Sức mạnh toàn dân tộc - cội nguồn thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh
Sau những thắng lợi giòn rã của các đòn tiến công chiến lược vào Tây Nguyên và Huế - Đà Nẵng, Quân đoàn 1, Quân đoàn 2 ngụy bị xóa sổ, hệ thống chính quyền ngụy ở Quân khu 1, Quân khu 2 bị đập tan. Ta đã giải phóng một dải đất rộng lớn chiếm đến 3/4 đất đai và gần 1/2 dân số miền Nam. Một cục diện mới chưa từng có đã mở ra, lực lượng quân sự, lực lượng chính trị và thế chiến lược của ta áp đảo toàn diện địch, thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam đã chín muồi. Trước tình hình đó, Đảng ta đã kịp thời đề ra chủ trương lãnh đạo toàn quân, toàn dân với tinh thần “một ngày bằng hai mươi năm”, huy động cao độ sức mạnh của cả dân tộc vào trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, thực hiện thắng lợi mục tiêu “đánh cho ngụy nhào”, “kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay”.
Để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc vào tiến hành trận quyết chiến đánh thẳng vào sào huyệt cuối cùng của chế độ Sài Gòn, tiêu diệt toàn bộ ngụy quân, đập tan hoàn toàn bộ máy cai trị ngụy quyền, giành thắng lợi quyết định kết thúc chiến tranh, trong phiên họp ngày 30/3 và ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị đã chính thức hạ quyết tâm mở chiến dịch quy mô lớn, có ý nghĩa lịch sử mang tên Bác - Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đây thực sự là sự lựa chọn sáng suốt của Đảng, bởi đó không chỉ khẳng định sự chính xác về tính chất, loại hình tác chiến khi cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta bước vào thời điểm cuối, mà tên Chiến dịch còn là biểu tượng để tập hợp sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc cho thắng lợi của Chiến dịch.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng sức mạnh dân tộc được phát huy mạnh mẽ, trở thành nhân tố chủ yếu, quyết định đến thắng lợi vĩ đại, được đánh dấu bằng mốc son lịch sử chói lọi ngày 30/4/1975. Điều đó được thể rất rõ thông qua sự vận dụng sáng tạo trong lựa chọn chính xác và tiến hành thành công phương thức tác chiến chiến lược, cũng như cách đánh Chiến dịch; là lực lượng và thế trận; là tư tưởng chỉ đạo “thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa” và tinh thần “quyết chiến, quyết thắng”...
Thực tiễn cho thấy, trước giờ mở đầu chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã xây dựng được một thế trận vững vàng và độc đáo của chiến tranh nhân dân. Các lực lượng vũ trang của ta (gồm: 04 quân đoàn chủ lực và Binh đoàn 232 (tương đương quân đoàn, trực thuộc Miền), các đơn vị bộ đội địa phương, các đội biệt động, các tổ chức dân quân tự vệ, an ninh vũ trang và một lực lượng lớn bộ đội đặc công) không những đã đứng vững trên các địa bàn trọng yếu xung quanh Sài Gòn, mà còn bám trụ ngay cả ở vùng ven và sâu trong nội thành. Đối với lực lượng chính trị của quần chúng ngày càng phát triển trong nội đô đã có nhiều kinh nghiệm đấu tranh chống địch dưới nhiều hình thức, lúc này lại có hàng ngàn cán bộ vừa mới tăng cường hướng dẫn chuẩn bị đấu tranh phối hợp với đòn tiến công lớn của quân chủ lực.
Quá trình Chiến dịch diễn ra, ta đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt các thủ đoạn tác chiến, phối hợp rất chặt chẽ giữa tiến công quân sự với nổi dậy giành quyền làm chủ của nhân dân; kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự với đấu tranh chính trị, binh vận. Bằng các đòn tiến công thần tốc, táo bạo và dũng mãnh của 05 cánh quân, các quân đoàn chủ lực của ta trên từng hướng đã hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng vũ trang tại chỗ lần lược tiêu diệt các mục tiêu chiến lược, chiến dịch của địch, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân trong vùng địch kiểm soát anh dũng vùng lên đấu tranh giành chính quyền, vận động binh sĩ ngụy hạ vũ khí quay về với nhân dân, bảo vệ các cơ sở hạ tầng xã hộị. Đây là một trong những minh chứng rõ nét cho thành công của việc phát huy sức mạnh dân tộc, ý chí tự lực, tự cường “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” trong tiến công địch, giành thắng lợi cho Chiến dịch.
Nhận định về điều này, trong Báo cáo Chính trị Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV (năm 1976) Đảng ta khẳng định: “Nhờ kết hợp sức mạnh của nhân dân ta với sức mạnh của thời đại, nhờ đường lối quốc tế đúng đắn của Đảng, chúng ta đã tranh thủ được sự ủng hộ rất to lớn về tinh thần và vật chất của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, của tất cả các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới, tạo thành mặt trận quốc tế rộng lớn chưa từng có ủng hộ Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược”.
Phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay
Từ thực tiễn Chiến dịch Hồ Chí Minh đã cho thấy, Đảng ta đã tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong xây dựng, đổi mới, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, đường lối, chủ trương của Ðảng, Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện và thể chế hóa bằng các chính sách, pháp luật. Các tầng lớp nhân dân đã nỗ lực chung sức, chung lòng cùng Ðảng, Nhà nước vượt qua khó khăn, thử thách, giữ vững sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra các chủ trương và giải pháp chủ yếu để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là thực hiện tốt chính sách xã hội, tạo điều kiện cho mọi giai cấp, tầng lớp xã hội phát triển vững mạnh. Cùng với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, việc tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí cũng được Đảng ta xác định là cơ sở để tạo sự đồng thuận xã hội, đồng thuận giữa nhà nước và nhân dân, qua đó tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực tế trong công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo, bảo đảm lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân, thực hiện tốt chính sách xã hội, thể hiện sự ưu việt của chế độ xã hội nước ta. Thực hiện tốt chính sách xã hội không chỉ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn là một trong những yếu tố quyết định sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.
Để phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIII xác định cần phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng là điều kiện tiên quyết để Đảng ta thực sự xứng đáng là hạt nhân đoàn kết của toàn xã hội. Sự lãnh đạo của Đảng chính là ngọn cờ tập hợp, quy tụ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Để thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Đảng ta xác định, cần giải quyết tốt các mối quan hệ, thu hẹp những khác biệt giữa các bộ phận xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Giải quyết tốt vấn đề này không chỉ trực tiếp góp phần củng cố sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà còn là cơ sở để đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch hòng chống phá khối đại đoàn kết dân tộc ở nước ta...
Để tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành toàn xã hội đối với việc xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới. Muốn vậy, phải tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nhất quán quan điểm: cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các tầng lớp, giai cấp và các thành phần trong xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng việc không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Tinh thần bất diệt của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vẫn đang tiếp tục soi sáng sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta, trong đó có việc phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Chiên Lê