* Nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch
Các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng nhằm chống phá quan điểm của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; chia rẽ mối quan hệ giữa lực lượng vũ trang với nhân dân thể hiện trên những khía cạnh sau:
Một là, xuyên tạc bản chất, mục đích của nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân như luận điệu cho rằng mục đích của nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân chỉ nhằm bảo vệ Đảng và chế độ, không vì lợi ích quốc gia, dân tộc, nhân dân, hoặc nhằm “đe dọa hòa bình của các nước trong khu vực”…
Hai là, xuyên tạc tính tất yếu, sự cần thiết xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân như luận điệu thừa nhận sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân, song lại cho rằng chỉ phù hợp với giai đoạn chiến tranh trước đây, không phù hợp với chiến tranh hiện đại và chỉ gây cản trở phát triển của các thành phần kinh tế, ảnh hưởng đến kinh tế thị trường, làm phân tán, lãng phí nguồn lực xã hội; cho rằng để bảo vệ các vùng biển, đảo xa bờ thì nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân không còn hiệu quả…
Ba là, xuyên tạc phá hoại sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, như tuyên truyền chống phá “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; xuyên tạc các dự án kinh tế kết hợp với quốc phòng; kích động các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam không thực hiện các nghĩa vụ về quốc phòng, an ninh theo luật định; lợi dụng các vấn đề xã hội bức xúc, vấn đề tôn giáo, dân tộc để tuyên truyền kích động nhân dân biểu tình, gây rối, bạo loạn, vu cáo chính quyền, lực lượng vũ trang đàn áp nhân dân…
Bốn là, xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với Quân đội, Công an và sự nghiệp quốc phòng, an ninh, như các luận điệu “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang”, “xây dựng quân đội chuyên nghiệp”, “xây dựng lực lượng vũ trang toàn dân”, “trả quân đội về cho nhà nước”…
Năm là, xuyên tạc bản chất, truyền thống của Quân đội và Công an; chia rẽ lực lượng vũ trang với nhân dân, Quân đội với Công an, như các luận điệu phủ nhận các nguyên tắc tổ chức cơ bản trong xây dựng Quân đội, Công an, xóa bỏ công tác Đảng, công tác chính trị; đề cao Quân đội, hạ thấp Công an hoặc ngược lại; thổi phồng một số hiện tượng vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật, vi phạm quy tắc ứng xử với nhân dân của một số tổ chức, cá nhân để rêu rao Quân đội, Công an đã biến chất, vi phạm nhân quyền, đàn áp nhân dân…
* Luận cứ đấu tranh phản bác
Một là, nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân ở nước ta là vì nhân dân, của nhân dân và do toàn thể nhân dân tiến hành. Mục đích duy nhất phản ánh đặc trưng bản chất của nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân là tự vệ chính đáng, nhằm “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”1.
Hai là, quốc phòng, an ninh là lĩnh vực trọng yếu, điều kiện tiên quyết cho sự tồn tại, phát triển của mọi quốc gia - dân tộc. Kinh nghiệm, truyền thống dân tộc; lịch sử đấu tranh cách mạng và thực tiễn các cuộc chiến tranh, xung đột vũ trang trên thế giới hiện nay khẳng định đường lối quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân của Đảng, Nhà nước ta là tất yếu và đúng đắn, sáng tạo, tạo ra sức mạnh tổng hợp của đất nước để giữ vững hòa bình, ổn định, đẩy lùi, ngăn chặn nguy cơ chiến tranh, sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược dưới mọi hình thức và quy mô.
Ba là, sức mạnh quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân của đất nước được xây dựng trên nền tảng chính trị, tinh thần, nhân lực, vật lực, tài chính, mang tính chất toàn dân, toàn diện, độc lập tự chủ, tự cường. Vì vậy, Đảng ta xác định: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại”2.
Bốn là, quốc phòng, an ninh là lĩnh vực trực tiếp diễn ra cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc quyết liệt, phức tạp, vì vậy quốc phòng, an ninh mang bản chất chính trị, giai cấp sâu sắc. Nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân mang bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, do Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm là, quân đội, hay rộng hơn là lực lượng vũ trang luôn gắn liền với nhà nước, với giai cấp, do đó không thể có quân đội trung lập, quân đội phi giai cấp. Quân đội nhân dân, Công an nhân dân mang bản chất giai cấp công nhân, tính dân tộc và tính nhân dân sâu sắc. Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam là lực lượng cách mạng của dân, do dân và vì nhân dân, gắn bó máu thịt với Đảng, với nhân dân. Mối quan hệ đó được xây dựng qua suốt sự nghiệp đấu tranh chống xâm lược, giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, trở thành truyền thống tốt đẹp của Quân đội, Công an. Vì thế, bất cứ thế lực nào, dù thâm hiểm đến đâu cũng không thể chia rẽ được lực lượng vũ trang nhân dân với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Thực tiễn khẳng định nhờ đường lối đúng đắn của Đảng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân nên tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước không ngừng được tăng cường; cùng với đó là sự phát triển của kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ, tạo tiền đề vững chắc, sức mạnh tổng hợp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.
BBTGT
1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t.I, tr.156.
2 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t.I, tr.157.