Thực hiện Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về "Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung", thời gian qua, Đảng đã tăng cường công tác kiểm tra và giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương và xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm với chủ trương không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Sự ra đời của Kết luận 14 thực sự là một đột phá, một căn cứ chính trị vững chắc để cán bộ phát huy sức sáng tạo, đổi mới trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo thực tiễn, khắc phục xu hướng không dám nghĩ, không dám làm, không dám đột phá, không dám sáng tạo. Đồng thời, Kết luận 14 góp phần bảo vệ cán bộ, để họ thực sự nêu gương, toả sáng trong xã hội.
Bên cạnh đó, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” đã thẳng thắn chỉ ra hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức vụ. Một trong số đó là biểu hiện: “Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể”, không nhận thức đầy đủ rằng tập thể chỉ thực sự mạnh khi có những cá nhân thủ lĩnh biết tập hợp, đoàn kết lực lượng vì mục tiêu phát triển của chính tập thể đó.
Vậy làm thế nào để hạn chế và loại trừ “gương mờ” trong bộ máy cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương?
Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới nhấn mạnh: Mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu, trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn; lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý. Kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ nhất, thực hiện tốt Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022. Theo đó, cần mở rộng dân chủ để kiểm soát quyền lực không chỉ trong nội bộ cơ quan, đơn vị, địa phương mà cả nhân dân, cơ quan truyền thông báo chí cũng có thể giám sát kết quả thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên. Thực tế thời gian qua, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức vụ chưa tuân thủ kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ, luôn tìm cách tận dụng vị trí công việc và các mối quan hệ nhằm vinh thân, phì gia, đem lại lợi ích cá nhân hơn là trăn trở trong công việc làm thế nào để phục vụ, tạo điều kiện, giảm thủ tục giúp những yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp, người dân được giải quyết kịp thời, nhanh chóng.
Thứ hai, muốn nêu gương, cần nghiêm túc tự phê bình và phê bình. Trong công việc tưởng như dễ mà khó đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh tinh thần nêu gương của mỗi cán bộ đảng viên. Cán bộ có chức vụ càng cao, trách nhiệm càng lớn, càng phải nêu gương. Phải thường xuyên và tự giác tự phê bình và phê bình như soi gương, rửa mặt hằng ngày. Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, nhất là đảng viên có chức vụ mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như rửa mặt hằng ngày, tự giác điều chỉnh hành vi, nhận thức, hoàn thiện bản thân. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết loại trừ những gương mờ để Nhân dân thêm tin yêu Ðảng.
Bùi Thị Long