Cuối tháng 12/2019, virus Corona ban đầu được xác nhận là một loại bệnh “viêm phổi lạ” hoặc “viêm phổi không rõ nguyên nhân” và không lâu sau đó nó đã lan truyền nhanh chóng trên khắp thế giới. Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Tính đến tháng 11/2021, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, số người nhiễm vượt mốc 257 triệu người, trong đó trên 5,1 triệu người tử vong.
Cho đến nay, lượng thông tin khoa học về Covid-19 trên toàn thế giới chưa đủ mã hóa để đưa ra các biện pháp triệt để chấm dứt đại dịch này, đặc biệt sau thời gian lây nhiễm kéo dài, các biến thể mới xuất hiện ngày càng phức tạp, đặt ra thách thức to lớn đối với an ninh sức khỏe loài người và tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
Đại dịch Covid-19 đang cho tất cả thế giới thấy rằng không quốc gia nào có thể giải quyết mối đe dọa này một cách độc lập và không quốc gia nào được an toàn cho đến khi tất cả mọi quốc gia trên thế giới đều an toàn. Để có thông tin đầy đủ cho những chính sách kịp thời trong phòng, chống đại dịch này phải có sự hợp tác, liên kết chặt chẽ từ tất cả các quốc gia.
Việt Nam đang trải qua làn sóng lây nhiễm thứ 4 kể từ khi xuất hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên và đây cũng là đợt lây nhiễm rộng nhất, gây thiệt hại nặng nề nhất. Theo số liệu của Bộ Y tế cập nhật đến ngày 20/11/20021, Việt Nam đã có gần 1,1 triệu ca nhiễm Covid -19, trong đó 23.578 ca tử vong.
Với phương châm “chống dịch như chống giặc”, toàn dân và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc chống dịch, ngành ngoại giao Việt Nam cũng đã thể hiện vai trò quan trọng, phát huy tính chủ động trong việc nắm bắt, xử lý, kết nối, chia sẻ thông tin, cũng như tích cực tiến hành các hoạt động vận động ngoại giao và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phòng, chống Covid-19.
Một là, với mục tiêu phát huy tối đa mạng lưới 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để nắm bắt các thông tin dịch bệnh trên toàn thế giới, ngành ngoại giao đã đẩy mạnh hoạt động ngoại giao trong việc tìm hiểu, tập hợp thông tin khoa học về dịch bệnh; tổng hợp kinh nghiệm của các nước về phòng, chống dịch và khắc phục các hậu quả do dịch bệnh gây ra, cũng như những bài học trong quản lý và phát triển kinh tế- xã hội nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực trong giai đoạn dịch bệnh.
Việt Nam cũng đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, cùng cộng đồng quốc tế chống lại dịch bệnh nguy hiểm này thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực phòng,chống dịch trong khả năng có thể. Việt Nam đã trao tặng Nhật Bản khẩu trang và các vật tư y tế với tổng trị giá 100.000 USD, gửi đến Mỹ 200.000 khẩu trang vải kháng khuẩn để phòng chống dịch bệnh, trao tặng 550.000 khẩu trang hỗ trợ phòng chống Covid-19 cho Đức và một nước châu Âu…
Việt Nam cũng đã tận tình cứu chữa bệnh nhân mắc Covid- 19 là người nước ngoài, điển hình là trường hợp Bệnh nhân số 91 tại Việt Nam là Stephen Cameron, phi công người Anh, hai bệnh nhân người Trung Quốc là Li Ding và Li Zichao đến từ Vũ Hán, Hồ Bắc Trung Quốc.
Hai là, với phương châm bảo vệ mọi người dân Việt Nam trước đại dịch, Bộ Ngoại giao đã chỉ thị cho các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là các Đại sứ quán có trách nhiệm bảo hộ công dân,tích cực trao đổi, kết nối thông tin với nhau để nắm tình hình, các chính sách của nước sở tại, cập nhật số lượng công dân Việt Nam ở nước ngoài cần trợ giúp, tạo điều kiện sinh hoạt, chăm sóc y tế, học tập, làm việc… tốt nhất cho công dân, tạo mọi điều kiện cho công dân Việt Nam có nhu cầu về nước.
Riêng năm 2020, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các Bộ Y tế, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải và các quốc gia liên quan triển khai thực hiện hơn 300 chuyến bay, đưa gần 85.000 công dân từ 59 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới trở về nước an toàn. Ngay cả ở những quốc gia trong thời điểm dịch bùng phát cao điểm như Ấn Độ, các quốc gia Châu Âu,… công tác bảo hộ công dân của Việt Nam luôn được đặt lên hàng đầu trong mọi tình huống.
Ba là, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, giải pháp vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 (còn gọi là vaccine Covid-19) được thế giới coi là "chìa khoá" để thoát khỏi đại dịch, ngành ngoại giao đã tham mưu với Chính phủ và xúc tiến Chiến lược vaccine với 3 nội dung lớn: (1) Tiếp cận, mua vaccine nhiều nhất, nhanh nhất có thể; (2) Đẩy nhanh tiếp cận, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và sản xuất vaccine tại Việt Nam; (3) Thực hiện chiến dịch tiêm chủng nhanh chóng, kịp thời, an toàn, hiệu quả.
Với tinh thần khẩn trương và quyết liệt, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác của Chính phủ về Ngoại giao vaccine do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng với nhiệm vụ xúc tiến, vận động viện trợ vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống dịch Covid-19 và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 từ các đối tác song phương và đa phương. Trong đó, "Ngoại giao vaccine" được xác định là một mũi nhọn trước mắt, vấn đề cấp bách trong khi đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta đang lây lan nhanh và ảnh hưởng mạnh đến nước ta.
Tổ công tác “ngoại giao vaccine” đã quyết liệt tập trung giải quyết ba nhiệm vụ chính: Thứ nhất, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan đôn đốc, đeo bám tiến độ triển khai cam kết mà chúng ta đã ký với các đối tác để mua 150 triệu liều vaccine cung cấp cho 70% dân số Việt Nam trong thời gian tới; Thứ hai, tiếp tục vận động các đối tác song phương và các tổ chức quốc tế trợ giúp, cung cấp nguồn vaccine cho Việt Nam; Thứ ba, thúc đẩy sâu hơn nữa, tích cực hơn nữa việc hợp tác chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine để phục vụ cho việc chủ động nguồn cung lâu dài.
Nhận thức rõ vai trò hết sức quan trọng của “ngoại giao vaccine” trong việc thực hiện chiến lược phòng, chống đại dịch trước mắt cũng như lâu dài, ngành Ngoại giao đã xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể, đưa “ngoại giao vaccine” thành vấn đề ưu tiên trong các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Thông qua các hoạt động trao đổi, tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế, lãnh đạo Việt Nam tập trung ưu tiên vận động, tìm kiếm sự hợp tác, trợ giúp, ủng hộ của các đối tác để tiếp cận các nguồn vaccine nhanh nhất, hiệu quả nhất có thể. Ngoài ra, chúng ta cũng vận động các cơ chế hợp tác đa phương, song phương để được viện trợ vaccine và thiết bị y tế cho Việt Nam.
Gia công, đóng ống vắc-xin Sputnik V của Nga tại Công ty Vabiotech (Việt Nam).
Tính đến sáng ngày 19/11, tổng số vaccine Covid-19 mà Việt Nam đã tiếp nhận từ nhiều nguồn khác nhau là 131,2 triệu liều. Mặc dù thế giới đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt vaccine phòng Covid-19 trên toàn cầu, Việt Nam vẫn nhận được sự hỗ trợ nhiệt thành từ các đối tác, các nước láng giềng và bạn bè quốc tế với tổng số đã cam kết 150 triệu liều vaccine thông qua đàm phán mua và viện trợ. Đây là thành quả rất đáng ghi nhận của hoạt động “ngoại giao vaccine” của Việt Nam trong thời gian vừa qua.
Để chủ động nguồn vaccine lâu dài, Việt Nam đã thúc đẩy việc nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vaccine trong nước và cho tới nay, vaccine Nanocovax trong nước đang bước vào giai đoạn cuối cùng để được cấp phép sản xuất. Cùng với đó, Việt Nam cũng tìm kiếm việc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine từ các nước. Đến nay, Việt Nam đã có 3 hợp đồng chuyển giao công nghệ liên quan đến vaccine Covid-19 với Nga, Mỹ, Nhật đã được ký kết bao gồm: (1) Chuyển giao công nghệ vaccine giữa Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và Công ty Shionogi (Nhật Bản), dự kiến tháng 6/2022 sẽ hoàn tất các hoạt động và đưa vaccine ra thị trường; (2) Dự án chuyển giao công nghệ giữa Công ty DS-Bio, Vabiotech và Quỹ Đầu tư trực tiếp Liên bang Nga: đã ký thỏa thuận về việc đóng ống vaccine Sputnik-V từ bán thành phẩm; (3) Dự án nghiên cứu chuyển giao công nghệ với Mỹ, dự kiến việc chuyển giao công nghệ và hoàn thiện nhà máy sản xuất vaccine tại Việt Nam sẽ hoàn thành vào tháng 6/2022.
Có thể nói, Chiến lược vaccine là một mũi nhọn để đạt mục tiêu tiêm chủng phòng, chống Covid-19 trên toàn quốc nhằm kiểm soát dịch bệnh trong thời gian sớm nhất.
Bốn là, tăng cường công tác vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp vào công cuộc phòng, chống dịch Covid -19 ở trong nước. Ngành ngoại giao nói chung, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng đã nỗ lực vận động kiều bào tham gia đóng góp, ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong nước bằng những hành động cụ thể, thiết thực, phù hợp. Công tác vận động, kết nối người Việt Nam ở nước ngoài ủng hộ nguồn lực chống dịch không những chỉ giúp huy động thêm nguồn lực vật chất cho công tác phòng, chống dich trong nước mà còn góp phần thắt chặt “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trong và ngoài nước.
NN