Nhà nước kiến tạo (NNKT) phát triển là Nhà nước không quản lý theo kiểu ra lệnh, can thiệp, áp đặt mà quản lý chú trọng tới chức năng xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế và chính sách, kiện toàn tổ chức bộ máy, phát triển nhân lực và sử dụng phương thức quản lý thích hợp để kiến tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế nói chung, kinh tế tư nhân (KTTN) nói riêng phát triển. Một Nhà nước luôn đổi mới, hoàn thiện và tiến đến hiện đại, phục vụ người dân và doanh nghiệp phát triển ngày một tốt hơn.
Mô hình thể chế được hầu hết các nước Đông Bắc Á lựa chọn là Nhà nước kiến tạo phát triển. Mô hình này đem lại sự phát triển kỳ diệu cho cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và gần đây là cả Trung Quốc. Những năm gần đây, Đảng, Chính phủ nhiều lần đề cập và công khai về mô hình NNKT, Chính phủ liêm chính, phục vụ. Xây dựng mô hình NNKT gỡ bỏ rào cản phát triển KTTN ở Việt Nam là vấn đề cần thiết và cấp bách.
Hiện nay, KTTN đang phải đối mặt với nhiểu rào cản phát triển. Các nghiên cứu của Ngô Huy Đức (2016), Nguyễn Kế Tuấn (2017), Trần Kim Chung (2018), Phan Thế Công (2020), hay một nghiên cứu chuyên đề của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (2017) và đặc biệt là Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của VCCI và USAID chỉ ra nhiều rào cản mà KTTN ở Việt Nam vẫn đang đối mặt. Các rào cản chủ yếu của nhà nước đối với KTTN gồm các rào cản cấp độ vĩ mô (Rào cản về môi trường tự nhiên, về dân số và lao động, về môi trường kinh tế và các chính sách kinh tế vĩ mô, về công nghệ, về môi trường văn hóa - xã hội, về chính trị, pháp luật và hệ thống chính quyền, về hệ thống thuế, về cơ sở hạ tầng,…) và các rào cản cấp độ vi mô (Rào cản về hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính/tín dụng, về áp lực cạnh tranh theo cơ chế thị trường, về nguồn yếu tố đầu vào, về thiếu vắng năng lực quản trị về đổi mới, sáng tạo;…). Những rào cản này đã và đang gây ra nhiều khó khăn và thách thức cho KTTN phát triển trong nền kinh tế hội nhập toàn cầu.
Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ đã và đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng DN. Nguồn: Internet
Thực tế cho thấy, các hạn chế, khó khăn và thách thức mà các KTTN đang đối mặt những năm gần đây bao gồm: (1) Số lượng KTTN tăng nhanh nhưng tỷ lệ ngừng hoạt động, giải thể nhiều; (2) Thiếu “đầu tàu” dẫn dắt KTTN tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế; (3) Hiệu quả hoạt động của KTTN chưa cao, năng suất lao động thấp nhất trong các khu vực kinh tế; (4) Năng lực công nghệ, trình độ đội ngũ chủ doanh nghiệp và lao động của KTTN thấp; (5) Đóng góp của KTTN vào tăng trưởng kinh tế có xu hướng giảm và chủ yếu do khu vực phi chính thức; (6) Các KTTN gặp phải những thách thức rất lớn. Họ phải đối mặt với cuộc cạnh tranh quyết liệt và gay gắt hơn với nhiều đối thủ hơn trên bình diện rộng và sâu hơn ngay cả ở thị trường trong nước; (7) Môi trường pháp lý đối với khu vực KTTN chưa hoàn thiện, nhiều quy định chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, thiếu nhất quán, phức tạp và chồng chéo; (8) Những hạn chế, bất cập trong hoạt động của hệ thống quản lý nhà nước; (9) Bất cập trong việc xử lý mối quan hệ giữa tăng cường quản lý của Nhà nước với phát huy dân chủ, thu hút rộng rãi các lực lượng xã hội quản lý sự phát triển; (10) Tình trạng tham nhũng, lãng phí có diễn biến phức tạp, chưa được khắc phục hiệu quả.
Để gỡ bỏ rào cản phát triển của KTTN, Đảng, Nhà nước cần có những chính sách gì? Và với vấn đề này, vai trò của Nhà nước kiến tạo được thể hiện ra sao?
Một là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách phát triển, thể chế môi trường kinh doanh phục vụ phát triển KTTN. Các quy định pháp luật kinh tế, hành chính là một tiêu chí căn bản quan trọng đầu tiên của công cụ, phương tiện thực hiện quản lý kinh tế; các tổ chức quản lý nhà nước, xã hội là yếu tố quan trọng tạo môi trường hoạt động thuận lợi cho doanh nghiệp. Thể chế môi trường kinh doanh phải bảo đảm là cơ sở để phát huy được các yếu tố sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo cơ chế thị trường, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế đất nước, luật lệ quốc tế, nghĩa là tôn trọng các quy luật vận động về giá trị, cung cầu và cạnh tranh, qua đó nâng cao năng lực quản lý nhà nước theo hướng ngày càng đổi mới, hiệu quả; xây dựng, đổi mới pháp luật kinh tế, hành chính phải đảm bảo chất lượng, tính ổn định và khả thi.
Thứ hai, xử lý mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và doanh nghiệp. Thúc đẩy mở cửa thương mại mạnh mẽ thông qua các hiệp định thương mại tự do vì việc thực hiện các cam kết sẽ làm giảm các rào cản cản trở đổi mới, sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới của các doanh nghiệp và ngành công nghiệp. Xóa bỏ chính sách bảo hộ hay hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang hoạt động bao gồm các doanh nghiệp cung ứng đầu vào cho các hoạt động sản xuất và các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp nào đó. NNKT phát triển cũng cần tiến hành chủ trương cổ phần hóa mạnh mẽ hơn nữa các doanh nghiệp nhà nước vốn đã và đang nhận được nhiều đặc quyền trong thời gian dài nhưng hoạt động kém hiệu quả và làm ăn thua lỗ. Việc thúc đẩy cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước sẽ tạo ra động lực cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp trong nền kinh tế. NNKT được xem là Chính phủ mà ở đó việc khởi sự kinh doanh có xu hướng tập trung vào việc làm tăng số lượng các doanh nghiệp thông qua các chương trình thành lập doanh nghiệp, tài trợ cho các quỹ đầu tư mạo hiểm, đầu tư vào nghiên cứu phát triển hay chuyển giao công nghệ.
Thứ ba, xây dựng bộ máy hành chính công tốt, năng động phục vụ phát triển kinh tế tư nhân. Chính phủ tổ chức lại bộ máy quản lý hành chính công theo hướng mô hình Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực gọn nhẹ, hoạt động có hiệu lực, mọi quyết định của chính phủ phải mang tính đồng thuận cao và có hiệu lực ngay khi vào cuộc sống. Mặc dù số lượng các bộ cần phải giảm xuống nhưng vẫn phải duy trì thường xuyên hoạt động quản lý nhà nước một cách hiệu quả nhất. Cơ cấu các bộ đa ngành này có thể xây dựng không cần nhiều tầng lớp nhưng phải gắn với tầm nhìn, mục tiêu quốc gia và mục tiêu, chức năng nhiệm vụ của bộ. Thiết lập và tạo ra được một môi trường công khai, minh bạch về thông tin liên quan tới hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, của đội ngũ cán bộ, công chức và bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin của công dân. Bên cạnh đó, rất cần phải có những tấm gương về trách nhiệm giải trình từ người đứng đầu chính phủ để làm gương cho người đứng đầu các bộ phận tại các bộ, các địa phương. Việc thực hiện thí điểm, làm gương là một trong những biện pháp khiến cho công tác giải trình, tự kiểm điểm, tự chịu trách nhiệm đi vào thực tiễn nhanh nhất.
Tóm lại, để “kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng” (như Nghị quyết Trung ương số 10-NQ/TW Hội nghị lầ thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá XII đề ra) và giải phóng mọi nguồn lực cho phát triển, coi trọng kinh tế tư nhân một cách đúng mức thì mô hình NNKT sẽ giúp tháo gỡ khó khăn cho kinh tế tư nhân, tạo mọi điều kiện cho các loại hình KTTN yên tâm đầu tư, sản xuất - kinh doanh và đổi mới sáng tạo.
Đức Trí