Nổi tiếng bởi không gian kiến trúc tiêu biểu của tỉnh Quảng Nam, với những mái nhà cổ, ngõ đá, vườn cau, đồng lúa, giếng cổ, bờ chè tàu được lưu giữ qua mấy trăm năm, Làng cổ Lộc Yên, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước đã chính thức được công nhận là di tích quốc gia vào tháng 9 năm 2019. Đây là làng cổ đầu tiên của tỉnh Quảng Nam và là một trong bốn làng cổ của cả nước được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Vinh dự ấy chính là sự ghi nhận giá trị, xứng đáng đối với nỗ lực và cũng đi đôi với trách nhiệm của cộng đồng trong việc gìn giữ, tôn tạo và phát huy giá trị độc đáo của ngôi làng cổ này.
Ngôi làng được công nhận là Di tích quốc gia và là một trong 4 làng cổ đẹp nhất Việt Nam vào năm 2019. Ảnh: Internet
Làng cổ Lộc Yên hiện thuộc thôn 1, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam; làng gắn với cảnh quan vùng bán sơn địa, chỗ cao là gò, đồi, vùng trũng thấp là thung lũng với suối khe, mang đặc trưng cho vùng trung du huyện Tiên Phước (1). Không gian kiến trúc làng cổ Lộc Yên là một không gian văn hóa tiêu biểu của tỉnh Quảng Nam, trải qua nhiều thế hệ vẫn lưu giữ được những nét riêng.
1. Theo tư liệu, làng cổ Lộc Yên gắn với cuộc khai hoang, lập làng vào thế kỷ XV-XVI. Đến thời Tây Sơn (1771-1802) làng Lộc Yên mới chính thức được khai sinh, với tên gọi ban đầu là Lộc An và sau này là làng Lộc Yên (2). Người làng luôn tin rằng cái tên Lộc Yên gửi gắm mơ ước, hy vọng của tiền nhân về một nơi chốn an cư luôn an yên, no ấm. Làng hiện có tổng diện tích tự nhiên 279 ha, (trong đó đất nông nghiệp hơn 100 ha, 68 ha là vườn nhà, vườn đồi) với 191 hộ, 896 khẩu. Trong hành trình Nam tiến, các cư dân Việt từ miền Bắc vào Quảng Nam, đến Tiên Phước muộn hơn so với các huyện ở đồng bằng như Tam Kỳ, Thăng Bình, Điện Bàn... Vì thế, bằng những trải nghiệm của người đi trước cộng với tri thức của người địa phương mà khi dựng nhà, dựng làng an cư, tiền nhân đã dựa vào thế đất, thế núi (đồi núi, khe nước), khai thác nguyên vật liệu xây dựng tại chỗ, chủ yếu là thảo mộc (mây tre, gỗ) cùng với đất đá, để làm nên các kiểu thức kiến trúc, kết cấu bền vững phù hợp khí hậu của vùng trung du: mưa nhiều, nắng nóng và độ ẩm cao... Nhưng ẩn đằng sau tri thức thích ứng với thiên nhiên còn là minh triết mà tiền nhân gửi gắm: mối quan hệ thân thiện thực sự giữa con người - môi trường - thiên nhiên. Trải qua bao thăng trầm, chủ nhân của những ngôi nhà cổ nơi đây vẫn giữ được nếp sinh hoạt bình dị như bao thế hệ ông cha; toát lên cái đặc tính riêng của người Tiên Phước: giản dị, khiêm tốn, chất phác, nhưng cũng quật cường cứng rắn vô bờ như đá núi tồn tại hàng vạn năm giữa núi rừng Tiên Phước...
Hiện nay, làng Lộc Yên còn khoảng 50 ngôi nhà cổ trên 200 năm tuổi. Về cơ bản, nhà cổ nơi đây vẫn mang dáng dấp của nhà Việt truyền thống, tường đá ba gian, hai chái với mái ngói âm dương; nét độc đáo riêng biệt của nhà cổ chính là bộ khung, cột nhà phần lớn được làm bằng gỗ mít ròng, chu vi cột bằng một vòng tay người ôm. Điểm nhấn của nhà cổ còn là sự tài hoa, tinh tế của các hoa văn chạm trổ điêu luyện trên các cấu kiện gỗ, ở các đầu vì kèo, xuyên, trính, mặt trám đầu hồi... được thực hiện bởi những nghệ nhân làng mộc Văn Hà (nay thuộc xã Tam Thành, huyện Phú Ninh). Dưới bàn tay tài hoa của người thợ Vân Hà, các đầu kèo, đuôi kèo được chạm khắc hình con Giao và lá Cúc cách điệu. Phần bụng kèo là hình chim trĩ, tùng lộc, nho - sóc, cổ đồ, hoa lan, mai, quả điệp... chạm lộng dây hoa cúc cách điệu, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Hai phía đầu hồi gần nóc nhà chạm trổ hình cuốn thư, gian giữa chạm khắc hình bát quái để trừ tà, cùng với đó là bộ ấp quả với hình quả bí cầu mong cuộc sống đủ đầy, an bình.
Ngôi làng cổ Lộc Yên đẹp như tranh vẽ của xứ Quảng. Ảnh: Internet
Đặc trưng của không gian làng cổ Lộc Yên còn là việc bố trí các bờ đá, ngõ đá và cả lối đi bằng đá, với kỹ thuật xếp đá công phu và độc đáo; tạo thành bờ tường không quá cao (từ 1m đến 1,2m) theo kiểu đế lớn chóp nhỏ dần, viên lớn ở dưới, viên nhỏ ở trên gài đan xen không cần xi măng nhưng vẫn vững chãi. Cây cỏ, địa y có thể dễ dàng mọc xen vào các khe đá, bề mặt. Theo thời gian, những ngõ đá, thềm đá được bàn tay con người sắp đặt, tạo dựng, thảm thực vật phủ kín đã làm xanh hóa và mềm đi sự khô cứng của đá; tạo ra nét cổ kính trầm mặc của không gian văn hóa làng cổ và mang tính nghệ thuật cao.
Sự kết hợp hài hòa giữa nhà cổ, ngõ đá, vườn cây, hàng chè tàu, đồng ruộng cùng những lối đi quanh co tạo nên cảm nhận một không gian xanh: Chè tàu xanh, đá trăm năm lên rêu xanh, cây trái trong vườn xanh cho những ai lần đầu bước chân đến nơi đây. Giá trị của những công trình kiến trúc này càng được nâng cao bởi vẫn tồn tại trong không gian văn hóa mà chúng đã hình thành.
2. Thời gian qua, UBND huyện Tiên Phước đã xác định hướng bảo tồn và phát huy các giá trị không gian văn hóa làng Lộc Yên với các mục tiêu: i) Bảo tồn và phát triển không gian văn hóa làng cổ Lộc Yên phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, gắn với phát triển du lịch, phát triển kinh tế - xã hội xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước nhằm mục tiêu bảo tồn, phát huy hệ thống giá trị văn hóa địa phương; ii) Bảo tồn, phát huy không gian văn hóa làng cổ Lộc Yên phải nằm trong mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa xã hội và tự nhiên. Quan tâm một cách đồng bộ giữa văn hóa vật thể và phi vật thể. Không gian văn hóa làng cổ Lộc Yên phải được đặt trong tổng thể không gian văn hóa Tiên Phước nói riêng và Quảng Nam nói chung, thống nhất trong đa dạng, không để mất mát các giá trị riêng có của Lộc Yên.
Chính quyền huyện Tiên Phước đã có nhiều hoạt động bảo tồn, khai thác giá trị làng cổ Lộc Yên hiệu quả như: năm 2017, làng cổ Lộc Yên được chọn làm điểm xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2020; thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng của vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017-2025.”; Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch Làng văn hóa du lịch làng cổ Lộc Yên - Thạnh Bình giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; ban hành dự án quy hoạch và xây dựng khu du lịch sinh thái, hình thành mô hình Farmstay, du lịch trang trại nông nghiệp kết hợp lưu trú; liên kết xác lập các tour du lịch văn hóa - sinh thái liên kết: Hội An - Tam Kỳ - Tiên Phước - Bắc Trà My... Tour văn hóa sinh thái của địa phương: Lộc Yên - nhà lưu niệm cụ Huỳnh - làng cổ Hội An (Tiên Châu) - Vườn bưởi - Gà rừng Nhân Nghĩa (Tiên Hà); Tăng cường quảng bá du lịch huyện trên báo nói, báo hình, kênh facebook, Zalo, Twitter... đến các địa phương trong và ngoài nước; kiện toàn lại Ban Quản lý làng văn hóa du lịch Lộc Yên; xây dựng website Lộc Yên. Tập huấn nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch và kỹ năng làm du lịch cộng đồng cho người dân. Tuyên truyền người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển du lịch thông qua việc bảo tồn và giữ gìn, phát huy các di sản, giá trị văn hóa truyền thống ở địa phương…Đặc biệt năm 2023, trong các ngày từ ngày 24 đến 26/3, Hội làng Lộc Yên lần thứ 2 được chính quyền tổ chức, với nội dung rất mới đưa đến du khách chính là việc giới thiệu thuyết minh về hơn 100 năm danh xưng Tiên Phước, phong trào Duy Tân với những nhà duy tân kiệt xuất như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Cơ, về những chiến dịch có ý nghĩa lịch sử của Đảng bộ và nhân dân Tiên Phước trong đấu tranh chống ngoại xâm và những thành tựu trong xây dựng nông thôn mới…
Từ những mô hình hiệu quả, từ hướng đi đúng để đảm bảo sinh kế, phát triển kinh tế của cư dân địa phương, thời gian qua người dân Lộc Yên xây dựng được 20 mô hình vườn mẫu, 156/188 hộ có hàng rào, cổng ngõ, vườn nhà cải tạo theo hướng xanh sạch, đẹp, hiệu quả. Nhiều hộ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng từ mô hình Du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, du lịch lưu trú tại gia (homestay) kết hợp phát triển các sản phẩm OCOP, ẩm thực đặc trưng.
Hầu hết các căn nhà ở làng được xây dựng với địa thế lưng tựa vào núi, mặt hướng ra đồng lúa bình yên, khoáng đạt. Ảnh: Internet
Chúng tôi về Lộc Yên những ngày tháng 3/2024, nghe lịch sử kể chuyện, nghe câu ca vẫn lưu truyền: “Có duyên lấy được chồng nguồn, ngồi trên ngõ đá có buồn cũng vui”. Cảm giác mỗi người dân đã ý niệm và thấm đẫm các giá trị truyền thống để chuyển tải nó vào trong kiến trúc làng quê, nhà ở truyền thống, vào trong mỗi nếp nhà để giữ mãi một làng Lộc Yên trầm mặc, nguyên sơ, chạm tới đáy tâm hồn của những du khách muốn tìm về không gian văn hóa làng quê của người Việt bao đời. Một ngôi làng có tuổi đời hàng trăm năm, dù trong nhịp chảy xô bồ của thời gian vẫn giữ được những nét thuần chất của làng quê Việt. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu kiến trúc cổ truyền Việt ở miền trung Việt Nam, từ đó đưa ra những gợi mở nhằm gìn giữ, và phát huy không gian cổ và các kiến trúc mang đậm nét văn hóa của một vùng đất.
Chú thích:
1. Tiên Phước là vùng đất sản sinh hai nhân vật kiệt xuất của Quảng Nam, hai vị tiến sĩ của triều Nguyễn, tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng và tiến sĩ Phan Châu Trinh.
2. Cuối thế kỷ XVIII, trong danh mục làng xã chép trong sách Phủ biên tạp lục của Lê Qúy Đôn thấy xuất hiện có thôn vi tử Lộc Yên/An, thuộc huyện Duy Xuyên Tân, phủ Thăng Hoa. Đến thế kỷ XIX, trong Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn dinh Quảng Nam tập II (1814 – 1815) đã xuất hiện thôn Lộc Yên/An, xuất hiện trước khi huyện Tiên Phước thành lập.
3. http://vanhoanghethuat.vn/khong-gian-van-hoa-lang-co-loc-yen-quang-nam.htm truy cập ngày 14 tháng 02 năm 2024
Trường Sơn