Bờ cõi non sông ta tươi đẹp gấm hoa, đất nước của biết bao truyền thống tốt đẹp vốn dĩ là “sức mạnh mềm”, là vốn quý của dân tộc chúng ta: Yêu nước, đoàn kết, nghĩa tình, khoan dung, cần cù, sáng tạo… Đặc biệt, nhờ có lòng yêu nước nồng nàn, chúng ta đã chung sức chung lòng, để rồi “nhấn chìm” biết bao nhiêu thế lực ngoại xâm, biết bao giặc cướp nước và bè lũ bán nước. Đất nước ta, đất nước của những anh hùng: “Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy/Những cuộc đời đã hóa núi sông ta”. Những cuộc đời ấy, những con người ấy, và rất nhiều, rất nhiều những anh hùng vô danh nữa, dù có thể không còn tên, không một tấm huy chương trên ngực áo, nhưng “Họ đã sống và chết/Giản dị và bình tâm/Không ai nhớ mặt đặt tên/Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”[1].
Các chiến sĩ Thanh niên xung phong Tiểu đội 2, Đại đội 317 Truông Bồn san lấp hố bom. Ảnh tư liệu.
Ngay cả những người phụ nữ - những người vốn dĩ “chân yếu tay mềm”, thì khi Tổ quốc cần, họ sẵn sàng gác lại những giấc mơ, những niềm vui dung dị nhất, những đêm lứa đôi thơ mộng hẹn hò… để sẵn sàng “nếu cần ta chết”, cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông. Như tinh thần của những Cô gái Truông Bồn, những thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc, những “Người mẹ cầm súng” - nữ anh hùng Nguyễn Thị Út với quyết tâm diệt ngoại xâm qua câu nói giản dị mà đầy khảng khái “Còn cái lai quần cũng đánh”. Hay như trong tác phẩm nổi tiếng “Last night, I dreamed of peace” (Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình), bác sĩ Đặng Thùy Trâm - người con gái Hà Nội, dù có đối diện bao gian khổ khó khăn, nhưng vẫn luôn cất lên “Bài ca hy vọng” nhằm xoa dịu những cơn đau của thương binh.
Chị đã sống, chiến đấu với một tinh thần thép: “Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố”[2], và “Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người[3]”.
Thế hệ chúng tôi hôm nay may mắn sinh ra trong hòa bình, không biết đến những cảnh đạn lạc bom rơi, những tiếng gầm ran, những chiến trường khói lửa. Nhưng chúng tôi hiểu rằng, cái giá của hòa bình, tự do hôm nay là biết bao thế hệ con người đã ngã xuống. Không chỉ là thời hoa lửa, mà cả chiều dài suốt mấy nghìn năm. Là máu xương, bao giọt nước mắt, mồ hôi, bao cuộc đời và bao tuổi trẻ. Sao kể hết được những Bình minh thao thức[4], sao đếm hết được những đêm Mơ thấy hòa bình, của những con người ngay cả khi họ vẫn còn rất trẻ. Họ là biểu tượng của tuổi trẻ, của Thép đã tôi thế đấy và Mãi mãi tuổi hai mươi.
Biết ơn, ghi nhớ khắc sâu những công lao to lớn này của các thế hệ cha anh đi trước, chúng ta càng thêm nỗ lực để không hổ thẹn, và để xứng đáng với sự nghiệp bảo vệ, giữ gìn nền hòa bình độc lập; kiến thiết nên một đất nước ta to đẹp, mạnh giàu.
Lòng yêu nước trong bối cảnh hiện nay không trừu tượng chung chung mà có nội dung rất cụ thể: Đó chính là lòng yêu Đảng, yêu Bác Hồ, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu Nhân nhân, yêu truyền thống, văn hóa, con người Việt Nam. Yêu tiếng nói chữ viết, yêu thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Đó là sự nghiêm túc chấp hành những chủ trương đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước với tinh thần pháp luật thượng tôn. Đồng thời đó còn là tình yêu lao động, ý thức trách nhiệm, là khát vọng và hành động hoàn thiện bản thân mình. Đó còn là sự đoàn kết để bảo vệ những thành quả cách mạng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; là đấu tranh phản bác, chống lại những luận điệu sai trái, thù địch, phản động, những hành vi làm phương hại đến lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia hay những sự xuyên tạc trắng trợn về lịch sử dân tộc…
Một nội dung quan trọng trong Đại hội lần thứ XIII của Đảng là chú trọng phát triển về văn hóa, truyền thống Việt Nam “Để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc... khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”[5]. Khi lòng yêu nước được khơi dậy mạnh mẽ, kết hợp với việc hoàn thiện thể chế, chính sách về văn hóa, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực… thì khát vọng xây dựng đất nước hạnh phúc, phồn vinh sẽ có điều kiện được hiện thực hóa. Từ đó, những công dân Việt Nam yêu nước sẽ có cơ hội được chung sức chung lòng, kiến tạo, đồng hành cùng với Đảng thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới đất nước.
Đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là hành động thiết thực nhất để tri ân đối với những anh hùng, những thế hệ cha anh đi trước!
“Em ơi em đất nước là máu xương của mình/Phải biết gắn bó và san sẻ/Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở/ Làm nên Đất Nước muôn đời”[6].
Nhâm Hồ