinh thần quyết tâm khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, các giai tầng trong xã hội thi đua sản xuất: nông dân khắp nơi thi đua xây dựng Tổ đổi công, hợp tác xã; công nhân khắc phục hậu quả chiến tranh; các ngành giáo dục, văn hoá, y tế phát triển nhanh chóng. Tại Đại hội Anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ II (ngày 07 - 08/01/1958), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chỉ có dưới chế độ dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa, dưới chế độ mà nhân dân lao động làm chủ nước nhà thì mới có phong trào thi đua”. Đồng thời, Người nhấn mạnh: “anh hùng, chiến sĩ thi đua đã là những người tiên phong trong sản xuất, mà cũng là người gương mẫu về đạo đức cách mạng. Họ đặt lợi ích chung của dân tộc trên lợi ích riêng của cá nhân… Họ không sợ khó nhọc, ra sức vượt mọi khó khăn để hoàn thành và hoàn thành vượt mức mà Đảng và Chính phủ giao cho họ, chứ họ không suy bì hơn thiệt của cá nhân, không ganh tỵ về địa vị và hưởng thụ”. Với niềm tin ấy, Người tin tưởng với phong trào thi đua mới, “chúng ta sẽ vững bước tiến dần lên CNXH và nhất định thắng lợi trong sự nghiệp thống nhất nước nhà”[3].
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Anh hùng, chiến sỹ thi đua chống Mỹ, cứu nước (12/1966)
Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn đầy cam go, thử thách, chúng ta chứng kiến một không khí thi đua sản xuất, thi đua kháng chiến của quân, dân cả nước, như: thi đua hợp lý hoá sản xuất, cải tiến kỹ thuật; thi đua cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp; thi đua “học thật tốt, dạy thật tốt”… Qua các phong trào đó, hàng nghìn tổ, đội sản xuất được công nhận là tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa, hàng nghìn hợp tác xã trở thành hợp tác xã tiên tiến, hàng nghìn đơn vị lực lượng vũ trang được công nhận là đơn vị quyết thắng. Thanh niên “ba sẵn sàng”, phụ nữ “ba đảm đang”, nông dân “tay cày tay súng”, công nhân “tay búa, tay súng”… với một tinh thần “một người làm việc bằng hai, tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Trên chiến trường miền Nam, đồng bào và chiến sĩ thi đua diết giặc lập công, vì vậy xuất hiện hàng ngàn “dũng sĩ diệt Mỹ”. Cả nước vùng lên quyết chiến quyết thắng với một chân lý “không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Ngày 30/4/1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi vẻ vang. Thành công đó có sự đóng góp rất lớn từ phong trào thi đua yêu nước. Do đó, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (12/1976) có một nội dung quan trọng là “Biểu dương lòng yêu nước nồng nàn và chủ nghĩa anh hùng cách mạng tuyệt vời của đồng bào, chiến sĩ, cán bộ, đảng viên thuộc tất cả các dân tộc anh em từ Nam đến Bắc đã đoàn kết chiến đấu không mệt mỏi vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc”.
Khơi nguồn cho khát vọng phát triển đất nước hôm nay
Hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước bằng sức mạnh tiềm tàng của mỗi con người Việt Nam, trong đó thông qua các phong trào thi đua yêu nước là một nội dung quan trọng được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Đó còn là khát vọng chính đáng, vì lợi ích của toàn dân.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
Trong bối cảnh mới với những thuận lợi, thời cơ đan xen với nhiều khó khăn, thách thức cả ở trong nước và trên thế giới, rất cần có những giải pháp mang tính đột phá trên tinh thần quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống, cụ thể là:
Thứ nhất, “Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”[4]. Cần tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, làm cho mọi người có khả năng miễn dịch với sự chống phá của các thế lực thù địch. Bên cạnh đó, cần phát huy tối đa nguồn lực con người, phải thực sự lấy con người là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; khơi dậy và phát huy tốt các nguồn lực, tiềm năng sáng tạo, quyền làm chủ của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong bối cảnh mới hiện nay.
Thứ hai, cần đặc biệt quan tâm tới xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp của một số mặt văn hóa, đạo đức, lối sống, gây bức xúc xã hội; “kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục của dân tộc… nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hướng tới một xã hội thịnh vượng, văn minh, hiện đại.
Thứ ba, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được thực hiện kiên quyết, chất lượng và thực sự có hiệu quả để từ đó “tiếp lửa” cho lòng tin, niềm khát vọng vào tương lai, cơ đồ của dân tộc do Đảng lãnh đạo.
Khát vọng phát triển đất nước Việt Nam vốn dĩ đã là mạch nguồn xuyên suốt từ trong quá trình giữ nước của dân tộc ta. Trước yêu cầu mới, việc tiếp tục phát huy tinh thần ấy đang đặt ra nhiều thách thức, khó khăn nhưng cũng rất vẻ vang và tự hào. Hiện thực hoá được khát vọng tiềm tàng của dân tộc càng minh chứng cho tinh thần, khí phách Việt Nam; đồng thời, là cơ sở vững chắc để đấu tranh bác bỏ luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, phản động; tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra.
Cao Hiệu