Theo C.Mác, xã hội dân sự (trong C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập dịch là xã hội công dân) xuất hiện trong chế độ tư bản chủ nghĩa, từ khi giai cấp tư sản nắm quyền chính trị: “Thuật ngữ “xã hội công dân” xuất hiện trong thế kỷ XVIII khi những quan hệ sở hữu thoát khỏi thể cộng đồng [Gemeinwesen] cổ đại và trung cổ. Xã hội tư bản [burgerliche Gesellschaft] với tính cách là xã hội tư sản chỉ phát triển cùng với giai cấp tư sản”.
Như vậy, có thể thấy, trong quan niệm của C.Mác, khái niệm “xã hội dân sự” gắn liền với sự hình thành và phát triển của xã hội tư sản: “vì chính tính chất của xã hội công dân coi là đẳng cấp tư nhân, thể hiện sự đối lập của xã hội công dân với ý nghĩa chính trị và hiệu lực chính trị, thể hiện sự thiếu tính chất chính trị”. Có thể hiểu, xã hội dân sự là một phương tiện khác để tăng thêm lợi ích của giai cấp thống trị trong chủ nghĩa tư bản, bản chất của xã hội dân sự vẫn là chủ nghĩa tư bản.
Tuy nhiên, C.Mác cũng nhận thấy, ở xã hội dân sự, vấn đề cốt lõi chính là việc huy động sự tham gia của quần chúng, các tổ chức hội tự nguyện, các đoàn thể trong xã hội. Ông viết: “Theo ý Hegel, xã hội công dân phải “làm việc đó với tư cách là cái mà nó vốn là”. Thực ra thì ngược hẳn lại: xã hội công dân phải làm việc đó với tư cách là cái mà nó vốn không phải như thế, vì xã hội công dân là xã hội phi chính trị”. Vì vậy, “Xã hội công dân và nhà nước tách rời với nhau. Do đó, cả công dân nhà nước cũng tách rời với công dân là thành viên của xã hội công dân”.
Lợi dụng tính độc lập tương đối của xã hội dân sự với Nhà nước, các thế lực thù địch bằng nhiều thủ đoạn khác nhau để đẩy mạnh tuyên truyền về ranh giới giữa “công dân” và “nhà nước”, giữa “lợi ích cá nhân” và “lợi ích xã hội”. Theo đó, xã hội dân sự được chúng đề cao, tuyệt đối hóa, được ca ngợi là chủ nghĩa nhân đạo, là xã hội tự quản tốt đẹp, là xã hội “dân chủ” thực sự cho nhân dân; ngược lại, chúng cho rằng, cơ quan Nhà nước của Việt Nam là hệ thống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, chuyên chính và mất dân chủ.
Theo đó, chúng kêu gọi thành lập “xã hội dân sự” và các nhóm mang danh “xã hội dân sự” như: “Hội tù nhân lương tâm”, “Hội phụ nữ nhân quyền”, “Hội bầu bí tương thân”, “Hội nhà báo độc lập”, “Hội anh em dân chủ”…
Thực chất, đây chính là sự kích động thái độ vô chính phủ, biến phản biện xã hội trở thành một quá trình không kiểm soát được nhằm thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam. Nói cách khác, đây là hoạt động để người dân thoát ly khỏi sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và trên cơ sở đó chuyển hóa nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Biểu hiện lợi dụng vấn đề “xã hội dân sự”, gần đây, các thế lực thù địch tiến hành một số hoạt động sau:
Thứ nhất, lợi dụng viện trợ về kinh tế thông qua các tổ chức phi chính phủ, chúng gây sức ép về chính trị đối với Việt Nam, đòi thay đổi đường lối, chủ trương của Đảng. Chẳng hạn, chúng đòi Việt Nam phải “đa nguyên, đa đảng”, phải “từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh”, đòi “Đảng Cộng sản Việt Nam tự giác và chủ động thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ một cách kiên quyết nhưng ôn hòa…” (!); đặc biệt, về chính sách pháp luật, chúng đòi Việt Nam phải từ bỏ Điều 4 của Hiến pháp (2013) …
Thứ hai, lợi dụng xã hội dân sự để đòi hỏi dân chủ quá trớn. Chúng coi hình thành xã hội dân sự độc lập về chính trị là điều kiện, tiền đề cho việc bảo đảm quyền tự do, dân chủ của công dân công dân và các quyền con người. Đặc biệt, lợi dụng quyền con người chúng cổ súy thái quá cho tự do cá nhân, tự do lập hội, tự do ngôn luận, thậm chỉ tự do biểu tình…
Hằng năm chúng thường kêu gọi “ngày 2-9, cả nước xuống đường” biểu tình. Chúng còn kích động người dân mang hung khí đi biểu tình với lý do để tự vệ nhưng thực chất là nhằm tạo ra sự hỗn loạn, dễ dẫn tới những hành vi phá rối và bạo lực nguy hiểm.
Chúng khuyến khích người dân bày tỏ chính kiến không giới hạn, tạo ra những “thư ngỏ, góp ý”,… để gây xáo trộn dư luận quần chúng.
Thậm chí, các thế lực phản động đã kêu gọi tổ chức cuộc thi “Tìm kiếm giọng hát đấu tranh” nhằm phát động phong trào sáng tác âm nhạc chống phá, xuyên tạc tình hình trong nước. Thực chất ẩn ý đằng sau những việc làm này nhằm lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin sẽ mắc mưu bằng nghệ thuật sử dụng ngôn từ chau chuốt, nhưng không ngoài mục đích xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thứ ba, thông qua môi trường dân sự, các thế lực phản động lôi kéo quần chúng vào các tổ chức phi chính phủ phản động, đấu tranh vì mục tiêu: “thúc đẩy sự tham gia của người dân vào công việc của chính quyền”, kích động thái quá người dân tham gia phản biện chính sách, phản biện xã hội, góp ý dân chủ, chống tham nhũng, bảo vệ môi trường … Đây là những giọng điệu xuyên tạc, bịa đặt nhằm thực hiện mưu đồ chính trị của thế lực thù địch chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Thứ tư, lợi dụng các tổ chức “thiện nguyện”, “từ thiện” để mua chuộc lòng dân. Núp dưới bình phong “thiện nguyện”, “tài trợ”, “ủng hộ” hãy “hỗ trợ” bà con nghèo, gia đình nghèo, đối tượng nghèo ăn tết, chống rét, chống mù chữ, nâng cao đời sống,…chúng tiến hành tuyên truyền, phổ biến về xã hội nhân đạo nhằm làm suy yếu uy tín dẫn tới vô hiệu hóa vai trò lãnh đạo của Đảng.
Chính trị và xã hội ổn định là điều kiện tiên quyết để đất nước hòa bình và phát triển. Sự thật là hòa bình và ổn định chính trị của đất nước ngày hôm nay đã phải trả giá bằng rất nhiều máu và nước mắt dân tộc Việt Nam, cũng như sự hy sinh của rất nhiều thế hệ đảng viên. Lịch sử đã chứng minh và lựa chọn độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kiên định dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là con đường cách mạng đúng đắn, sẽ đưa dân tộc Việt Nam phát triển, trường tồn, phồn vinh, hạnh phúc.
Nhận diện rõ những thủ đoạn chính của các thế lực thù địch trong việc lợi dụng vấn đề “xã hội dân sự” chống phá cách mạng Việt Nam, trên cơ sở đó tìm giải pháp đấu tranh với những thủ đoạn nham hiểm của các thế lực thù địch là nhằm góp phần bảo vệ chế độ, ngăn chặn sự phá hoại của các phần tử xấu chống phá nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, phá hoại hòa bình, ổn định của đất nước, cũng như con đường cách mạng mà lịch sử và dân tộc đã lựa chọn.
Hà Lê