Kết quả của “lấy phiếu” được thể hiện qua chữ “tín” để làm cơ sở nhìn nhận, đánh giá cán bộ; đồng thời, cũng là “bức tranh” phản chiếu trình độ, năng lực, uy tín của người được lấy phiếu; là minh chứng rõ ràng nhất của hiệu quả công tác và cao hơn thế nữa, nếu đánh giá “đúng và trúng” còn là thứ là cứ liệu “thực chứng” để củng cố niềm tin trong Đảng, cho nhân dân và là “vũ khí” để định hướng dư luận xã hội, góp phần củng cố nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các luận điệu xuyên tạc từ các thế lực thù địch.
Tuy nhiên, việc “cân, đong, đo, đếm” theo phương thức “lượng hóa” chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng. Từ việc xác định “thang đo” (được quy định tại Khoản 1, Điều 6) theo 03 mức với kiểu thang thứ bậc là “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp” cũng có không ít người phân vân: có ý kiến cho rằng hoặc chỉ dùng hai thang đo trên hai tiêu chí theo kiểu loại suy là “tín nhiệm” hoặc “không tín nhiệm”; lại có những ý kiến khác cho rằng nên dùng thang đo thứ bậc 5 mức như “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm trung bình”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm ít” và “không tín nhiệm” để tăng thêm độ chuẩn xác trong đánh giá cũng như thể hiện rõ sự “phân tầng” trong đánh giá. Tuy nhiên, nhìn nhận trên một bình diện nhất định, nếu một cá nhân được lấy phiếu tín nhiệm mà tần số “tín nhiệm thấp” ở mức cao (chiếm tỷ lệ lớn) thì cũng đủ là lời “cảnh báo” cho chính bản thân về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật cũng như mức độ thực hiện các kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Trên bình diện này nhìn nhận, “thang đo” ở 03 mức như Quy định số 96 vừa mang tính nhân văn, vừa mang tính “phân tầng” rất lớn, “định hình” được trình độ, năng lực, uy tín của người được lấy phiếu.
Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.
Đương nhiên, từ kết quả của chữ “tín” được đo chính là lời nhắc nhở về trách nhiệm cho từng chức danh bằng những “con số biết nói” mà “người ghi phiếu tín nhiệm” có thể "nhìn thấy" được, kiểm chứng được, đánh giá được. Nếu thực hiện thực sự nghiêm túc, chuẩn chỉnh, tỉ mỉ, khoa học theo tinh thần của Quy định là chúng ta đã chuyển đổi từ kiểu đánh giá một cách khái quát, chung chung, cảm tính sang cách làm cụ thể, lý tính, định lượng; từ “vô hình” sang “hữu hình”, từ “cả nể” sang thẳng thắn, chân thành,…
Rõ ràng khi chữ “tín” đã được đặt lên bàn cân và đã thể hiện bằng những con số có sức thuyết phục, thì chính nó ít nhiều phản ánh được bức tranh chung và riêng về đội ngũ cán bộ chủ chốt và từng cán bộ ở mỗi chức danh cụ thể. Việc công khai kết quả lấy phiếu cũng thể hiện tinh thần, trách nhiệm và sự “cả quyết” trong công tác nhìn nhận, đánh giá cán bộ của Đảng ta.
Tuy nhiên, chúng ta có quyền kỳ vọng nhiều hơn khi tiến hành “đo chữ tín” từ phương thức lấy phiếu (không những được “cân, đo, đong, đếm” theo những thang đo có phần còn mang tính phổ quát, mà còn phải “phân chia” hay “thao tác hóa” thành những tiêu chí “đủ nhỏ” để lượng giá) đến quy trình, nội dung và tổ chức thực hiện (mức độ tuân thủ từng nguyên tắc của Đảng; tác phong lối sống; mức độ cũng như tính hiệu quả của các chủ trương, quyết sách do chính mình đề ra và hiệu quả của nó; kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý; mức độ phối hợp, điều hành trong công việc, xử lý công việc; trách nhiệm xã hội đối với lĩnh vực mà mình đảm nhận, mức độ hoàn thành nhiệm vụ trên cương vị cũng như sự ảnh hưởng cá nhân và hàng loạt các tiêu chí khác có thể thao tác hóa từ chữ “tín nhiệm”) và cả việc công khai kết quả, sử dụng kết quả để rút kinh nghiệm, thậm chí đưa ra lời cảnh báo. Đương nhiên, lúc đó việc đánh giá càng xác thực hơn, khách quan hơn, khoa học hơn và tất nhiên là thực chất hơn.
Nếu được vậy, chữ “tín” sẽ được xác tín hơn, được đánh giá cụ thể hơn, toàn diện hơn, khoa học hơn. Và như thế, chắc chắn rằng quyền giám sát của Nhân dân sẽ được nâng cao cả về chất lẫn lượng. Người dân sẽ thấy rõ hơn được vai trò, địa vị của mình trong vai trò là người làm chủ của đất nước. Đồng thời chính mỗi thành viên, cá nhân được lấy phiếu cũng có cơ hội để nhìn lại mình, đánh giá nghiêm túc các mặt, các khía cạnh, các công việc mà chính bản thân mình đã (hoặc chưa) hoàn thiện. Từ đó dần từng bước hoàn thiện mình, thực hiện tốt vai trò nhiệm vụ được nhân dân giao phó. Góp phần tích cực hơn trong các nỗ lực đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Phạm Đi