1. Khi nói về niềm tin, nhà khoa học William Jame khẳng định: “niềm tin tạo ra hiện thực” (Belief creates the actual fact). Chính có một niềm tin mãnh liệt mà con người Việt Nam - dân tộc Việt Nam đã vượt qua biết bao gian nan, thử thách để phát triển như ngày hôm nay. Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước, giải phóng dân tộc niềm tin của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam được đặt vào một mục tiêu đó là chiến thắng kẻ thù, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Chính niềm tin vào sức mạnh của toàn dân tộc, sức mạnh của chính nghĩa đã hun đúc nên khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nên ý chí, quyết tâm để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược. Trong quá trình đổi mới đất nước, mặc dù có những lúc chúng ta đứng trước những khó khăn, thử thách khôn lường, nhưng với niềm tin đúng đắn vào hệ tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lênin, vào đường lối đổi mới, vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sức mạnh của toàn dân tộc đã làm nên nhiều thành tựu vĩ đại, đưa đất nước thoát sự nghèo khó, ngày càng khẳng định vị thế của mình trên thế giới.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: Internet.
Với những thành tựu đạt được trong hơn 35 năm đổi mới đất nước đã cho phép Đảng, Nhà nước và toàn thể dân tộc Việt Nam có niềm tin hướng đến khát vọng lớn hơn là phát triển đất nước “phồn vinh, hạnh phúc”. Khát vọng “phồn vinh, hạnh phúc” chính là sự kết tinh bản lĩnh, trí tuệ của Đảng, của dân tộc. Đó không phải là khát vọng giản đơn, xuôi chiều, mà được bồi đắp trên cơ sở phân tích, lường đoán kỹ lưỡng những thời cơ, thuận lợi có thể nắm bắt, phát huy; đồng thời tỉnh táo cân nhắc, tính toán những khó khăn, thách thức bên ngoài, những yếu kém, trở ngại bên trong cần phải kiên quyết khắc phục, thích ứng, vượt qua. Đó là khát vọng mang sức sống hiện thực được hình thành, bồi đắp với cơ sở khoa học về lộ trình hướng đích, bước đi được dự liệu rõ ràng và là sự kế thừa, hoàn thiện những mục tiêu đã được xác định từ những giai đoạn trước.
Khát vọng phát triển đất nước “phồn vinh, hạnh phúc” gắn liền với quá trình xây dựng và phát huy hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa cùng với sức mạnh con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn liền với phát huy đồng bộ hệ động lực phát triển: Dân chủ xã hội chủ nghĩa; đại đoàn kết toàn dân tộc; sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị; nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
2. Thành công của Đại hội lần thứ XIII và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cho thấy, Nhân dân đã sẵn sàng hành trang, tâm thế để cùng Đảng, Nhà nước bước vào vận hội mới. Do vậy, để phát huy được tối đa sức mạnh niềm tin, ý chí, khát vọng của Nhân dân vào quá trình hiện thực hoá mục tiêu phát triển đất nước “phồn vinh, hạnh phúc”, thiết nghĩ cần phải chú trọng đến những vấn đề sau:
Thứ nhất, cần nâng tầm và đặt đúng vai trò, vị trí của niềm tin Nhân dân trong chiến lược phát triển. Phải xem sức mạnh niềm tin Nhân dân là động lực của sự phát triển quốc gia. Động lực này không chỉ là kết quả từ sự kiến tạo niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và sự quản lí hiệu quả của Nhà nước; mà còn là sự kiến tạo niềm tin và trách nhiệm cao cả của Đảng và Nhà nước đối với Nhân dân.
Để thực hiện điều này thì quan trọng nhất là cần thực hiện nghiêm túc các cam kết chính trị giữa Đảng với Nhân dân trên các vấn đề cơ bản của đời sống xã hội. Trong Đảng cần xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ. Kiểm soát quyền lực là để bảo đảm cam kết của Đảng trong việc xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân. Muốn người Dân “dấn thân” vào thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, thì điều quan trọng là Nhân dân đặt niềm tin vào Đảng và Nhà nước,giữa Dân và Đảng phải có tiếng nói đồng thuận “ý Đảng, lòng Dân”. Đảng phải thường xuyên đối thoại với Nhân dân. Thông qua đối thoại để Nhân dân trình bày tâm tư, nguyện vọng, hiến kế của mình đối với Đảng và Nhà nước và cũng từ đó để Đảng, Nhà nước xây dựng, bổ sung những quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Người lĩnh xướng hiện hóa khát vọng phát triển đất nước. Ảnh: Internet
Thứ hai, để phát huy sức mạnh của niềm tin, ý chí, khát vọng của Nhân dân thì trước hết phải đáp ứng đầy đủ nhu cầu vật chất và tinh thần cần thiết. Phải làm sao cho Nhân dân có cuộc sống vật chất tương đối tốt, bảo đảm ăn, ở, mặc, đi lại, sinh hoạt…; Nhân dân được thụ hưởng các giá trị về văn hóa, tinh thần, để từng bước thỏa mãn nhu cầu văn hóa, tinh thần của mình; phát huy đầy đủ quyền con người, quyền công dân. Cần đặc biệt chú trọng nghiên cứu xây dựng chính sách đối với đồng bào vùng miền núi, biển đảo, đặc biệt là đồng bào các dân tộc ở những khu vực đặc biệt khó khăn. Chú trọng khắc phục những hậu quả thiên tai, bảo đảm cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống Nhân dân.“Mọi chủ trương, chính sách phải xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”[1]. Nhân dân phải được “thụ hưởng” những thành quả của mình và của xã hội làm ra.
Thứ ba, chú trọng giáo dục tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập, lao động. Giáo dục lý tưởng sống có ước mơ, hoài bão, có ý chí vươn lên và khát vọng cống hiến. Ước mơ, hoài bão là những nhu cầu và biểu hiện tự nhiên ở mỗi con người. Tuy nhiên, để những ước mơ, hoài bão đó được nuôi dưỡng, được chắp cánh, trở thành khát vọng và ý chí quyết tâm thực hiện khát vọng đó thì cần có sự khơi dậy, sự khích lệ, đặc biệt là sự giáo dục mang tính định hướng đúng đắn của gia đình, nhà trường và xã hội để những ước mơ, khát vọng đó không mang tính viển vông mà trở thành hiện thực, không chỉ vì lợi ích cá nhân, mà còn có giá trị tích cực cho xã hội. Cùng với đó chú trọng giáo dục lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc bằng những câu chuyện về lịch sử dân tộc, những thắng lợi hào hùng, cũng như những hy sinh mất mát của đất nước trong các trận chiến chống giặc ngoại xâm, đó là những câu chuyện về các anh hùng dân tộc, những khó khăn và những thành quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hay gần gũi hơn nữa là những truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ, quê hương…, tất cả điều đó đều góp phần hình thành, nuôi dưỡng lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc của Nhân dân.
Tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta...”. Đây là cơ sở thực tiễn, là niềm tin mãnh liệt để chúng ta vững tin sẽ thực hiện thành công khát vọng phát triển đất nước mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định.
Lê Phục