Tăng trưởng xanh là gì?
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD, tăng trưởng xanh là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời bảo đảm rằng cung cấp lâu dài và ổn định các tài nguyên và dịch vụ môi trường thiết yếu cho cuộc sống hiện tại và tương lai. Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho rằng, tăng trưởng xanh cần bảo đảm tài nguyên được sử dụng hiệu quả, ô nhiễm và các tác động môi trường được tối thiểu hóa.
Việt Nam xác định rằng tăng trưởng xanh cần dựa trên sự thay đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế hướng đến nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; khai thác lợi thế so sánh bằng cách nghiên cứu và áp dụng công nghệ mới, khai thác hiệu quả tài nguyên, xây dựng hệ thống hạ tầng hiện đại nhằm giảm phát thải khí nhà kính, xóa đói giảm nghèo, ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển kinh tế một cách bền vững.
Nhìn chung, có nhiều định nghĩa khác nhau về tăng trưởng xanh nhưng tất cả đều hướng đến sự tăng trưởng mà trong đó các nguồn tài nguyên và năng lượng được sử dụng hiệu quả, giảm thiểu biến đổi khí hậu, và đạt được sự nhịp nhàng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Vì sao cần phải tăng trưởng xanh?
Thứ nhất, tăng trưởng xanh phù hợp với các tiêu chí đánh giá phát triển bền vững, thể hiện ở 17 mục tiêu thiên niên kỷ được Liên hợp quốc thông qua năm 2015 với sự đồng thuận với gần 200 quốc gia trên thế giới.
17 Mục tiêu Phát triển bền vững của thế giới cho giai đoạn 2015-2030. Nguồn: http://vbcsd.vn/detail.asp?id=656.
Thứ hai, phương thức sản xuất, kinh doanh, tương tác đang được thay đổi cơ bản theo hướng hiệu quả, thông minh và bảo đảm cho môi trường dựa trên thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thứ ba, tăng trưởng xanh giúp các quốc gia tham gia vào toàn cầu hóa một cách thuận lợi hơn; các cam kết quốc tế vừa là ràng buộc vừa là cơ hội phát triển cho sản phẩm và dịch vụ xanh.
Thứ tư, biến đổi khí hậu vẫn đang diễn ra cộng với sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 làm các quốc gia thay đổi tư duy về phát triển. Thay vì chỉ đề cao mục tiêu kinh tế, các quốc gia hướng đến ưu tiên phục hồi và tăng trưởng xanh.
Thứ năm, Việt Nam dường như đã chựng lại sau một thời gian dài tăng trưởng cao mà chưa chú trọng đến cải thiện môi trường. Đây cũng là minh chứng cho thấy sự cần thiết phải đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cần chú trọng hơn tính bền vững trong phát triển.
Thứ sáu, Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại hội nghị COP26. Sự cam kết mạnh mẽ này thúc đẩy Việt Nam nỗ lực hơn nữa trong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh.
Những thuận lợi và khó khăn của Việt Nam
Năm 2012, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 -2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Qua mười năm thực hiện, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 tiếp tục được triển khai nhằm tiếp nối đường lối phát triển bền vững đất nước. Định hướng chung của các chiến lược này là: tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng; cơ cấu lại nền kinh tế; sử dụng hiệu quả tài nguyên; khai thác năng lượng sạch thông qua các tiến bộ khoa học-công nghệ, thực hiện chuyển đổi số, xây dựng lối sống xanh, bảo đảm quá trình chuyển đổi xanh trong phạm vi toàn bộ nền kinh tế.
Với những thành tựu đạt được sau gần 10 năm thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, cho thấy Việt Nam có những thuận lợi cơ bản,đó là: (i) Việt Nam đã có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho tăng trưởng xanh. Chính phủ đã xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng xanh đồng bộ ở các bộ,ngành và địa phương và thực tế đã triển khai thực hiện. (ii) Nhận thức về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững từ Trung ương cho đến địa phương và các doanh nghiệp đã được nâng cao. (iii) Việc triển khai các giải pháp tăng trưởng xanh, đặc biệt là chuyển đổi số toàn bộ nền kinh tế cũng như hạn chế phát thải nhà kính đã được thực hiện một cách đồng bộ và rộng khắp. Những nỗ lực của Việt Nam trong tăng trưởng gắn với cải thiện môi trường được nhiều quốc gia trên thế giới công nhận và hỗ trợ.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam cũng gặp phải những khó khăn nhất định trong tiến trình thực hiện tăng trưởng xanh: (i) Mặc dù rất được quan tâm nhưng các chủ thể kinh tế vẫn chưa đưa vào thực hiện các biện pháp tăng trưởng xanh do sự đánh đổi quá lớn giữa lợi ích và chi phí. (ii) Hệ thống các văn bản pháp luật tạo môi trường tăng trưởng xanh dù đã có nhưng chưa thực sự đầy đủ và đồng bộ. Hơn nữa, nhiều kế hoạch phát triển địa phương chưa bảo đảm tính bền vững trong kinhh tế và xã hội, chưa lường hết các tác động môi trường nên đã để lại các hậu quả to lớn. (iii) Trình độ khoa học - công nghệ của Việt Nam chưa đủ mạnh, năng suất lao động thấp, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao, nguồn năng lượng tái tạo chưa được khai thác tốt. (iv) Việc khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên chưa hiệu quả trong quá khứ đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và các nguồn lực tự nhiên trong hiện tại. (v) Các chiến lược phát triển bền vững; chiến lược quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu; chiến lược tăng trưởng xanh; phát triển kinh tế tuần hoàn, thực hiện chuyển đổi số vẫn chưa đồng bộ và còn chồng chéo; dẫn đến các mục tiêu trùng lắp hoặc rời rạc trong khi các chiến lược này hoàn toàn có thể phối hợp để định hình một đất nước phát triển bền vững trong tương lai. (vi) Ngân sách nhà nước không những không đủ đáp ứng yêu cầu nguồn tài chính cho tăng trưởng xanh,mà còn bị phân tán cho nhiều mục tiêu khác nhau nên phần ngân sách dành cho tăng trưởng xanh khá hạn chế; trong khi các nguồn lực khác thì chưa được huy động đúng mức.
Việt Nam đang nỗ lực tăng trưởng xanh
Một số giải pháp
Thứ nhất, cần hoàn thiện hơn nữa thể chế về tăng trưởng xanh. Các văn bản pháp luật tạo hành lang pháp lý cũng như khung chính sách về tăng trưởng xanh cần được rà soát và hoàn thiện. Bộ chỉ tiêu đo lường năng lực cũng như đánh giá mức tăng trưởng xanh cũng là một yêu cầu cấp thiết. Hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội quốc gia cũng nên thiết kế lại cho phù hợp với tiêu chí xanh hóa nền kinh tế. Lộ trình thực hiện nền kinh tế xanh ở Việt Nam từ nay đến năm 2050 cũng cần được công bố sớm và công khai để các chủ thể trong nền kinh tế theo đó xác định chiến lược phù hợp cho riêng mình.
Thứ hai, nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh. Việc nâng cao nhận thức và thúc đẩy các hành động về tăng trưởng xanh cần được thực hiện trước hết là đối với các cấp lãnh đạo bộ, ngành, địa phương. Từ nhận thức sẽ đi đến rà soát quy hoạch; kết hợp và lồng ghép chỉ tiêu kinh tế - xã hội với các chỉ tiêu xanh và phân công chỉ đạo thực hiện một cách triệt để. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về thực hiện kinh tế xanh cũng cần xúc tiến dưới nhiều hình thức khác nhau để có thể lan tỏa thông điệp xanh đến mọi tầng lớp dân cư.
Thứ ba, áp dụng các giải pháp cho tăng trưởng xanh từ phía doanh nghiệp. Xây dựng chuỗi cung ứng xanh: thu mua xanh, sản xuất xanh, phân phối xanh, tiêu dùng xanh; tập huấn doanh nghiệp về các nội dung của tăng trưởng xanh; tuyên dương những doanh nghiệp bền vững; quan tâm đến trường dịch vụ tư vấn và cung ứng giải pháp xanh cho doanh nghiệp; chia sẻ kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp trong nước và học tập kinh nghiệm nước ngoài. Bên cạnh đó, thực hiện kết hợp giữa chính quyền -doanh nghiệp - người dân để tạo thế “kiềng ba chân” vững chắc trong thực hiện tăng trưởng xanh.
Thứ tư, thực hiện các giải pháp về giáo dục đào tạo. Cần thiết phải lồng ghép các vấn đề về môi trường trong giáo dục và đào tạo ở nhiều cấp bậc đào tạo khác nhau, kể cả đào tạo nghề và các đơn vị đào tạo phải có sự phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để xây dựng văn hóa xanh trong trường học.
Thứ năm, công nghệ thông tin thực sự cần thiết để thực hiện tăng trưởng xanh. Chính phủ cần áp dụng các giải pháp thông minh ở cấp vĩ mô để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh như: đại học thông minh, giao thông thông minh, căn hộ thông minh, lưới điện thông minh,… Trong khi đó, doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ theo hướng xanh hóa toàn quy trình sản xuất cũng như phân phối sản phẩm dịch vụ, và thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội về môi trường.
Thứ năm, trực tiếp cải thiện môi trường. Tăng diện tích đất được phủ xanh; hạn chế chuyển đất rừng sang các mục đích khác; củng cố hoạt động kiểm lâm; sử dụng các chất liệu an toàn cho môi trường; khai thác năng lượng sạch; triển khai triệt để nguyên tắc 3R (reduce, reuse, and recycle); thực hiện các hoạt động cộng đồng vì môi trường một cách thường xuyên và liên tục chứ không chỉ mang tính phong trào.
Thứ sáu, đẩy mạnh việc tạo nguồn lực cho tăng trưởng xanh. Chú trọng kêu gọi các nguồn lực xã hội, đặc biệt là nguồn lực từ tư nhân cho tăng trưởng xanh; quan tâm tạo điều kiện cho ngân hàng xanh, tín dụng xanh để khai thông các nguồn vốn xanh đến doanh nghiệp có nhu cầu. Nhà nước nên ưu tiên đầu tư cho các dự án đem lại lợi ích kinh tế cao những vẫn bảo đảm các tính chất xanh cho môi trường.
Trần Anh