Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài từ Bắc đến Nam. Ven bờ biển có nhiều bãi tắm đẹp được xếp hạng thế giới. Dọc bờ biển có gần 50 vịnh đẹp được thế giới công nhận như vịnh Hạ Long, Nha Trang, Lăng Cô, Xuân Đài và 2.773 đảo lớn nhỏ ven bờ như đảo Phú Quốc, Côn Đảo, Cát Bà.
Biển đảo Việt Nam cũng có tài nguyên sinh vật đa dạng, phong phú với 29 khu bảo tồn thiên nhiên biển và 1.013 di tích lịch sử văn hóa được Nhà nước xếp hạng, 195 lễ hội dân gian truyền thống, trên 150 làng nghề... Đó là những tiềm năng lý tưởng cho việc phát triển ngành kinh tế du lịch biển và du lịch sinh thái.
Với tiềm năng vô cùng to lớn của kinh tế du lịch biển đảo, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật và những chính sách thông thoáng, thuận lợi cho phát triển kinh tế du lịch biển, điển hình như: Nghị quyết số 09-NQ/TW về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Triển khai chủ trương của Đảng, Quốc hội đã ban hành các Luật liên quan đến phát triển kinh tế du lịch biển như: Luật Biển Việt Nam (2012), Luật Du lịch (2017). Chỉ thị số 18/CT-BVHTTDL về việc tổ chức triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030”; Quyết định số 2782/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020”.
Chính phủ cũng đã khởi động tuyến đường bộ ven biển chạy qua 28 tỉnh thành bắt đầu từ Quảng Ninh đến Kiên Giang với tổng chiều dài 3.041km nhằm phát triển kinh tế du lịch biển đảo. Những chủ trương, chính sách và hành động của Đảng, Nhà nước cho thấy, Việt Nam khẳng định du lịch biển đảo là một trong những ngành kinh tế chủ chốt nhằm thúc đẩy phát triển xã hội nước ta ở hiện tại và trong tương lai.
Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trong những năm gần đây, kinh tế biển trên cả nước đã có những bước phát triển toàn diện. Trong đó du lịch biển đảo đã và đang là hình thức du lịch chủ đạo, chiếm gần 70-80% tổng lưu lượng khách với 75% tổng doanh thu du lịch lữ hành của cả nước.
Nhờ kinh tế du lịch biển đảo phát triển, đã tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động vùng ven biển, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp trên cả nước. Theo đó, cuộc sống của người dân vùng ven biển cũng ngày càng được cải thiện, góp phần tăng nguồn ngân sách Trung ương và địa phương.
Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế du lịch biển chủ yếu vẫn tập trung vào các mục tiêu lợi nhuận kinh tế tối đa, mà xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường biển. Do vậy, vấn đề ô nhiễm môi trường biển đảo đang xuất hiện và có nguy cơ đáng báo động.
Nếu không có biện pháp xử lý kịp thời sẽ làm giảm đi khả năng thu hút khách của ngành du lịch biển và ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường biển trong phát triển kinh tế du lịch biển nước ta hiện nay là do:
Thứ nhất, các khu du lịch biển thiếu quy hoạch tổng thể về đánh giá tác động môi trường trong xây dựng nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi ven biển. Thiếu tính toán cho phép lượng khách mà cơ sở hạ tầng có thể đáp ứng được. Do vậy, mùa du lịch, lượng khách tăng nhanh dẫn đến hệ thống xử lý rác, chất thải sinh hoạt, nước thải không thể đáp ứng được. Bên cạnh đó, nhiều nơi công cộng chưa được trang bị thùng đựng rác và thiếu bộ phận thu gom rác thải sinh hoạt, túi ni lông, rác thải nhựa tại các điểm du lịch, bãi tắm.
Thứ hai, ý thức bảo vệ môi trường của người dân và khách du lịch yếu kém. Họ vứt rác tùy tiện, vô thức, không thu nhặt rác thải sinh hoạt, thức ăn thừa, phế liệu trên bãi cát, bờ biển.
Đáng buồn là hiện nay vẫn tồn tại lối tư duy xem trọng các yếu tố phát triển kinh tế, tăng trưởng ngắn hạn hơn là quan tâm đến các yếu tố môi trường; các yêu cầu phát triển bền vững giữa kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường biển chưa được quán triệt đầy đủ, sâu sắc trong các quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển và các đề án, dự án cụ thể... dẫn đến việc thực thi không nghiêm, không hiệu quả.
Thứ ba, khai thác thiếu bền vững các nguồn lợi từ biển. Tình trạng đánh bắt thủy sản bằng biện pháp hủy diệt (như nổ mìn, dí điện…), nạn phá hủy rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn ngày càng gia tăng ở ven biển. Các phương tiện giao thông thủy nhiều nhằm vận chuyển khách du lịch thăm đảo dẫn đến ô nhiễm dầu thải, khói bụi, tiếng ồn trên biển không ngừng gia tăng.
Để khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển trong phát triển kinh tế du lịch biển đảo cần sự tham gia của các cấp, các ngành, mọi thành phần của xã hội và nhất là ngành kinh tế du lịch biển đảo, khách du lịch và người dân vùng ven biển. Trước mắt, cần giải quyết tốt nhiệm vụ sau:
Một là, lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế du lịch với bảo vệ môi trường biển phù hợp với địa phương theo hướng bền vững. Tăng cường quản lý và xử lý hiệu quả các chất thải, chất gây ô nhiễm biển đảo trước khi đổ ra biển từ các cơ sở kinh doanh du lịch. Ngoài ra, địa phương cần có biện pháp xử phạt nghiêm hơn đối với các nhà hàng, khách sạn, resort, khu vui chơi, giải trí gây ô nhiễm môi trường biển.
Hai là, các địa phương trọng điểm về du lịch biển cần tăng cường chiến dịch truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch và đội ngũ cán bộ, nhân viên nhà hàng, khách sạn trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và giảm thiểu tác động đến môi trường biển.
Đi đôi với việc khuyến khích, các cơ sở lưu trú du lịch chú trọng sử dụng nguồn năng lượng sạch và có hệ thống xử lý rác thải phù hợp.
Nhà nước cũng cần chủ động hơn và nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường, Luật Biển Việt Nam và chủ trương của Đảng về bảo vệ môi trường biển đảo để người dân khai thác du lịch biển đảo và nuôi trồng nguồn lợi thủy sản theo hướng bền vững.
.
Hà Lê