* Nhận diện quan điểm sai trái, thù địch
Hiện nay, trên một số trang mạng xã hội, các thế lực thù địch đưa ra một số quan điểm sai trái, thù địch về chủ trương “Không liên kết với nước này để chống nước kia”.
Một là, có ý kiến cho rằng chủ trương “không liên kết với nước này để chống nước kia” là “tự trói buộc mình, không phù hợp với thực tế, cần phải thay đổi”; “một khi đã tuyên bố rõ ràng như vậy, chúng ta sẽ khó kiếm được đồng minh” và “làm mất đi con bài mặc cả quan trọng của Việt Nam với cả Mỹ và Trung Quốc”.
Hai là, có ý kiến cho rẳng chủ trương “không liên kết với nước này để chống nước kia” là không phù hợp với xu thế của thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế nên cần phải thay đổi. Họ còn khuyến nghị Đảng, Nhà nước ta cần phải liên kết với nước này thì mới kiềm chế, đối phó được với nước kia để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.
* Luận cứ đấu tranh phản bác
Một là, nếu chúng ta chủ trương liên kết với nước này để chống nước kia sẽ đưa đến một tình huống nguy hiểm là “phải chọn bên”. Chúng ta sẽ buộc phải chọn đồng minh, để liên minh, liên kết nhằm chống lại nước khác và việc dẫn đến những tình huống cực kỳ nguy hiểm là khó tránh khỏi. Ở đây không có sự ảo tưởng dành cho nước nhỏ có quyền “mặc cả” với các nước lớn trong vấn đề này. Thực tế tình hình thế giới những năm vừa qua cũng như gần đây, đặc biệt là diễn biến các cuộc xung đột quân sự hiện nay đã cho thấy rõ điều này. Cái giá phải trả là vô cùng đắt. Vận mệnh của đất nước, tương lai của dân tộc, cuộc sống của nhân dân không thể và không bao giờ có thể là “con bài” trong canh bạc chính trị của kẻ khác! Lối tư duy “đỏ đen” đầy may rủi không thể là tư duy chính trị mà Việt Nam theo đuổi. Việc thực hiện nguyên tắc “không liên kết với nước này để chống nước khác” trở nên đặc biệt quan trọng trong bối cảnh khu vực hiện nay. Nếu Việt Nam liên minh với bên ngoài, ưu tiên dùng biện pháp quân sự để giải quyết các tranh chấp, bất đồng thì sẽ khó được các nước khác ủng hộ.
Hai là, xét về bản chất, toàn cầu hóa là quá trình tăng lên mạnh mẽ các mối liên hệ, sự ảnh hưởng lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các quốc gia, các khu vực trên thế giới. Song hành và đối ngược với xu thế toàn cầu hóa là phong trào chống toàn cầu hóa (nội dung cốt lõi là chống lại mặt trái của toàn cầu hóa). Hai nhóm người ủng hộ và không ủng hộ toàn cầu hóa này đấu tranh với nhau, mà căn nguyên chính là những bất đồng về lợi ích của quá trình toàn cầu hóa đem lại cho mỗi nhóm. Cuộc đấu tranh này chính là nhằm phân chia lại lợi ích của các lực lượng trong quá trình toàn cầu hóa. Trong cuộc đấu tranh đó, tất yếu có sự liên kết tự nhiên của những lực lượng, những nhóm người có cùng lợi ích, chủ yếu ở góc độ kinh tế. Đây không phải là liên minh với nước này để chống lại nước kia, cho nên, nói rằng không liên kết với nước này để chống nước kia “là đi ngược lại xu thế của thời đại” là cách hiểu phiến diện, không đầy đủ, không nắm được bản chất, xu thế và quy luật vận động, phát triển của xã hội loài người trong giai đoạn hiện nay là hợp tác cùng phát triển trên phạm vi khu vực và toàn cầu.
Hiện nay, thế giới bước vào một giai đoạn phát triển mới mà ở đó: “Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế”1. Chính trong bối cảnh ấy, nếu như Việt Nam liên kết với nước nào, nhất là liên kết với nước lớn, để chống nước khác mới là không thực tế và rất nguy hiểm (!). Do đó, Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng độc lập, tự chủ, không liên kết nước này để chống nước kia nhưng chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện cả kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh.
BBT
1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t.I, tr.105.