Xử lý thông tin trên mạng xã hội
Trong quá trình tham gia mạng xã hội, nhiều người đã xử lý rất tốt các thông tin để phục vụ cho mục đích cá nhân và tập thể, đáp ứng các nhu cầu giải trí, học hỏi, giao lưu kết nối, góp phần tạo ra môi trường mạng xã hội lành mạnh, thiết thực và bổ ích. Tuy nhiên, với khối lượng thông tin đồ sộ và nhanh chóng được cập nhật từng giờ, từng phút mà internet và mạng xã hội mang lại, trong đó có không ít thông tin giả, thông tin sai sự thật cùng những chiêu trò tung hỏa mù nguy hiểm, tác động không nhỏ đến tâm lý, tư tưởng và niềm tin của mỗi người khi tham gia mạng xã hội; tiềm ẩn nguy cơ không nhỏ đối với sự ổn định về mặt tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của xã hội. Mặt khác, các thế lực thù địch luôn không ngừng chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta bằng những âm mưu thủ đoạn thâm độc, tinh vi, xảo quyệt, trong đó, việc tận dụng phát tán thông tin xấu độc trên mạng xã hội ngày càng phổ biến, là hình thức cơ bản trong thủ đoạn của bọn phản động, cơ hội chính trị.
Có thể dễ dàng nhận thấy những thông tin xấu độc tập trung vào các vấn đề như: Xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; bôi nhọ lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xuyên tạc công tác phòng, chống dịch Covid-19... Theo thống kê, đã có hàng nghìn hội nhóm phản động mới xuất hiện trên mạng xã hội, đáng chú ý là: “Việt Tân”, “Dân làm báo”, “Dân Luận”, “Nhật ký yêu nước”,… Trung bình mỗi tháng, các thế lực thù địch phát tán hơn 120.000 bài viết, video xuyên tạc lên internet, mạng xã hội. Trong đó, có hơn 80.000 bài viết được phát tán trên mạng xã hội Facebook, chiếm 67% và khoảng 40.000 bài viết, video xuyên tạc từ các kênh Youtube, Blog cá nhân hoặc các kênh tin tức phản động.
Chính vì vậy, nếu người tham gia mạng xã hội thiếu các kỹ năng, kinh nghiệm trong xử lý thông tin trên mạng xã hội thì sẽ rất khó khăn trong quá trình tiếp nhận và xử lý thông tin, thậm chí là mắc sai lầm “tuyên truyền không công” cho địch; dễ bị kẻ xấu lừa đảo, đánh cắp thông tin cá nhân; vi phạm pháp luật Nhà nước, những quy định của Luật an ninh mạng, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường mạng xã hội. Thực tiễn đó đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao về chất lượng xử lý thông tin của người tham gia mạng xã hiện nay.
Các thế lực thù địch lợi dụng mạng xã hội đăng tải những thông tin xấu, độc, truyền bá những quan điểm sai trái, xuyên tạc chống phá Đảng và Nhà nước ta. Ảnh: Internet
Xử lý thông tin trên mạng xã hội là hoạt động phân tích, phân loại thông tin trên mạng xã hội theo các nguyên tắc và phương pháp nhất định, trên cơ sở đó đưa ra các biện pháp nhận diện chính xác, phân loại và sử dụng các thông tin trên mạng xã hội một cách đúng đắn, hiệu quả nhất. Đó là quá trình đối chiếu, chọn lọc, chỉnh lý, biên tập thông tin theo mục đích, yêu cầu xác định nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng thông tin trên mạng xã hội; tránh bị nhiễu loạn thông tin, chịu ảnh hưởng xấu từ những thông tin tiêu cực. Đây được xem là một khâu then chốt, phản ánh nội dung trọng tâm hoặc kết quả cần đạt tới của quy trình thông tin, bởi lẽ kết quả của nó là tạo lập những thông tin mới, chính xác và hữu ích phục vụ trực tiếp cho hoạt động của mỗi cá nhân và tổ chức. Chính điều đó làm cho hoạt động xử lý thông tin khác biệt với hoạt động lưu trữ, thư viện, bảo tàng, mặc dù trong mọi hoạt động này đều tiến hành việc thu thập, xử lý, bảo quản và tổ chức sử dụng thông tin.
Trong thời đại ngày nay, việc xử lý thông tin trên mạng xã hội không chỉ được thực hiện bằng trí tuệ con người, mà còn được trợ giúp bởi nhiều thiết bị kỹ thuật ngày càng hiện đại và thông minh hơn. Điều đó cũng đòi hỏi, muốn xử lý tốt các thông tin trên mạng xã hội để sử dụng, chia sẻ những thông tin đúng, thông tin chính thống, phục vụ hiệu quả cho hoạt động bản thân và tập thể đòi hỏi mỗi người phải có trình độ kiến thức, sự hiểu biết sâu sắc về mạng xã hội, nhất là phải có kỹ năng trong xử lý thông tin trên mạng xã hội.
Bồi dưỡng kỹ năng cơ bản về xử lý thông tin cho người tham gia mạng xã hội
Kỹ năng xử lý thông tin trên mạng xã hội là trình độ vận dụng những kiến thức, kỹ xảo, kinh nghiệm của bản thân để tiếp nhận những thông tin mới trong quá trình tham gia vào các trang mạng xã hội, qua đó đối chiếu, chọn lọc, chỉnh lý, biên tập thông tin theo mục đích, yêu cầu xác định nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng thông tin trên mạng xã hội trong mọi lĩnh vực hoạt động.
Nâng cao kỹ năng xử lý thông tin trên mạng xã hội. Ảnh: Internet
Để có được kỹ năng cần thiết xử lý thông tin trên mạng xã hội, mỗi người tham gia mạng xã hội cần thực hiện tốt các nội dung cơ bản sau:
Một là, cần nhận thức đầy đủ hệ thống các quy định, văn bản, chỉ thị, hướng dẫn của các cấp về an toàn thông tin mạng, các hoạt động trên mạng xã hội, nhất là những nội dung cơ bản của Luật An ninh mạng năm 2018, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 17/6/2021 để hình thành thái độ, nhận thức đúng đắn, có trách nhiệm cao khi tham gia vào các trang mạng xã hội.
Hai là, trước những thông tin mới cần phải thận trọng trong xác định nguồn gốc, tính chất, nội dung thông tin, tiến hành đầy đủ các bước trong tiếp nhận và xử lý thông tin, gồm: Đọc kỹ, nghiên cứu thông tin có liên quan; phân tích, phân loại thông tin; sàng lọc thông tin; xác định mục đích và tiến hành sử dụng thông tin.
Ba là, tích cực rèn luyện, trau dồi kiến thức về mọi mặt, mọi lĩnh vực, kinh nghiệm xử lý, sử dụng thông tin trên mạng xã hội, để dần hoàn thiện kỹ năng, thành thạo các khâu, các bước trong quá trình tham gia mạng xã hội.
Bốn là, nêu cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn và loại bỏ những thông tin xấu độc, thông tin sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, hòng chống phá Đảng, Nhà nước và phủ nhận thành quả cách mạng nước ta.
Kỹ năng xử lý thông tin trên mạng xã hội là một bộ phận quan trọng trong năng lực tham gia vào hoạt động mạng xã hội củamỗi người, do đó, việc rèn luyện nâng cao kỹ năng này sẽ là cơ sở tiền đề quan trọng, bảo đảm cho người tham gia mạng xã hội xử lý các thông tin trên mạng xã hội một cách chính xác và hợp lý, tránh được những sai lầm đáng tiếc xảy ra, qua đó, góp phần tạo ra môi trường mạng xã hội lành mạnh, an toàn, không cho các thông tin xấu độc có “chỗ đứng chân”.
Thành Huy