Trong quá trình phát triển, nhiều quốc gia trên thế giới ngày càng quan tâm hơn đến phát triển bền vững và coi đó là mục tiêu cao nhất của phát triển. Ở Việt Nam, trong Chiến lược Phát triển bền vững giai đoạn 2011 - 2020, Chính phủ đã khẳng định, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước, trong đó nhấn mạnh quan điểm: Con người là trung tâm của phát triển bền vững. Phát huy tối đa nhân tố con người với vai trò là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của phát triển bền vững; đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân; xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và chủ động hội nhập quốc tế để phát triển bền vững đất nước. Mục tiêu này có thực hiện được hay không suy cho cùng phụ thuộc trực tiếp vào nguồn lực con người Việt Nam, trong đó nguồn nhân lực nữ giữ vai trò đặc biệt quan trọng.
Những năm qua, nguồn nhân lực nữ của Việt Nam không ngừng phát triển, trở thành một lực lượng trí tuệ đầy tiềm năng, là một lực lượng lao động “then chốt” trong nguồn nhân lực của cả nước. Chất lượng của nguồn nhân lực này thể hiện qua vai trò lànhững người vợ, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người; thể hiện qua trí tuệ, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật, kinh nghiệm, kỹ năng lao động; thể hiện qua sự đóng góp lao động trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Các cá nhân, tập thể được trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2020. Ảnh: Internet.
Trong lĩnh vực chính trị, nguồn nhân lực nữ đã và đang tham gia ngày càng nhiều hơn vào hệ thống chính trị các cấp, đóng góp tích cực vào việc tham mưu, hoạch định và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước; thực hiện có chất lượng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, dân chủ cơ sở; tham gia giám sát và phản biện xã hội…
Trong lĩnh vực kinh tế, nguồn nhân lực nữlà lực lượng lao động đông đảo cùng với nam giới đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cao, góp phần nâng cao trình độ khoa học và công nghệ của đất nước, thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế toàn cầu.
Trong lĩnh vực gia đình, văn hoá, xã hội, nguồn nhân lực nữ là những người có vai trò trực tiếp và quan trọng trong xây dựng con người mới, thúc đẩy tiến bộ xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; sáng tạo những công trình khoa học, văn hóa, nghệ thuật có giá trị; giữ gìn và phát huy bản sắc truyền thống văn hoá của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới.
Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nguồn nhân lực nữ ngày càng tham gia tích cực trong bảo vệ và phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên đất nước.
Diễn đàn “Định vị Doanh nhân nữ trong chuỗi cung ứng toàn cầu” do Hội đồng Doanh nhân Nữ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam tổ chức, 10-2019. Ảnh: Internet.
Thực tiễn chứng minh, nhiều lao động nữ đã đạt được những giải thưởng cao quý trong nước và quốc tế, vinh dự được Ðảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu: Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới... Nhiều lao động nữ cũng đã trở thành các nữ doanh nhân giỏi, năng động, tài ba; nhiều người đã đạt dược học hàm, học vị cao (Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Tiến sĩ khoa học…); đã và đang tham gia nhiều chức vụ quan trọng: (Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng, Thứ trưởng và tương đương, tướng lĩnh trong quân đội và công an…).
Trong bối cảnh mới, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo định hướng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề ra, cần phải thực hiện một số giải pháp mang tính toàn diện và khả thi, như: (i) Khắc phục những rào cản về định kiến giới nhằm tăng cường, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, các cấp lãnh đạo, quản lý, nam giới và các thành viên trong gia đình về vai trò, vị thế của nguồn nhân lực nữ trong phát triển bền vững hiện nay. (ii) Khắc phục những rào cản trong luật pháp chính sách có tính chất “ưu tiên” về tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nguồn nhân lực nữ…; (iii) Khắc phục những hạn chế của chính bản thân phụ nữ về sự an phận, tự ti, thiếu quyết tâm vượt lên chính mình; (iv) Xây dựng hệ giá trị văn hoá và gia đình Việt Nam; chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em, thực hiện tốt chương trình dân số và phát triển, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh.
Như vậy, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ là một trong những nội dung hết sức quan trọng, góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - vấn đề “then chốt” ở Việt Nam, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và hướng đến thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu đến “đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Nguyễn Thị Tuyết