Yêu cầu thực tiễn và những tiền đề cho sự ra đời của Luật Biển Việt Nam 2012
“Việt Nam là quốc gia ven biển, đứng thứ 27/156 quốc gia có biển trên thế giới. Thứ hạng ấy được xác định bởi chiều dài bờ biển (hơn 3.260km) và diện tích mặt biển (hơn 1 triệu km2)”[1]. Biển có vai trò vô cùng quan trọng về chiến lược, phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng - an ninh, gắn với lịch sử, văn hóa dân tộc và là một bộ phận không thể tách rời của đất nước Việt Nam thống nhất. Tuy nhiên, chúng ta chưa có một bộ luật tổng quát điều chỉnh các vấn đề quan trọng về biển mà chỉ có một số văn bản đề cập đến các nội dung cụ thể có liên quan. Trong khi các nước ven biển khác đều có các luật về biển, vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Biển Việt Nam là một yêu cầu tất yếu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Luật Biển Việt Nam gồm 7 chương và 55 điều, được xây dựng trên cơ sở Hiến pháp năm 1992 của Việt Nam, Nghị quyết của Quốc hội về phê chuẩn Công ước Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về các vùng biển của Việt Nam của Chính phủ Việt Nam ngày 12/5/1977, Tuyên bố về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam của Chính phủ Việt Nam ngày 12/11/1982; các quy định liên quan về biển và thực tiễn quản lý biển cũng như các yêu cầu về phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng - an ninh của nước ta.
Căn cứ quan trọng để xây dựng Luật Biển Việt Nam là Công ước Luật Biển 1982 và các Hiệp định phân định biển mà Việt Nam đã ký với một số nước láng giềng (Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia...); đồng thời, tham khảo thực tiễn của các nước trong việc ban hành các văn bản pháp luật về biển.
Giá trị trong việc khẳng định và bảo vệ các vùng biển, đảo của Tổ quốc
Một là, ngay tại Điều 1, Luật Biển Việt Nam nêu rõ: “Luật này quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam”. Quy định này của Luật Biển Việt Nam là sự tiếp nối các quy định đã có trong các Tuyên bố năm 1977, 1982 của Chính phủ, Điều 1 Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 và Luật Biên giới quốc gia năm 2003. Quy định này nhằm nhấn mạnh hơn nữa sự gắn bó không thể tách rời của bộ phận lãnh thổ đảo với chỉnh thể lãnh thổ đất nước thống nhất, khẳng định chủ quyền đầy đủ, toàn vẹn của Nhà nước ta đối với các đảo, quần đảo, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hai là, về quy chế pháp lý của các vùng biển Việt Nam, Luật Biển Việt Nam quy định cụ thể về phạm vi và chế độ pháp lý của nội thuỷ (Điều 9, Điều 10); phạm vi và chế độ pháp lý của lãnh hải (Điều 11, Điều 12); phạm vi và chế độ pháp lý của vùng tiếp giáp lãnh hải (Điều 13, Điều 14); phạm vi và chế độ pháp lý vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (Điều 15, Điều 16, Điều 17 và Điều 18). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan chức năng cũng như các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam tiến hành các hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển theo đúng quy định của luật pháp Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Ba là, về nguyên tắc, chính sách quản lý và bảo vệ biển, Luật Biển 2012 đã quy định phân cấp, phân quyền rõ ràng về nhiệm vụ quản lý, kiểm soát, bảo vệ biển đối với các chủ thể có liên quan rất linh hoạt và thống nhất bởi hiện nay, “Với sự gia tăng các hoạt động sử dụng biển, việc quy định cụ thể, chi tiết hơn về quyền, nghĩa vụ của thể nhân, pháp nhân sử dụng biển; xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý các hoạt động sử dụng biển là cần thiết, tạo cơ chế rõ ràng khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển, phát triển kinh tế biển...”.
Cùng với đó, Luật Biển Việt Nam đã quy định rõ trách nhiệm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo là của các cơ quan, tổ chức và mọi công dân Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận thức đúng đắn, đầy đủ trách nhiệm của mình, từ đó hành động một cách thiết thực, cụ thể nhằm góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Ngoài ra, Luật Biển Việt Nam nhấn mạnh nguyên tắc: “Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và thực hiện các biện pháp cần thiết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, phát triển kinh tế biển”.
Như vậy, Luật Biển Việt Nam 2012 chính là một trong những cơ sở pháp lý để các cấp, các ngành có liên quan xây dựng, triển khai các biện pháp bảo vệ biển, đảo Tổ quốc trên cơ sở quy tụ sự chung tay góp sức của các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc kết hợp sức mạnh thời đại, dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng vào hoạt động đấu tranh bảo vệ biển, đảocủa Tổ quốc.
Bốn là, Luật Biển Việt Nam 2012 dành một chương riêng (Chương IV) về phát triển kinh tế biển với những nguyên tắc và định hướng phát triển cụ thể, “gắn với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn trên biển”.
Như vậy, Luật Biển Việt Nam 2012 đã góp phần cụ thể hóa chủ trương của Đảng về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 “phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo” bằng những quy định pháp lý cụ thể, là tiền đề quan trọng tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động phát triển kinh tế biển trên mọi lĩnh vực. Qua đó, kinh tế biển được phát triển một cách toàn diện, bảo đảm tính bền vững, đồng thời đóng vai trò là nguồn lực quan trọng nhằm góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ mà trước hết là chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Năm là, liên quan đến chủ trương giải quyết tranh chấp biển, đảo, Luật Biển Việt Nam (Điều 4.3) nêu rõ: “Nhà nước giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế”[2]. Qua đó, một lần nữa khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc kiên trì giải quyết các bất đồng, tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), pháp luật và thực tiễn quốc tế và đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Việc cụ thể hóa nguyên tắc giải quyết các tranh chấp liên quan đến, biển, đảo bằng văn bản luật là căn cứ quan trọng để các tổ chức, cá nhân, các lực lượng chức năng tiến hành các hoạt động bảo vệ chủ quyền biển, đảo bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp Việt Nam và quy định của luật pháp quốc tế, góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, an ninh ổn định trên biển để phát triển đất nước.
Lê Thủ