Trong cách hiểu hiện nay, kinh tế tư nhân không phải là một chỉnh thể thuần nhất mà là một khu vực kinh tế gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân. Gắn liền với thành phần kinh tế này là các doanh nghiệp tư nhân, các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể, tiểu chủ,… Hiện nay, kinh tế tư nhân được coi là động lực quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng với các thành phần kinh tế khác.
Đảng ta chủ trương “hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước”.
Trong những năm thực hiện đường lối đổi mới, kinh tế tư nhân đã góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển đất nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách Nhà nước; tạo môi trường kinh doanh sôi động, kích thích sản xuất và lưu thông, đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Năm 2019, khi kinh tế toàn cầu chững lại, nền kinh tế Việt Nam vẫn khởi sắc với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,02%. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân tạo ra khoảng 42% GDP, đóng góp 30% ngân sách nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động. Tập đoàn tư nhân tạo luồng gió mới cho nền kinh tế, xã hội và đời sống cả nước.
Từ đầu năm nay, khi thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đối mặt với cuộc khủng hoảng dịch Covid-19, vai trò của kinh tế tư nhân tiếp tục được khẳng định. Hàng nghìn tỷ đồng, mặt bằng, địa điểm cách ly, thiết bị y tế,... được khối tư nhân đóng góp chống dịch. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân âm thầm góp sức dù họ đang chịu nhiều thiệt hại, đã mang đến những giá trị lớn lao cho cộng đồng, góp phần đẩy lùi dịch bệnh.
Nhận thức rõ những khó khăn của nền kinh tế nói chung, của khu vực kinh tế tư nhân nói riêng, ngày 04 tháng 3 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Nhìn chung, trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, Nhà nước đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm đối với người dân, doanh nghiệp; các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân cũng đã thể hiện rất rõ trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.
Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới khiến cho nền kinh tế toàn cầu suy thoái nghiêm trọng. Ở Việt Nam, sau hơn 3 tháng không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, dịch Covid-19 đã xuất hiện trở lại tại nhiều địa phương và đang diễn biến rất phức tạp. Hàng loạt các biện pháp phòng chống dịch đã được tái khởi động.
Tình trạng dịch bệnh trên thế giới và trong nước đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế nước ta, đặc biệt là các hoạt động xuất, nhập khẩu, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, lao động, việc làm; nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô,... Nền kinh tế nước ta đang đứng trước những khó khăn, thử thách lớn, thậm chí là nguy cơ tăng trưởng âm, thu nhập của doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng rất lớn, đời sống của người dân khó khăn hơn, tiêu dùng của xã hội bị sụt giảm.
Để giải quyết những vấn đề cấp bách của kinh tế Việt Nam hiện nay đòi hỏi phải phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, trong đó có kinh tế tư nhân. Đây là lúc kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân thể hiện, khẳng định trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, xã hội.
Trách nhiệm này được thực hiện trên cơ sở phải tôn trọng pháp luật và cam kết với các bên có lợi ích liên quan, có khả năng gắn kết hoạt động kinh doanh với việc giảm thiểu tác hại tiêu cực của dịch Covid-19 nhằm thực hiện mục tiêu kép vô cùng khó khăn: vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo các hoạt động kinh tế - xã hội.
Về cơ bản, trách nhiệm xã hội của kinh tế tư nhân trong việc giải quyết những vấn đề cấp bách của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát hiện nay là:
1. Chấp hành nghiêm túc các quy định, các biện pháp phòng, chống dịch mà các cấp có thẩm quyền đã ban hành, đặc biệt là Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch covid-19 trong tình hình mới. Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu cần phải ngừng hoạt động khi có yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền; đối với các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ được phép hoạt động phải đảm bảo tuân thủ đúng các quy định phòng, chống dịch.
2. Điều chỉnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp thích ứng với bối cảnh dịch Covid-19 tái bùng phát, đảm bảo sự ổn định và phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong trường hợp cần thiết, cần bố trí đảo ca, giãn ca, làm việc bán thời gian trên tinh thần đảm bảo việc làm và quyền lợi của người lao động. Trong trường hợp buộc phải ngừng các hoạt động sản xuất kinh doanh thì cần phải thực hiện đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động.
3. Sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả nguồn vốn vay và các nguồn lực khác mà Nhà nước hỗ trợ đối với các cá nhân, doanh nghiệp gặp khó khăn, bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19.
4. Tích cực ủng hộ, hỗ trợ nguồn lực vật chất, tinh thần cho các hoạt động phòng, chống dịch theo tinh thần “tương thân tương ái”, “là lành đùm lá rách”, phù hợp với điều kiện, năng lực của từng cá nhân, doanh nghiệp.
5. Tích cực, chủ động đề xuất giải pháp, kiến nghị chính sách cho Đảng, Nhà nước để góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải quyết tốt các vấn đề xã hội trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, kinh tế tư nhân cũng cần phải thực hiện đầy đủ những trách nhiệm xã hội chung của toàn bộ nền kinh tế và cộng đồng xã hội.
Thực hiện tốt trách nhiệm xã hội trong bối cảnh hiện nay, kinh tế tư nhân sẽ góp phần rất quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu kép là phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Đây sẽ là một dấu ấn sâu sắc trong quá trình xây dựng truyền thống tốt đẹp của kinh tế tư nhân trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Nguyễn Đức