Thực thi chính sách công là quá trình chủ thể thực thi chính sách thông qua việc thiết lập hoặc kiện toàn tổ chức bộ máy, sử dụng các nguồn lực, công cụ và các biện pháp như tuyên truyền, điều tiết và giám sát nhằm biến các nội dung của chính sách thành kết quả thực tế, từ đó thực hiện mục tiêu mà chính sách đã đề ra.Thực thi chính sách công gồm có các nội dung chủ yếu, như: cụ thể hóa chính sách, truyền thông chính sách, huy động và phân bổ nguồn lực, kiện toàn và tăng cường tổ chức bộ máy, chỉ đạo và phối hợp, kiểm tra và giám sát...
Nới lỏng “giản cách xã hội" theo vùng miền: một biện pháp chính sách phù hợp trong tình hình hiện nay
Xuất phát từ diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 15/4/2020 về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về việc phân loại nguy cơ dịch bệnh ở các địa phương để áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
Thủ tướng "chốt" 3 nhóm nguy cơ cao, nguy cơ và nguy cơ thấp với 63 tỉnh, thành. Ảnh: Internet
Theo đó, nhóm các địa phương có nguy cơ cao gồm 12 tỉnh, thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến ngày 22 hoặc 30/4/2020 và có thể xem xét kéo dài tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh trên địa bàn; đồng thời quan tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, xây dựng hạ tầng, bảo đảm lưu thông hàng hóa.
Nhóm các địa phương có nguy cơ gồm 16 tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đến hết ngày 22/4/2020 và sẽ có điều chỉnh vào ngày 22/4 tùy diễn biến dịch bệnh.
Nhóm các địa phương có nguy cơ thấp gồm 35 tỉnh còn lại tiếp tục thực hiện theo chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một quyết định chính sách phù hợp trong tình hình hiện nay nhằm hướng tới “mục tiêu kép”, tức vừa có thể kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, vừa tạo điều kiện cần thiết để phát triển kinh tế - xã hội.
Một số kiến nghị nhằm nâng cao năng lực thực thi chính sách nới lỏng “giãn cách xã hội” theo vùng miền và địa phương
Để có thể thực hiện hiệu quả chính sách nới lỏng “giãn cách xã hội” theo vùng miền và địa phương, rất cần năng lực thực thi chính sách công của các cơ quan liên quan. Theo đó, cần lưu ý một số vấn đề cơ bản sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục kiên trì nguyên tắc “lấy nhân dân làm trung tâm”. Cốt lõi là trên lợi ích công, quyền và lợi ích của nhân dân, quyền con người, quyền công dân để lựa chọn và thực thi các biện pháp cụ thể. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đe dọa tới tính mạng, sức khỏe của người dân, cần ưu tiên hơn việc đảm bảo quyền được sống, quyền được bảo vệ tính mạng và quyền được chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Thứ hai, nắm được thực chất, nội dung và yêu cầu của chính sách.Theo đó, đòi hỏi các cơ quan có liên quan nắm rõ việc phân loại các địa phương theo ba nhóm với những biện pháp chính sách dành cho từng nhóm được nêu trong chỉ thị 15/CT-TTg và chỉ thị 16/CT-TTg. Đặc biệt, mức độ, phạm vi và thời gian áp dụng “giãn cách xã hội” có sự khác nhau giữa ba nhóm địa phương. Do đó, các địa phương cần nắm rõ địa phương mình thuộc nhóm nào để có thực hiện giải phù hợp.
Thứ ba, xây dựng và điều chỉnh kế hoạch hoặc “kịch bản”. Theo đó, trên cơ sở nắm rõ thực chất, nội dung và yêu cầu của chính sách theo Kết luận của Thủ tướng, các đơn vị và địa phương cần phải xây dựng hoặc điều chỉnh kế hoạch, “kịch bản” chống đại dịch cho phù hợp. Cần thấm nhuần quan điểm thực tiễn và tính linh hoạt cần thiết trong xây dựng và điều chỉnh kịch bản ở các địa phương. Cơ sở để xây dựng và điều chỉnh kịch bản chính là phải xác định xem địa phương mình thuộc nhóm nào và các yêu cầu chính sách đặt ra đối với địa phương mình là gì.
Thứ tư, tiếp tục công khai và minh bạch thông tin và tăng cường truyền thông về tình hình dịch bệnh và chính sách nới lỏng “giãn cách xã hội” cho người dân. Công khai thông tin về tình hình dịch bệnh nhằm bảo đảm “quyền được biết” của người dân; đồng thời cũng là cơ sở quan trọng để người dân hiểu, hợp tác và tiếp tục đồng hành cùng với các cơ quan trong công tác chống dịch Covid-19. Vì vậy, cần tiếp tục minh bạch thông tin cũng như phát huy tốt vai trò của các chủ thể trong truyền thông về chính sách nới lỏng “giãn cách xã hội” theo vùng miền để người dân hiểu đúng, đầy đủ và thực hiện.
Thông tin về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được cập nhật liên tục. Nguồn: Bộ Y tế
Thứ năm, tiếp tục phát huy đầy đủ vai trò và chức năng của các cơ quan trong thực hiện chính sách nới lỏng “giãn cách xã hội” theo vùng miền cũng như tiếp tục huy động nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch.
Theo đó, từ nội dung và yêu cầu của chính sách nới lỏng “giản cách xã hội” theo vùng miền và từ tình hình của địa phương, các cấp ủy Đảng cần tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; cơ quan nhà nước và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội, truyền thông đại chúng, đơn vị sự nghiệp… từ chức năng, nhiệm vụ của mình và nội dung của chính sách nới lỏng “giãn cách xã hội” để thực hiện các biện pháp cần thiết trong chống dịch. Bên cạnh nguồn lực của nhà nước, cần tiếp tục huy động nguồn lực của doanh nghiệp và xã hội cho công tác phòng, chống dịch cũng như đảm bảo an sinh xã hội.
Thứ sáu, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện. Theo đó, cần phát huy đầy đủ và đúng mức vai trò kiểm tra, giám sát của cấp trên đối với cấp dưới, của tổ chức Đảng, các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, báo chí và người dân đối với các chủ thể có liên quan trong quá trình thực hiện.
Nới lỏng “giãn cách xã hội” theo vùng miền là một lựa chọn chính sách hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Để thực hiện có hiệu quả chính sách này đòi hỏi rất cao ở năng lực của chủ thể thực thi chính sách. Yếu tố quan trọng nhất để thực hiện có hiệu quả chính sách này đó chính là tính trách nhiệm của các chủ thể thực thi chính sách.
Bình Trọng