Có phù hợp và bảo đảm khách quan?
Hiện nay, việc khen thưởng đại biểu dân cử được quy định chung tại Luật Thi đua, khen thưởng (hiện hành) và các luật về tổ chức cơ quan dân cử và các văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, các quy định pháp luật vẫn còn có một số bất cập, gây ảnh hưởng đến công tác khen thưởng của đại biểu dân cử.
Trước hết, pháp luật chưa bao quát việc khen thưởng tới các nhóm đại biểu dân cử. Theo đó, nhóm đại biểu dân cử không giữ chức danh, không xác định vị trí việc làm tại các cơ quan trong hệ thống chính trị Việt Nam (thường là nhóm đại biểu dân cử của các doanh nghiệp hoặc các hiệp hội nghề nghiệp) đang nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của các quy định pháp luật về khen thưởng vì không xác định được cơ quan có thẩm quyền trình và khen thưởng.
Quy trình khen thưởng luôn gắn với cơ quan có thẩm quyền quản lý đại biểu dân cử để xác định tiến trình và chủ thể có quyền khen thưởng. Theo Luật Thi đua, khen thưởng, các danh hiệu thi đua và Bằng khen cấp Bộ, UBND cấp tỉnh là căn cứ để xét khen thưởng những hình thức cao hơn (Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động…). Tuy nhiên, đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương công tác tại các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội không thực hiện khen thưởng (Bằng khen cấp Bộ). Đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương,theo quy định tại Nghị quyết 1004/2020/NQ-UBTVQH14 của UBTVQH quy định về việc thành lập, chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND không quy định về thẩm quyền trình khen thưởng bằng khen cấp tỉnh của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách ở địa phương. Do đó, hiện nay việc xây dựng quy trình khen thưởng chưa cụ thể.
Đối với đại biểu HĐND, Nghị quyết số 1206/2016/NQ-UBTVQH13 có quy định đại biểu HĐND thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được xem xét khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng. Tuy nhiên, Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn vẫn chỉ giới hạn đối tượng khen thưởng là đại biểu HĐND chuyên trách, cơ quan có thẩm quyền khen thưởng hoặc trình khen thưởng là Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Các hình thức khen thưởng cao hơn thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc đề nghị.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là Chính phủ/UBND là cơ quan chấp hành của Quốc hội/HĐND, Thủ tướng Chính phủ/Chủ tịch UBND là chức danh do Quốc hội, HĐND bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thì việc Chủ tịch UBND cấp tỉnh khen thưởng các đại biểu HĐND chuyên trách có phù hợp và bảo đảm khách quan khi đối tượng được khen thưởng là người bầu ra chủ thể có thẩm quyền khen thưởng. Những vướng mắc xuất phát từ mối quan hệ giữa hai hệ thống cơ quan dân cử và cơ quan hành chính có thẩm quyền quản lý đã gây khó khăn trong quá trình thực hiện và tâm tư cho chính các đại biểu, cơ quan dân cử.
Thực tế trên đặt ra yêu cầu cần thiết lập một cơ chế khen thưởng đối với tất cả đại biểu dân cử, lấy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ dân cử làm tiêu chí đánh giá khen thưởng. Đây đồng thời là giải pháp cho những vướng mắc, bất cập để giải quyết mối quan hệ giữa cơ quan quyền lực và cơ quan hành chính khi xác định cơ quan có thẩm quyền và quy trình khen thưởng.
Bảo đảm nguyên tắc hoạt động theo chế độ hội nghị
Đại biểu dân cử do Nhân dân trực tiếp bầu để thực hiện quyền lực nhà nước trong các cơ quan dân cử. Khi công tác khen thưởng đại biểu dân cử đặt dưới sự thống nhất quản lý của cơ quan hành chính, cơ quan chấp hành của cơ quan dân cử sẽ khó bảo đảm tính khách quan. Do vậy, cần thiết xây dựng pháp luật khen thưởng độc lập trong chính hệ thống cơ quan dân cử. Để thực hiện được điều này, cần xác định trong mối quan hệ giữa các cơ quan dân cử.
Đại biểu Quốc hội khoá XV thảo luận tại Hội trường. Ảnh: Internet.
Hiện nay, tính hệ thống giữa các cơ quan dân cử còn nhiều ý kiến khác nhau khi phân định mối quan hệ cấp trên - cấp dưới. Tuy nhiên, bảo đảm tính thống nhất giữa các cơ quan khi có chức năng, nhiệm vụ tương đồng thì Luật Tổ chức Quốc hội (hiện hành), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (hiện hành) đã gián tiếp quy định về mối quan hệ trên - dưới của hệ thống các cơ quan dân cử.
Trên phương diện tổ chức, mối quan hệ thông qua thẩm quyền của cơ quan dân cử cấp trên đối với các vấn đề liên quan đến nhân sự chủ chốt của cơ quan dân cử cấp dưới. Trên phương diện hoạt động là quy định về thẩm quyền của UBTVQH đối với hoạt động của Đoàn ĐBQH, ĐBQH và hoạt động của HĐND các cấp. Đây là cơ sở để thiết lập thẩm quyền của UBTVQH với các cơ quan dân cử ở địa phương trong công tác hướng dẫn tổ chức hoạt động nói chung và công tác khen thưởng đại biểu dân cử nói riêng. Điều này bảo đảm tính phù hợp với các quy định hiện có về chức năng, nhiệm vụ của UBTVQH tại khoản 2, Điều 41 Luật Tổ chức Quốc hội (hiện hành) về phụ cấp và các chế độ khác của ĐBQH và khoản 6 Điều 103 Luật Tổ chức chính quyền địa phương (hiện hành).
Trên cơ sở thống nhất với quan điểm cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn về công tác khen thưởng đại biểu dân cử là UBTVQH và mối quan hệ cấp trên - cấp dưới trong hệ thống cơ quan dân cử để xác định chủ thể có thẩm quyền khen thưởng là UBTVQH/Thường trực HĐND. Điều này bảo đảm với nguyên tắc hoạt động theo chế độ hội nghị, quyết định theo đa số của các cơ quan dân cử. Khi đó, UBTVQH có thẩm quyền khen thưởng đại biểu Quốc hội. Thường trực HĐND có thẩm quyền khen thưởng đại biểu HĐND cùng cấp.
Trong quá trình đánh giá hiệu quả hoạt động của đại biểu dân cử, cần có sự đồng hành của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên để thường xuyên theo dõi, giám sát hoạt động của đại biểu dân cử. Quy định tại Điều 45, Nghị quyết số 310-NQ/UBTVQH ngày 25/6/1996 của UBTVQH quy định về vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể Nhân dân trong việc giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của đại biểu HĐND, đề nghị khen thưởng những đại biểu có thành tích xuất sắc là một gợi ý để bảo đảm quyền của Nhân dân trong quy trình khen thưởng đại biểu dân cử do mình bầu ra.
Hoàng Thị Lan