Kế thừa tinh thần lấy dân làm gốc đã được đề cập trong Văn kiện các kỳ Đại hội trước, Đại hội XIII tiếp tục khẳng định, bổ sung và phát triển sâu sắc hơn, hoàn thiện hơn nội dung phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân.
Từ thực tiễn công cuộc đổi mới, đặc biệt là trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng ta đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm trong đó có bài học về vai trò của Nhân dân: “trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm "Dân là gốc"; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Theo đó, lần đầu tiên, thành tố “Dân giám sát, dân thụ hưởng” đã được đưa vào văn kiện bên cạnh nội dung: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đây là điểm nhấn rất quan trọng trong Nghị quyết thể hiện tư tưởng vì dân, trọng dân, đề cao vai trò, vị thế, sức mạnh của Nhân dân trong thể chế nhà nước “của dân, do dân, vì dân”. Được “giám sát” mọi vấn đề, mọi công việc của đất nước, của địa phương là biểu hiện cao nhất của tinh thần dân chủ thực sự. Và Nhân dân cũng phải được “thụ hưởng” mọi thành quả của mình làm ra - đây được xem là động lực quan trọng, động viên mọi cố gắng, nỗ lực và sức sáng tạo của Nhân dân trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: Internet.
Nhấn mạnh vai trò của Nhân dân, Nghị quyết Đại hội XIII khẳng định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc, ấm no của dân làm mục tiêu phấn đấu; củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”(1). Luận điểm trên cho thấy phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân tiếp tụclà nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong phát triển đất nước giai đoạn mới. Đồng thời, “hạnh phúc, ấm no của dân” đã và luôn là mục tiêu trong mọi đường lối, quyết sách của Đảng vìkhát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Trên cơ sở tổng kết, đánh giá việc thực hiện dân chủ trong nhiệm kỳ Đại hội XII, tại Đại hội XIII, Đảng ta đã bổ sung, phát triển nhiều luận điểm mới có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc định hướng cho việc phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân trong tình hình mới.
Hội nghị tổng kết việc thực hiện QCDC ở cơ sở năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện QCDC ở cơ sở. Ảnh: Internet.
Trước hết, một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Đại hội XIII nhấn mạnh: “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân”(2). Định hướng này xuất phát từ nhận thức: “Xây dựng nền dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ thực sự thuộc về nhân dân là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam”(3).
Về nội dung, phương châm thực hiện dân chủ, Đại hội XIII xác định: (i)Tiếp tục cụ thể hoá, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến Pháp năm 2013, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. (ii) Thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". (iii) Xác định rõ hơn vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong cơ chế thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”. (iv) Yêu cầu cấp ủy, tổ chức Đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội. (v) Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. (vi) Xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị - xã hội hoặc vi phạm dân chủ, làm phương hại đến quyền làm chủ của nhân dân”(4).
Để phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, Đại hội XIII xác định: một trong những nhiệm vụ, giải pháp của công tác xây dựng Đảng là: “thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng”(5); tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự “trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”(6). Đại hội xác định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ này là “hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân”(7) và phải “Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở”(8).
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã nhận thức sâu sắc rằng để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội phải phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Thực tiễn cách mạng Việt Nam qua hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới đã thể hiện rất rõ những tiến bộ đạt được trong thực hành dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Những quan điểm, chủ trương nói trên của Đại hội XIII là những định hướng lý luận quan trọng cho việc phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân trong thực tế.
-----------------------------------
(1), (2), (4), (5), (6), (7).Ban Tuyên giáo Trung ương, Tài liệu học tập các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, NXb CTQG ST, H. 2021, tr.23-24, tr.41, tr.72-73, tr.235-236, tr.92.
(3). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, ngày 16/5/2021.
(8). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.173.
Vũ Thị Ngọc Liên