Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ
Tính chất của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng ta xác định rất rõ. Đây là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính; góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân[i]. Những kết quả to lớn trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam thời gian qua, đã cho thấy quyết tâm rất lớn của toàn Đảng, toàn dân ta trong thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng này.
Tuy nhiên, đúng như Đảng ta nhận định, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam thời gian tới vẫn tiếp tục còn nhiều khó khăn, thách thức do tình trạng tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn còn khá nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này bắt nguồn từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những người đứng đầu. Điều này đã được đồng chí Tổng Bí thư chỉ rõ như sau: “Tham nhũng là một loại hành vi tiêu cực do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, là loại biểu hiện cụ thể của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”; do đó “phòng, chống tiêu cực mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng”[ii].
Xác định nguyên nhân chủ yếu của tình trạng tham nhũng, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu bắt nguồn từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống nên để đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, ngoài việc siết chặt các quy định về kỷ cương, kỷ luật; không thể không chú ý tới việc phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Vì nêu gương có liên quan trực tiếp đến ý thức, đạo đức, nhân cách của mỗi cán bộ, đảng viên nó có tác động trực tiếp đến ý thức trách nhiệm của họ trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Điều đó giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên vừa có ý thức tự kiểm điểm, đánh giá bản thân, có thức giữ gìn phẩm chất đạo đức trong sạch, liêm chính; song cũng mặt khác giúp họ có ý thức đấu tranh với những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực của đồng chí, đồng nghiệp.
Phát huy trách nhiệm “nêu gương” của cán bộ, đảng viên
Để đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả, cần phát huy trách nhiệm “nêu gương” của cán bộ, đảng viên trên những phương diện cơ bản sau:
Một là, mỗi cơ quan, đơn vị cần thực hiện tốt quy định về trách nhiệm nêu gương, để việc nêu gương trở thành nội dung bắt buộc, quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng: “Thực hiện tốt các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu các cấp, chức vụ càng cao phải càng gương mẫu. Nêu gương phải thực sự trở thành nội dung quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng”[iii]. Thông qua việc thực hiên tốt quy định về nêu gương, mỗi cơ quan, đơn vị có cách thức để kiểm tra, giám sát, đánh giá kết của thực hiện quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị nói chung và trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại mỗi cơ quan, đơn vị nói riêng.
Hai là, phát huy vai trò giám sát, phản biện của các báo chí, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân với việc thực hiện quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên. Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, kết hợp với việc phát huy vai trò giám sát của báo chí và nhân dân với việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Thực hiện có hiệu quả việc giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt”. Thông qua đó có thể kiểm soát, hạn chế tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn của một bộ phận cán bộ, đảng viên để tham ô, trục lợi hoặc có những biểu hiện tiêu cực.
Ba là, bản thân các cán bộ, đảng viên không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nêu cao trách nhiệm, danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên; nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” và nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức cách mạng; tự giác, gương mẫu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên phải theo phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, “học đi đôi với làm theo”; cấp ủy viên nêu gương cho đảng viên, đảng viên nêu gương cho quần chúng; cán bộ cấp trên nêu gương cho cán bộ cấp dưới; thủ trưởng cơ quan, đơn vị nêu gương cho công chức, viên chức và người lao động. Từ việc nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên hướng tới việc xây dựng tập thể nêu gương, đơn vị nêu gương để từng bước lan tỏa giá trị của người cán bộ, đảng viên và của tổ chức đến với quần chúng nhân dân. Có như vậy, tình trạng tham nhũng, tiêu cực mới từng bước được đẩy lùi tận gốc.
Đúng như phương châm: Một tấm gương sống còn hơn cả trăm bài diễn thuyết, nêu gương chính là một phương thức không thể thiếu trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay. Nêu gương sẽ giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên luôn có ý thức và biết đề cao danh dự, lòng tự trọng của bản thân, “không dám” và “không thể” để bàn tay mình “nhúng chàm”. Chỉ khi mỗi cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu có ý thức tự soi, tự sửa, đầu tàu gương mẫu thì công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng mới có thể được thực hiện một cách triệt để, tận gốc.
TS Thành Thu Trang
[ii] Nguyễn Phú Trọng, Sđd, tr.16