Giới hạn của sức chịu đựng
Đại dịch Covid-19 kéo dài hai năm qua đã đẩy sức chịu đựng của doanh nghiệp và người dân Việt Nam tiến dần đến điểm tới hạn. Là trụ cột của nền kinh tế quốc gia nhưng trong năm 2021, tính trung bình, mỗi tháng có khoảng 9.700 doanh nghiệp không thể cầm cự, phải giải thể hoặc tạm dừng hoạt động. Có tới 94% doanh nghiệp trong cả nước đang gặp khó khăn. Tại 19 tỉnh thành phố phía Nam, 98% doanh nghiệp thiệt hại nặng nề. Ở vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, các doanh nghiệp chỉ hoạt động chừng 5 -10% công suất. Các đợt giãn cách xã hội trên phạm vi cả nước cũng đã khiến tổng cầu của nền kinh tế bị suy giảm, giao thương bị ách tắc, chuỗi sản xuất bị đứt gẫy và kinh doanh bị đình trệ.
Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19, tháng 9/2021. Ảnh: Internet.
Không chỉ đe dọa sự tồn tại của các doanh nghiệp, có thể gây sụt giảm nguồn thu ngân sách, các làn sóng dịch bệnh cũng tác động nghiêm trọng đến cuộc sống của mọi tầng lớp nhân dân. Theo Tổng cục Thống kê, có hơn 1,7 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp trong quý III năm 2021, tăng đến nửa triệu so với quý II. Tỷ lệ thất nghiệp lên đến 3,98%, cao nhất trong một thập kỷ qua và vượt xa tỷ lệ thất nghiệp trong những giai đoạn khó khăn khác của nền kinh tế. 12 triệu người bị cắt giờ làm; 18,9 triệu người bị giảm thu nhập. Ngoài ra, từ cuối tháng 7 năm nay, những dòng người tự phát hồi hương hoặc cần hỗ trợ thực phẩm tại thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương cũng phản ánh cuộc sống khó khăn của một lực lượng lớn người lao động tự do. Bên cạnh đó, những đợt giãn cách xã hội kéo dài tại nhiều địa phương, đặc biệt là tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng đã gây ra những áp lực ngày càng tăng về tâm lý và xã hội cho người dân.
Chiến lược mới về phòng chống đại dịch
Có thể nói, kể từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, chưa bao giờ chính quyền và người dân Việt Nam phải ứng phó với một tình huống bất thường về kinh tế - xã hội như đại dịch Covid-19 hiện nay. Sự nan giải của hoạt động kiểm soát dịch bệnh cũng như những áp lực ngày càng tăng cả về kinh tế và tâm lý - xã hội đang đòi hỏi chúng ta phải thay đổi tư duy và chiến lược phòng chống dịch bệnh.
Khác với nhiều quốc gia, Việt Nam đã sớm coi “chống dịch như chống giặc”. Khẩu hiệu này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong việc ưu tiên bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Tuy nhiên, thực tế toàn cầu cho thấy đại dịch Covid-19 là một kẻ thù vô hình nhưng có sức mạnh khó lường. Bởi thế, hầu hết các quốc gia đều luôn trong tình trạng bị động ứng phó với sự bùng phát bất kỳ lúc nào của dịch bệnh.
Ở trong nước, trước những diễn biến gần đây, chúng ta cũng nhận ra nhu cầu thay đổi chiến lược để thích ứng với tình hình thực tế. Với những biến thể mới và khả năng lây lan nhanh chóng, mục tiêu “Zero Covid” trở nên thiếu thực tế. Vì thế, từ chiến lược “thần tốc kiểm soát”, “truy vết, khoanh vùng, và cách ly tập trung”, đến nay chúng ta đã xác định sẽ phải “trường kỳ chống dịch”, tiến hành đồng thời cả hai nhiệm vụ: kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế.
Phát biểu tại cuộc đối thoại mới đây với cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thẳng thắn khẳng định: “Nếu chúng ta chỉ tập trung chống dịch thì chúng ta hết nguồn lực; ngược lại, chỉ tập trung phát triển kinh tế, không có giải pháp chống dịch thì chúng ta không bảo vệ được sức khỏe của nhân dân”. Điều này cũng có nghĩa, để có thể từng bước đẩy lùi, tiến tới kiểm soát được dịch bệnh, chúng ta cần tích lũy nguồn lực. Và để có nguồn lực cho việc đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của nhân dân thì việc các doanh nghiệp sớm được hoạt động trở lại sẽ là điều kiện tiên quyết.
Các doanh nghiệp đang nỗ lực hết mình để nhanh chóng khôi phục lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ảnh: Internet.
Doanh nghiệp là bệ đỡ cho nỗ lực phục hồi
Phục hồi hoạt động trở lại trong trạng thái “bình thường mới” được xác định là một tương lai cần phải chấp nhận và thích ứng với cả cộng đồng xã hội. Do dịch bệnh còn có thể kéo dài, hoạt động của chính quyền cũng như cuộc sống của mọi tầng lớp nhân dân sẽ buộc phải thay đổi. Nguy cơ đại dịch có thể tái bùng phát bất cứ lúc nào đang đặt mỗi cá nhân công dân cũng như cán bộ công quyền trước yêu cầu điều chỉnh ý thức và hành vi, nâng cao khả năng thích nghi trong bối cảnh bất thường và khó lường.
Có thể thấy, các doạnh nghiệp sẽ là trụ đỡ then chốt cho nỗ lực phục hồi của cả cộng đồng xã hội. Với bất kỳ nền kinh tế nào thì cộng đồng doanh nghiệp cũng luôn là lực lượng chủ lực tạo ra của cải vật chất và lợi nhuận. Sự phục hồi hoạt động của các doanh nghiệp sẽ giúp người lao động trở lại làm việc, qua đó có thu nhập để ổn định cuộc sống. Các doanh nghiệp cũng sẽ có lợi nhuận để có thể đóng góp vào ngân sách nhà nước. Từ đó, chính quyền có thêm nguồn lực để có thể tiếp tục các hoạt động bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
Việc điều chỉnh chiến lược theo hướng vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế đã đưa lực lượng doanh nhân lên tuyến đầu, song hành cùng đội ngũ y bác sỹ trong nỗ lực kiểm soát Covid-19. Từ thời điểm này trở đi, sự thành công hay thất bại của các hoạt động phòng chống dịch bệnh không chỉ phụ thuộc vào lãnh đạo và cán bộ chính quyền, đội ngũ cán bộ và nhân viên y tế, mà còn phụ thuộc rất lớn vào bản lĩnh cũng như trí tuệ của các doanh nhân, cùng sự chung tay đồng hành của đông đảo người lao động.
Cũng bởi thế, trách nhiệm của cán bộ chính quyền các cấp là phải khẩn trương xây dựng các kịch bản ứng phó với nhiều tình huống khác nhau. Trong mọi tình huống, duy trì và bảo đảm sự an toàn cho hoạt động của các doanh nghiệp sẽ phải là một ưu tiên hàng đầu. Mọi hình thức can thiệp hành chính gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp cần phải được tính toán thấu đáo để giảm thiểu thiệt hại.
Cũng có nghĩa, trong tình hình hiện nay và với chiến lược mới về phòng chống đại dịch, mọi hành động gây tác hại cho hoạt động của các doanh nghiệp cũng chính là sự thiếu trách nhiệm với cộng đồng, tăng thêm nguy cơ thất bại cho các nỗ lực đẩy lui dịch bệnh. Nói cách khác, chưa khi nào chúng ta thấy khả năng cộng đồng có vượt qua đại dịch và phục hồi được hay không lại gắn bó mật thiết với “sức khỏe” của các doanh nghiệp như thời điểm hiện nay.
Minh Hoàng