Phật giáo du nhập vào Việt Nam những năm đầu công nguyên. Trong quá trình phát triển, Phật giáo luôn gắn bó với những thăng trầm của lịch sử Việt Nam và trở thành yếu tố tinh thần, văn hóa không thể thiếu trong một bộ phận nhân dân. Trải qua hơn 10 thế kỷ hội nhập với văn hóa Việt Nam đến thế kỷ thứ X (thời kỳ Đinh - Tiền Lê), Phật giáo đã bén rễ vào văn hóa của người Việt và phát triển một cách hưng thịnh thời kỳ Lý - Trần (thế kỷ X - XV). Từ một tôn giáo ngoại nhập, Phật giáo đã thực sự trở thành tôn giáo dân tộc và là bộ phận quan trọng góp phần tạo nên giá trị văn hoá tinh thần của dân tộc Việt Nam. Từ đó cho đến nay mặc dù có những giai đoạn rơi vào thoái trào nhưng Phật giáo Việt Nam luôn tìm được chỗ đứng trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam mà không có tôn giáo nào du nhập từ bên ngoài vào có thể làm được.
Các tình nguyện viên Phật giáo lên đường tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch Covid -19 ở các tỉnh miền Nam. Ảnh: Internet.
Nội dung giáo lý của Phật giáo đề cao tình thương yêu con người, trách nhiệm với cộng đồng xã hội, với đất nước ở mỗi một tín đồ. Thực hành “Tứ ân” (ân cha mẹ, ân chúng sinh, ân đất nước, ân Tam bảo), “Bố thí” là nguyên tắc sinh hoạt mang tính bắt buộc đối với đời sống của mỗi tín đồ. Trong đó, mỗi tín đồ phải có lòng “từ, bi, hỷ, xả”, phải biết tha thứ, yêu thương con người, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, nhất là đối với những người yếu thế trong xã hội để mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người; trách nhiệm với cộng đồng, đất nước thông qua những việc làm thiết thực vì lợi ích, sự phát triển của cộng đồng, của quốc gia, dân tộc. Với Phật giáo Việt Nam, tại Đại hội thành lập tổ chức chung “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” năm 1981, Giáo hội đã xác định đường hướng hoạt động gắn bó mật thiết giữa tôn giáo với dân tộc và chế độ là “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. Đường hướng này thúc đẩy Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động với phương châm “đồng hành cùng dân tộc”. Chính vì vậy, trong quá trình hoạt động, cùng với nhiều tôn giáo khác, Phật giáo Việt Nam có nhiều đóng góp quan trọng trên cả hai khía cạnh: tinh thần và vật chất, từng bước khẳng định vị trí của mình trên con đường phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Với tinh thần đó, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở Việt Nam, Phật giáo luôn tiên phong trong việc thực hiện đầy đủ các chính sách, quy định của Chính phủ. Không những vậy, với tư cách là tôn giáo có số lượng tín đồ lớn nhất ở Việt Nam, Phật giáo luôn chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong các cơ sở sinh hoạt, các chùa thuộc sự quản lý của Giáo hội trên cả nước; đồng thời, kêu gọi các Phật tử, tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành có những hành động thiết thực ủng hộ chính sách của Chính phủ bằng vật chất, tinh thần trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Đại diện Ban Văn hóa Phật giáo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh và Tu viện Khánh An cùng các nhà tài trợ tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại địa bàn quận 12, thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Internet.
Trong đợt bùng phát dịch thứ nhất tại Việt Nam, hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự thay mặt Ban Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành thông bạch số 066/TB-HĐTS, ngày 17-3-2020 về kêu gọi Ban, Viện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành phố, các cơ sở tự viện phát tâm đóng góp mua sắm thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19. Lời kêu gọi có đoạn: “Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi Chư tôn đức Tăng Ni, đồng bào Phật tử tiếp tục gương mẫu thực hiện những hướng dẫn, yêu cầu của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, của Bộ Y tế trong việc phòng, chống dịch, tự giác khai báo y tế, không tổ chức các pháp hội tập trung đông người tại các cơ sở thờ tự, không phát tán các thông tin không có nguồn gốc tin cậy. Và với tinh thần từ bi của Đạo Phật, truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, phát tâm đóng góp tiền mua trang thiết bị y tế, hàng, nhu yếu phẩm gửi đến giúp đỡ kịp thời đồng bào trong vùng và khu cách ly tập trung. Hãy hành động ngay lúc này chung tay cùng cả hệ thống chính quyền và cộng đồng xã hội chiến thắng dịch bệnh”.
Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam tặng quà cho Bệnh viện dã chiến số 10 tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Hưởng ứng lời kêu gọi của Giáo hội, các tổ chức trực thuộc, chức sắc, tín đồ Phật giáo Việt Nam thực hiện nghiêm các quy định trong phòng chống dịch, phát động nhiều phong trào có ý nghĩa để cùng Chính phủ, chính quyền và nhân dân các địa phương chống dịch Covid-19 như: phong trào “bữa cơm yêu thương” “Tăng ni cởi áo cà sa, khoác áo blouse”... Đặc biệt, trong đợt bùng phát dịch thứ tư, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đã ra Thông bạch số 130/TB-HĐTS, ngày 27-5-2021 để hưởng ứng phong trào ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19. Theo báo cáo sơ bộ của Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong đợt dịch lần thứ 4, từ ngày 27/4 - 26/8/2021, Giáo hội đã triển khai nhiều hoạt đông thiện nguyện với tổng số tiền khoảng 382.500.000.000 đồng. Trong đó, Giáo hội đã ủng hộ 3.500.000.000 đồng vào quỹ vaccine của Chính phủ, 2.000.000.000 đồng vào quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ủng hộ quỹ vaccine và quỹ phòng chống dịch của các tỉnh, thành phố với số tiền 135.000.000.000 đồng, 100.000 khẩu trang KN95 (TP Hồ Chí Minh), 25 máy thở đa năng cao cấp (TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An), 400 máy tạo oxi (TP Hồ Chí Minh), 10 xe cứu thương (TP Hồ Chí Minh), 500.000 phần quà, gần 1.000 tấn gạo, 5.000 tấn rau, củ quả... Cùng với sự ủng hộ về vật chất, tín đồ Phật giáo còn tình nguyện tham gia vào đội ngũ tuyến đầu chống dịch với số lượng lên đến 1.250 người, hàng chục cơ sở thờ tự của Phật giáo được sử dụng thành các cơ sở cách ly, chăm sóc bệnh nhân...[1]. Ngoài hoạt động của Giáo hội, các tổ chức trực thuộc (chùa, tự viện...) ở các địa phương tích cực triển khai nhiều hoạt động đa dạng, thiết thực, ý nghĩa cùng với chính quyền và nhân dân chung sức giải quyết các khó khăn từ dịch bệnh, đặc biệt là các hoạt động ủng hộ lực lượng tuyến đầu chống dịch, người dân tại các địa điểm cách ly tập trung, những người bị ảnh hưởng do đại dịch... Những hoạt động tích cực của Phật giáo, nhất là trong công tác từ thiện góp phần lan tỏa tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm không chỉ trong chức sắc, tín đồ mà còn trong cộng đồng, xã hội.
Có thể nói rằng, cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở nước ta đã và đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong cuộc chiến này, một lần nữa sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc được phát huy và nhân lên, trở thành động lực để đất nước đứng vững trước sự tác động của đại dịch thế kỷ. Các tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng đang khẳng định vai trò của mình với tư cách là “nguồn lực xã hội” quan trọng trong khối đại đoàn kết dân tộc. Những đóng góp của Phật giáo Việt Nam khẳng định giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của Phật giáo đối với sự phát triển của chế độ xã hội mới. Khẳng định giá trị này, Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cho rằng: “Thời nào cũng thế, mỗi khi quốc gia, dân tộc gặp hoạn nạn những người dân Việt Nam lại phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống cứu người. Đây không phải là việc mới mà được kế thừa từ những tình cảm, những tâm nguyện của đạo Phật từ xưa đến nay và mãi mãi về sau”.
[1]http://btgcp.gov.vn.
Nguyễn Công