Trong chiều dài lãnh đạo cách mạng nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đề cao vai trò, sức mạnh của nhân dân, xem “dân là gốc” của cách mạng. Đó chính là cội nguồn, là sức mạnh đem đến mọi thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam.
Dân là gốc
Với sự kết hợp hợp khéo léo đến tầm nghệ thuật của tư tưởng dân là gốc trong truyền thống dân tộc kết hợp với quan niệm đề cao vai trò của quần chúng nhân dân của Chủ nghĩa Mác - Lênin và sự trải nghiệm thực tiễn hoạt động chính trị của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh có quan điểm sâu sắc, toàn diện về phát huy vai trò của nhân dân với tư cách “Dân là gốc”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Dân là gốc của nước, là cơ sở của mọi thắng lợi, là lực lượng tạo ra mọi của cải vật chất, tinh thần. Hồ Chí Minh nói: “Nước lấy dân làm gốc, gốc có vững thì cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, biểu hiện của dân là gốc là phải tin ở dân, gần gũi với dân, kính trọng dân và biết dựa vào dân, phải nhận thức rõ dân chúng rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng “Có lực lượng của dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra”. Người tâm đắc với câu dân gian: “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Không chỉ dừng lại ở việc đơn thuần nhận thức vai trò, sức mạnh của nhân dân, Hồ Chí Minh còn chỉ ra rằng vai trò, sức mạnh của nhân dân càng được phát huy, càng được nhân lên khi được tập hợp, đoàn kết thành một lực lượng hùng hậu. Khẳng định về vai trò của nhân dân và sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân, Hồ Chí Minh đánh giá: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”.
Để thể chế hóa tư tưởng Dân là gốc chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng nhà nước kiểu mới của dân, do dân và vì dân. Khi nước nhà giành được độc lập, Người khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra... Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.
Người nhắc nhở: “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân,... Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.
Khi đưa ra mô thức về nhà nước của dân, do dân, vì dân, Hồ Chí Minh cũng đề cập ngay đến những công cụ, cơ chế để bảo vệ quyền lực tối cao thuộc về nhân dân. Trong đó, Người đặc biệt chú trọng xây dựng một nhà nước pháp quyền có hiệu lực pháp lý mạnh mẽ để hình thành một nhà nước trong sạch vững mạnh. Người nhấn mạnh yếu tố pháp quyền, coi đó như một thứ vũ khí quan trọng để bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân, “trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.
Xuất phát từ những kinh nghiệm thực tiễn lịch sử của dân tộc, xuất phát từ những giá trị đúc kết tư tưởng Dân là gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay, Đảng ta luôn khẳng định “lấy dân làm gốc” là bài học kinh nghiệm hàng đầu, là cơ sở cho việc hoạch định đường lối phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI - Đại hội đổi mới đất nước, một trong bốn bài học lớn được Đảng rút ra là, “trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân”.
Văn kiện còn nhấn mạnh “Những mục tiêu do Đại hội đề ra chỉ có thể đạt được bằng những hành động cách mạng sáng tạo của hàng triệu quần chúng”.
Khi nhìn lại 30 năm đổi mới, từ những thành tựu cũng như những hạn chế, khuyết điểm, trong Văn kiện đại hội lần thứ XII Đảng ta cũng rút ra bài học: “Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm "dân là gốc", vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Mới đây, Dự thảo các văn kiện trình đại hội XIII của Đảng cũng tiếp tục khẳng định: “Quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; mọi chủ trương, chính sách đều phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích của nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.
Phát huy tư tưởng “Dân là gốc” và khối đại đoàn kết toàn dân để phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay
Hiện nay, trước những thay đổi và thách thức mới của thời đại, đòi hỏi chúng ta phải quán triệt sâu sắc hơn quan điểm “Dân là gốc” để xây dựng, phát huy sức mạnh của nhân dân từ đó thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Để phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh của nhân dân ở nước ta trong giai đoạn hiện nay trên tinh thần tư tưởng lấy “Dân là gốc”, theo chúng tôi cần chú trọng giải quyết tốt một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức cho nhân dân về vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình với tư cách “Dân là gốc”.
Để phát huy sức mạnh của nhân dân thì điều cơ bản, cốt lõi là người dân phải nhận thức đúng vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình với tư cách là chủ thể của cách mạng, của chế độ xã hội. Đảng, Nhà nước và các tổ chức khác phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để nhân dân nắm được quan điểm của Đảng, hệ thống văn bản bản pháp luật quy định quyền và nghĩa vụ của mình trong chế độ xã hội. Khi nhận thức đầy đủ, sâu sắc thì chắc chắn nhân dân sẽ phát huy hết phẩm chất, năng lực của mình trong hoạt động thực tiễn.
Thứ hai, tăng cường xây dựng, cũng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Muốn phát huy được sức mạnh của nhân dân, muốn nhân dân “dấn thân” vào thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, thì điều quan trọng là dân đặt niềm tin vào Đảng và Nhà nước. Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “tăng cường cũng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng và Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”.
Để làm được điều đó thì cần: Đảng lãnh đạo phải bằng “hành động gương mẫu của đảng viên”. Dân có tin Đảng hay không yếu tố quyết định phụ thuộc vào bản thân Đảng, vào sự trong sạch, vững mạnh của Đảng và sự gương mẫu của mọi đảng viên. Đảng viên không gương mẫu thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật, rèn luyện đạo đức, lối sống, thì chủ trương, chính sách của Đảng khó có thể trở thành hiện thực, thậm chí bị thực hiện sai, lúc đó nhân dân thiếu tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách, công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động của Đảng và Nhà nước.
Tính gương mẫu đòi hỏi người đảng viên phải gương mẫu toàn diện, không chỉ về tư tưởng chính trị mà còn phải gương mẫu về đạo đức, lối sống; không chỉ gương mẫu trong lời nói mà còn cả trong việc làm với những hành động cụ thể, thiết thực trên mọi lĩnh vực, trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc, mọi nơi, trong tổ chức, trong gia đình và ngoài xã hội.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, quan liêu, cửa quyền để triệt để loại bỏ những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất. Đặc biệt cần có cơ chế, pháp luật để loại trừ “tham nhũng vặt”. Bởi “tham nhũng vặt” dù không lớn nhưng hàng ngày tác động trực tiếp đến nhân dân, nhân dân thường ngày bắt gặp, thậm chí “bắt buộc” phải làm những hành vi sai trái mà mình không muốn.
Thứ ba, Đảng, Nhà nước phải tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân
Muốn phát huy sức mạnh của nhân dân thì giữa Dân và Đảng phải có tiếng nói đồng thuận “ý Đảng lòng Dân”. Thông qua đối thoại để dân trình bày những thắc mắc, những vấn đề chưa hiểu từ quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Thông qua đối thoại để dân trình bày tâm tư, nguyện vọng, hiến kế của mình đối với Đảng và Nhà nước.
Đây là kênh rất quan trọng để Đảng, Nhà nước xây dựng, điều chỉnh, bổ sung những quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách phù hợp với thực tiễn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Trong đối thoại trực tiếp với nhân dân thì không chỉ “mở rộng cửa công quyền để đón dân vào” mà cần “tìm đến dân”, đặc biệt là vai trò của những người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp.
Thứ tư, thực hiện thực chất, hiệu quả hơn Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Trong thời gian vừa qua, việc mở rộng dân chủ hóa đời sống xã hội, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã và đang phát huy vai trò làm chủ, tính chủ động, sáng tạo của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Tuy nhiên, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong những năm vừa qua còn một số hạn chế nhất định. Chẳng hạn, cơ chế thực hiện còn lúng túng, vận hành kém hiệu quả; phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" còn chưa đi sâu vào cuộc sống của người dân ở nông thôn và dường như mới dừng lại ở "dân làm".
Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát đặc biệt là dân hưởng thụ thực hiện còn hình thức, nhiều bất cấp. Do vậy, cần có cơ chế pháp lý, cách thức tổ chức thực hiện thực chất hơn, khi dân thấy được và được hưởng những thành quả của mình làm ra thì họ sẽ hồ hởi, phấn khởi tham gia, lúc đó sẽ phát huy được sức mạnh quần chúng nhân dân từ cơ sở.
Thứ năm, xây dựng, củng cố, mở rộng, khối liên minh giai - tầng vững chắc
Một trong những yếu tố tạo nên sức mạnh to lớn của nhân dân Việt Nam, của dân tộc Việt Nam đó là có khối liên minh giai cấp, tầng lớp vững chắc giữa công nhân, nông dân và trí thức, đây cũng là nòng cốt để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chính sức mạnh này đã làm nên bao chiến thắng và thành công trong các chặng đường phát triển đất nước, trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Hiện nay, trong thời đại mới - hội nhập quốc tế, kinh tế tri thức, cách mạng công nghiệp 4.0 đang xuất hiện nhiều thử thách mới, càng đòi hỏi sự chung sức, chung lòng của các giai cấp và tầng lớp để giải quyết. Do vậy, trên nền tảng sẵn có chúng ta tiếp tục cũng cố khối liên minh vững chắc đồng thời mở rộng khối liên minh ấy khi trong xã hội xuất hiện giai cấp, tầng lớp, đội ngũ mới có lợi cho cách mạng.
Để xây dựng khối liên minh vững chắc, phát huy sức mạnh từng giai cấp, tầng lớp, đội ngũ và sức mạnh tổng thể thì nên chăng Đảng cần có một Nghị quyết chuyên đề về xây dựng khối liên minh ấy.
Thứ sáu, thu hút và trọng dụng nhân tài của đất nước
Cùng với thu hút, trọng dụng nhân tài trong nước, cần xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút nhân tài từ bên ngoài, đặc biệt là những trí thức người Việt khắp nới trên thế giới. Chúng ta cần tuyên truyền vận động toàn xã hội thực sự coi trọng đội ngũ trí thức, nhân tài Việt Nam này; tạo điều kiện để những nhân tài Việt kiều có nguyện vọng, có điều kiện về thăm quê hương, tham gia đầu tư, sản xuất, kinh doanh, chuyển giao công nghệ mới, hiện đại… và cống hiến cho đất nước. Đối với những nhà khoa học Việt kiều có nguyện vọng định cư hoặc làm việc lâu dài ở Việt Nam thì cần tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để họ làm việc, sinh sống.
Lê Văn