Với dã tâm chống phá cách mạng đến cùng, các thế lực thù địch không ngừng tìm cách xuyên tạc, phủ định vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các tổ chức đoàn thể trong xây dựng và đổi mới hệ thống chính trị, trong đó có chức năng giám sát và phản biện xã hội. Theo đó, chúng đã hồ đồ quy kết rằng: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội: “thay vì đại diện cho xã hội dân sự, thì họ lại phản bội nhân dân bằng cách chọn lọc ứng cử viên toàn là đảng viên hầu chế độ đảng cử dân bầu”; là “tay sai đắc lực của Đảng, … củng cố sự lãnh đạo toàn trị của Đảng Cộng sản Việt Nam”; là “tác nhân của nguyên tắc phản dân chủ”; là “bình phong cây cảnh”; “Hoạt động chỉ là hình thức, kém hiệu quả”… Từ đó, mục đích cuối cùng cũng bộc lộ không lạ lẫm, khi chúng “kêu gào” đòi “xóa bỏ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” cũng như rêu rao về sự “bất lực” của các tổ chức chính trị - xã hội (như Công đoàn Việt Nam). Đây là những luận điệu hoàn toàn sai trái, cần đấu tranh, phản bác. Bởi lẽ:
Thứ nhất, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng hệ thống chính trị được quy định và xác định ngày càng cụ thể, rõ ràng.
Trong công cuộc xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, để xây dựng, mở rộng và phát huy dân chủ, Đảng ta ngày càng nhận thức rõ vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị. Đại hội X của Đảng (năm 2006) chủ trương: “Nhà nước ban hành cơ chế để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội”[1]. Theo đó, vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đã được Hiến pháp năm 2013 quy định. Đặc biệt, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” tại Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 và Quyết định 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Theo đó, đối tượng, chủ thể, mục tiêu, nội dung, nguyên tắc của giám sát và phản biện xã hội đã được xác định cụ thể.
Đây là những nỗ lực của Đảng và Nhà nước, thể hiện sự quyết tâm đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phát huy tốt hơn tính chủ động, tích cực, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, tránh việc bao biện, làm thay của các tổ chức đảng, là một hình thức để thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, làm cho đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật đúng đắn, phù hợp với thực tiễn cuộc sống, luôn vì lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc.
Thứ hai, trên thực tiễn, những kết quả đạt được trong việc thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã góp phần to lớn trong xây dựng, đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam, góp phần thực hiện ngày càng hiệu quả dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Những năm gần đây, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu, đóng góp ý kiến đối với nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đề án về tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, trong đó có các dự án luật quan trọng, như dự án Luật Đất đai sửa đổi, dự thảo Luật Thanh tra, dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia… Ngày 24-8-2022, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị góp ý, đề xuất hướng khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật Đấu thầu năm 2013, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, Luật Chứng khoán năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thực hiện[2].
Cũng theo Báo cáo kết quả giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ sau kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV đến kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung ương các đoàn thể chính trị - xã hội đã thực hiện 08 nội dung giám sát theo kế hoạch. Điển hình như: Giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; Giám sát và kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai năm 2013; Giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 05/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giám sát Chương trình mục tiêu quốc qia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Sau giám sát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã kịp thời kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền đề nghị khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực hiện quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức; đồng thời, yêu cầu rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách, pháp luật cho phù hợp, đáp ứng với tình hình thực tế và nhu cầu, nguyện vọng của người dân, góp phần giữ ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cơ sở.
Vậy nên, những nhận định cho rằng, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ở Việt Nam chỉ là “hình thức” là hết sức hồ đồ, cố tình xuyên tạc bản chất nhằm phủ định vai trò to lớn đã được thực tiễn chứng minh của các tổ chức quan trọng này.
Thực chất của sự xuyên tạc này là gì? Việc đòi xóa bỏ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như rêu rao về sự “bất lực” của các tổ chức chính trị - xã hội ở nước ta, chính là các thế lực thù địch và phản động muốn thực hiện cái gọi là “xã hội dân chủ” theo tiêu chí phương Tây – công cụ, phương thức, thủ đoạn để phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Có thể nói, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể là sự lựa chọn của nhân dân, của lịch sử, bởi đây là những chủ thể luôn lấy lợi ích của Tổ quốc cũng như lợi ích chính đáng của Nhân dân là mục tiêu tối thượng. Vì vậy, khẳng định sự ra đời, tồn tại, phát triển và vai trò to lớn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đối với cách mạng nước ta là tất yếu khách quan mà không thế lực nào có thể phủ nhận và bác bỏ.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.124
[2] http://mattran.org.vn/hoat-dong/tang-cuong-cong-tac-phoi-hop-trong-hoat-dong-phan-bien-xa-hoi-cua-mttq-viet-nam-voi-co-quan-chu-tri-soan-thao-46122.html
Nguyễn Thị Hoa