Phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc triển khai Kết luận và Quy định của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh vị trí, vai trò của tự phê bình và phê bình và coi đó là khâu mấu chốt nhất nhưng thực hiện cũng nhiều khó khăn nhất. Để thực hiện tự phê bình và phê bình có hiệu quả, cấp uỷ các cấp cần chuẩn bị thật chu đáo, chỉ đạo tỉ mỉ, chặt chẽ; tiến hành nghiêm túc, thận trọng, làm đến đâu chắc đến đó, đạt kết quả cụ thể, thực chất; hết sức tránh làm lướt, qua loa, hình thức, chiếu lệ.
Thực ra, tự phê bình và phê bình không phải là biện pháp mới vì nó là vấn đề mang tính quy luật, là nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, được thực hiện thường xuyên từ trước đến nay. Vấn đề là làm thế nào để huy động được đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng tham gia phê bình đảng viên, cán bộ cấp trên một cách thực chất, không hình thức và từng cán bộ, đảng viên qua tự phê bình và phê bình nhận ra sai lầm, khuyết điểm của mình để khắc phục sửa chữa làm cho mình tốt hơn, tổ chức đảng nơi mình sinh hoạt ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn.
Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ảnh: Internet.
Tự phê bình là từng cán bộ, đảng viên tự rà soát lại bản thân với tinh thần tự giác, trung thực, nghiêm khắc, từ đó chỉ ra những thiếu sót, khuyết điểm của mình trước tập thể để quyết tâm sửa chữa. Đa số cán bộ, đảng viên vẫn tự phê bình thường xuyên, nhờ đó có đầy đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, được cấp dưới và quần chúng tín nhiệm. Với những cán bộ tốt, đây sẽ là dịp phát huy hiệu quả của tự phê bình hơn nữa. Nhưng đáng ngại là sẽ có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức quyền không tự nhận ra khuyết điểm của mình. Nguyên nhân là do một số ít người do trình độ nhận thức hạn chế nên không tự nhìn thấy khuyết điểm của mình. Một số khác, chiếm đa số, biết được sai lầm, khuyết điểm của bản thân nhưng vì sa vào chủ nghĩa cá nhân nên cố tình tìm mọi cách bao biện, giấu giếm. Những trường hợp này, dù kêu gọi tự giác, trung thực, khách quan đến đâu thì tự phê bình cũng sẽ không phát huy tác dụng, có chăng chỉ là những khuyết điểm chung chung, vô thưởng, vô phạt mà thôi.
Trong phê bình, tình trạng nể nang, xuê xoa, biến phê bình thành ca tụng lẫn nhau là khá phổ biến, thậm chí có nơi còn lợi dụng để “đấu đá”, hạ bệ nhau. Nguyên nhân cơ bản là do dân chủ chưa được phát huy, nhưng mấu chốt là hiện nay đa số đảng viên, cán bộ chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh về cơm áo, gạo, tiền; tâm lý lo ngại “đấu tranh, tránh đâu”, bị trù dập, quy tội gây mất đoàn kết nội bộ. Mặc dù hiện tượng đó là đáng phê phán nhưng khi quy chế, quy định về tự phê bình và phê bình chưa đồng bộ, rõ ràng, cấp trên không gương mẫu thì tâm lý ngại đấu tranh không thể dùng khẩu hiệu hô hào mà có thể thay đổi được. Trong khi đó, không ít trường hợp những người gần gũi, hiểu rõ cấp trên nhất lại là ê kíp, cánh hẩu, thậm chí là anh em, họ hàng, thân thích, chịu ơn cấp trên thì phê bình càng khó có hiệu quả. Đây là trở ngại, khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện tự phê bình và phê bình, cần được nhìn nhận một cách sâu sắc trước khi triển khai rộng rãi.
Để tự phê bình và phê bình thực sự có hiệu quả, thiết nghĩ nên đổi mới cách làm theo phương châm: tự phê bình từ trên xuống, phê bình từ dưới lên, phê bình trước, tự phê bình sau, làm điểm trước đại trà sau. Cụ thể như sau:
Trên thực tế, cấp dưới thường nghe ngóng xem cấp trên làm thế nào để làm theo, do đó cấp trên cần tự phê bình trước, nghiêm túc để làm gương cho cấp dưới. Mặt khác, cấp trên có trọng trách nhiệm vụ lớn hơn thì sẽ có nhiều vấn đề để kiểm điểm hơn, quy mô, tính chất, mức độ ảnh hưởng lớn hơn. Vì vậy, cấp trên tự phê bình, kiểm điểm, khắc phục khuyết điểm sớm sẽ mang lại hiệu quả tốt cho tổ chức, cho xã hội, cho đất nước.
Trước hết, cần chọn một số địa phương, bộ, ngành có dư luận không tốt về người đứng đầu, về đoàn kết nội bộ… để làm điểm, có sự tham gia của đại diện cơ quan cấp trên, làm xong rút kinh nghiệm rồi mới triển khai đại trà. Tránh làm theo phong trào rầm rộ, hình thức không có gì khác với phê bình, kiểm điểm hàng năm mới mang lại kết quả thiết thực.
Phê bình từ dưới lên theo hình thức góp ý ẩn danh. Cấp ủy xây dựng phiếu góp ý bằng các câu hỏi cụ thể về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực, phương pháp, tác phong công tác của cán bộ, đảng viên. Chẳng hạn, đảng viên có biểu hiện thiếu tin tưởng về mục tiêu, lý tưởng của Đảng không; có nhiều tài sản bất minh không; có biểu hiện chạy chức, chạy quyền không; có gia trưởng, thiếu dân chủ không… Phiếu góp ý không cần ghi tên người đóng góp để khắc phục tâm lý lo ngại bị trù dập, trả thù. Khoanh vùng đối tượng để phát phiếu xin ý kiến, trước khi xin ý kiến cần quán triệt rõ mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của việc xin ý kiến để người góp ý có thái độ khách quan, công tâm, xây dựng. Không tổ chức lấy ý kiến tập trung mà tạo điều kiện thuận lợi cho người góp ý được bày tỏ ý kiến của mình một cách riêng tư nhất.
Trên cơ sở tổng hợp kết quả góp ý, cơ quan có thẩm quyền tổng hợp lựa chọn những vấn đề cần thông báo cho cá nhân. Từ kết quả đó, cá nhân tự kiểm điểm xem vấn đề nào đúng, những vấn đề chưa đúng đề nghị tổ chức xác minh làm rõ. Những khuyết điểm không nghiêm trọng, ít người phản ánh mà đảng viên chưa thừa nhận thì sử dụng làm nội dung giám sát thường xuyên. Những khuyết điểm có tỷ lệ người góp ý cao, cá nhân thừa nhận thì tổ chức hội nghị chi bộ có sự tham dự của đại biểu cấp trên để tiến hành kiểm điểm công khai trước tập thể. Những vấn đề có nhiều người góp ý nhưng cá nhân không thừa nhận thì tổ chức kiểm tra xác minh, kết luận rõ đúng sai để bảo vệ danh dự, uy tín của cán bộ.
Lấy ý kiến trực tiếp, khách quan của đảng viên, quần chúng cấp dưới phê bình cấp trên là thực hiện quan điểm dựa vào dân để xây dựng Đảng. Có người lo ngại, tiến hành tự phê bình và phê bình như vậy sẽ bị kẻ xấu lợi dụng. Chúng ta cần thống nhất rằng, đại đa số cán bộ, đảng viên và quần chúng của ta là tốt, việc lấy ý kiến được tiến hành chặt chẽ có tổ chức, nếu có kẻ xấu lợi dụng để bôi nhọ cá nhân thì họ không thể chiếm đa số. Mặt khác, “cây ngay không sợ chết đứng”, những khuyết điểm không có thật, sớm muộn cũng được làm sáng tỏ. Quá trình lấy ý kiến hoặc điều tra xác minh sẽ vất vả, tốn kém hơn nhưng vì sự sống còn của Đảng và uy tín của từng cán bộ lãnh đạo, quản lý đối với nhân dân thì dù tốn kém, vất vả đến mấy cũng rất nên làm.
Ngọc Vĩnh