Kinh tế không tiếp xúc là gì?
Các hoạt động trao đổi giữa người mua và người bán trên thị trường thường diễn ra “mặt đối mặt” hoặc “nhiều chạm”. Với các tiến bộ của khoa học - công nghệ, nhiều khái niệm kinh tế mới đã ra đời làm thay đổi thị trường truyền thống như: kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế không tiếp xúc… Trong đó, khái niệm “kinh tế không tiếp xúc” được sử dụng nhiều hơn khi đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu vì chính sách giãn cách xã hội của các quốc gia.
Khái niệm “kinh tế không tiếp xúc” hàm ý đến mô hình kinh tế mà trong đó các giao dịch diễn ra theo xu hướng ít tụ tập, ít tiếp xúc để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh. Công ty Deloitte Việt Nam phân tích rằng, nguồn động lực cho sự ra đời và phát triển của kinh tế không tiếp xúc dựa trên các yếu tố chính: (i) Nhận thức về an toàn cho sức khỏe trong xã hội ngày càng được đầy đủ và theo đó yêu cầu về bảo đảm an toàn y tế ngày càng được nâng cao. (ii) Nhiều công nghệ mới ra đời ngày càng tiện ích và hiện đại; cùng với những yêu cầu mới phát sinh của con người về an toàn sức khỏe, tạo ra động lực mạnh mẽ cho mô hình kinh tế không tiếp xúc. (iii) Các sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ cho các giao dịch kinh tế không tiếp xúc đang ngày càng phong phú và hoàn thiện, đặc biệt là internet, công nghệ đám mây và hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt. (iv) Độ bao phủ và tốc độ truy cập Internet đang được cải thiện trên toàn cầu là một động lực quan trọng khác cho kinh tế không tiếp xúc.
Kinh tế không tiếp xúc là mô hình kinh tế mà các giao dịch diễn ra theo xu hướng ít tụ tập, ít tiếp xúc để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19.
Kinh nghiệm phát triển kinh tế không tiếp xúc ở Hàn Quốc
Hàn Quốc vốn là một trong những quốc gia đã số hóa nền kinh tế thành công. Chính sách không tiếp xúc được chính phủ Hàn Quốc thực thi triệt để như là một biện pháp hữu hiệu để phòng chống đại dịch Covid-19. Quy mô kinh tế không tiếp xúc ở Hàn Quốc theo thống kê của công ty Deloitte đạt 199,6791 ngàn tỷ won trong năm 2020 và tăng trưởng trung bình mỗi năm khoảng 15% cho đến năm 2023. Hàn Quốc phát triển đồng bộ từ những dịch vụ nhỏ hằng ngày như robot pha phục vụ bàn, robot khử trùng và đo thân nhiệt, robot kiểm tra giãn cách xã hội… đến những dịch vụ đòi hỏi đầu tư công nghệ cao hơn như: hệ thống đánh giá thi cử không chạm, thiết bị chạm an toàn tại các thang máy, dịch vụ chăm sóc tinh thần thông minh hay giáo dục trực tuyến bằng thực tế ảo… Hàn Quốc cũng thông qua chính sách đầu tư vào “quỹ phát triển không tiếp xúc” đến năm 2025 với 7,6 tỷ USD và tiến hành hỗ trợ khoảng 1.200 doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này.
Những dịch vụ không chạm của Hàn Quốc được đánh giá là hoàn thiện và dẫn đầu thị trường thế giới. Mặc dù vậy, nhiều nghiên cứu lo ngại việc ít tiếp xúc của con người với nhau sẽ dẫn đến hậu quả về mặt xã hội như trạng thái tự cô lập, cảm giác người già bị bỏ rơi hoặc trẻ em có thể phát triển thiếu hoàn thiện trong kỹ năng giao tiếp. Để ứng phó với việc này, chính phủ Hàn Quốc đã thông qua khoản ngân sách 25,4 triệu USD để hỗ trợ các dự án nghiên cứu về trầm cảm.
Hàn Quốc phát triển mạnh về kinh tế không tiếp xúc (Nguồn: https://www.bloombergquint.com/businessweek/south-korea-untact-plans-for-the-post-pandemic-economy).
Sự cần thiết của kinh tế không tiếp xúc đối với Việt Nam
Từ yêu cầu của thực tiễn phòng,chống dịch bệnh Covid-19 và kinh nghiệm của nhiều quốc gia, sự cần thiết của việc triển khai mô hình kinh tế không tiếp xúc ở Việt Nam xuất phát từ một số lý do sau đây:
Một là, Việt Nam bắt đầu ứng phó với dịch bệnh Covid-19 từ đầu năm 2020 và kéo dài cho đến nay. Với mục tiêu kép được nêu ra, mô hình kinh tế không tiếp xúc được xem như là một giải pháp hữu hiệu.
Hai là, những điều kiện cần để phát triển kinh tế không tiếp xúc cũng tương đồng những điều kiện cần của kinh tế số, cũng gắn với định hướng trong tương lai của Việt Nam.
Ba là, việc khuyến khích cho kinh tế không tiếp xúc phát triển sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài; từ đó kéo theo chuyển giao công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nước.
Bốn là, phát triển kinh tế không tiếp xúc cũng là bước chuyển giúp Việt Nam hội nhập tốt hơn vào kinh tế toàn cầu khi mà các giao dịch trực tuyến đã không còn biên giới và tăng trưởng vượt bậc trên toàn thế giới.
Những thuận lợi và khó khăn khi phát triển kinh tế không tiếp xúc ở Việt Nam
Với mục tiêu kép đặt ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, các nhà quản lý và nhiều doanh nghiệp bắt đầu nhận ra vai trò của các giao dịch kinh tế không tiếp xúc. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 52-NQ/TW của Chính phủ ban hành năm 2020 đã nêu ra chủ trương và chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Quá trình hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết sẽ mở đường cho kinh tế không tiếp xúc khi cơ sở hạ tầng số của quốc gia được nâng cao.
Đến nay, Việt Nam cũng đã có những kết quả quan trọng bước đầu về chuyển đổi số. Dịch vụ ngân hàng số và thanh toán điện tử đã trở nên phổ biến. Vào đầu năm 2021, đã có hơn 40 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến; thương mại điện tử Việt Nam đạt mức 5,5% trong tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa dịch vụ với quy mô lên đến 11,8 tỷ USD. Dịch vụ ngân hàng di động hằng năm cũng tăng gần gấp hai lần.
Giao hàng không tiếp xúc (Nguồn hình: https://tienphong.vn/nhung-kieu-giao-nhan-hang-doc-dao-thoi-covid-19-post1228109.tpo).
Bên cạnh đó, hiện nay kinh tế không tiếp xúc đã và đang là nhu cầu tự thân xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày. Việc còn lại là các doanh nghiệp cần tích hợp giao dịch kinh tế không tiếp xúc trong các lĩnh vực kinh doanh,nâng cao chất lượng phục vụ và đáp ứng thị trường.
Không phải chỉ có thuận lợi, việc phát triển kinh tế không tiếp xúc ở Việt Nam cũng có nhiều khó khănnhư: Thứ nhất, mặc dù cơ sở hạ tầng và mạng lưới viễn thông dù đã có những cải thiện nhưng còn khá yếu kém so với yêu cầu số hóa nền kinh tế và không đồng đều ở các vùng miền trong cả nước. Thứ hai, sử dụng tiền mặt vẫn là thói quen phổ biến trong nhân dân. Thanh toán trực tuyến chủ yếu phát triển ở những khu vực đô thị. Thứ ba, kinh tế không tiếp xúc ứng dụng thành quả công nghệ nên cần có nguồn nhân lực với trình độ phù hợp. Trong khi đó, nguồn nhân lực cho việc tạo ra sản phẩm và dịch vụ không tiếp xúc ở Việt Nam vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Thứ tư, kinh tế không tiếp xúc dựa trên hoạt động trực tuyến nên chứa đựng nhiều nguy cơ về vấn đề bảo mật thông tin và an ninh mạng. Trong khi đó, các hình thức tấn công trên môi trường mạng ngày càng phức tạp và tinh vi.
Một số hàm ý chính sách đối với Việt Nam
Về phía cơ quan nhà nước:
Một là, hoàn thiện hơn nữa các văn bản pháp luật có liên quan nhằm tạo hành lang pháp lý an toàn và giúp phát triển toàn diện quá trình chuyển đổi số cho các ngành, lĩnh vực, phát triển đồng bộ kinh tế số nói chung và kinh tế không tiếp xúc nói riêng.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia. Chuyển đổi số được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, để khai thác tốt nhất thành tựu công nghệ trong phát triển kinh tế số và kinh tế không tiếp xúc.
Ba là, khuyến khích và cho phép thí điểm một số mô hình kinh tế không tiếp xúc mới nếu các loại hình này phù hợp với thực tế, phù hợp với khung pháp lý và văn hóa Việt Nam.
Bốn là, cùng với những chính sách khuyến khích các loại hình kinh tế mới hoạt động hiệu quả, cũng cần sớm hình thành các biện pháp quản lý để phục vụ cho thao tác thu ngân sách và phòng tránh các hành vi trốn thuế hoặc nợ thuế kéo dài.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao theo lộ trình chuyển đổi số quốc gia.
Sáu là, đẩy mạnh cải tiến hệ thống an ninh mạng quốc gia để phòng chống tội phạm phát sinh cùng với việc số hóa nền kinh tế và lợi dụng lừa đảo trong những giao dịch không tiếp xúc.
Về phía doanh nghiệp: Doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư thúc đẩy thương mại điện tử, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đổi mới sản phẩm dịch vụ theo hướng ít tiếp xúc hoặc không tiếp xúc một cách phù hợp... để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, việc khảo sát thăm dò và nghiên cứu thị trường để nắm bắt nhu cầu, xác định từng phân khúc thị trường của dịch vụ không tiếp xúc và quy mô nhu cầu theo mỗi phân khúc để đón đầu và hoàn thành mục tiêu là một trong những vấn đề quan trọng mà doanh nghiệp cần tập trung.
Về phía người tiêu dùng: Người tiêu dùng nói riêng và nhân dân nói chung cần nâng cao nhận thức về vai trò của kinh tế không tiếp xúc trong bối cảnh hiện nay, vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho bản thân, vừa góp phần tiêu dùng thông minh, làm tăng hiệu quả chính sách kích cầu của Chính phủ. Đồng thời, người tiêu dùng cũng cần chủ động tiếp cận công nghệ, thực hành các thao tác giao dịch không tiếp xúc; các công nghệ mới cần thao tác trên điện thoại thông minh, hiểu biết về quy tắc giao dịch cũng như thanh toán không dùng tiền mặt. Những công nghệ này không quá phức tạp nhưng nếu không chú ý tiếp cận cũng rất khó thực hiện. Hơn nữa, cũng cần tuân thủ các quy tắc an toàn trên không gian kinh tế số cũng như cẩn trọng để tránh bị lừa đảo trong khi tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ trong những giao dịch không tiếp xúc.
Trần Anh