Ý chí tự lực, tự cường trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Hồ Chí Minh luôn đề cao tinh thần tự lực, tự cường. Tinh thần ấy được thể hiện đậm nét trong hệ thống tư tưởng của Người:
Tự lực, tự cường là tiền đề của độc lập, tự do và là điều kiện tiên quyết để phát triển quan hệ ngoại giao
Thực tế đấu tranh giành độc lập của các dân tộc thuộc địa đã giúp Hồ Chí Minh hiểu rằng: Công cuộc giải phóng phải là công cuộc "tự giải phóng". Người chỉ rõ: "Vận dụng công thức của Các Mác, chúng tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em"(1).
Tháng Tám năm 1945, Người đã kêu gọi đồng bào "đem sức ta mà giải phóng cho ta", tinh thần người dân tự giải phóng mình đã mang lại nền độc lập thiêng liêng cho Tổ quốc.
Từ kinh nghiệm thực tế của Việt Nam và thế giới, Người đã đúc rút kết luận: "Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập"(2), "Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào"(3). Khi động viên toàn dân tích cực tham gia và ủng hộ kháng chiến vì nền độc lập thiêng liêng của Tổ quốc, Người nói rõ: "Mỗi một người dân phải hiểu: Có tự lập mới độc lập, có tự cường, mới tự do"(4).
Tự lực,tự cường là nội dung nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Ảnh Tư liệu.
Hồ Chí Minh cho rằng muốn tăng cường đoàn kết quốc tế thì trước hết phải tăng cường nội lực dân tộc, phát huy tinh thần tự lực cánh sinh. Người nhấn mạnh: "Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn”(5). Nếu không có thực lực thì không thể nói gì đến ngoại giao, càng không thể mong muốn sự bình đẳng, độc lập, tự chủ.
Phát huy tinh thần tự lực, tự cường là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước
Ngay từ khi tiếp cận chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh đã hiểu rằng: Nếu biến lý luận Mác-Lênin thành "kinh thánh" và "công thức sáo mòn" thì tức là đã gạt bỏ nó ra khỏi cuộc sống. Vì thế, Người đã rất sáng tạo trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Người đặt câu hỏi: "Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại"(6).
Sau Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh cho rằng nền văn hóa mới của Việt Nam phải góp phần tẩy bỏ tâm lý nô lệ để xây dựng một tinh thần mới -“tinh thần độc lập tự cường”(7). Thực hiện nguyên tắc độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của Hồ Chí Minh, trong mọi chặng đường cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đều nỗ lực phát huy tinh thần “Tự lực cánh sinh”. Nếu Cách mạng Tháng Tám diễn ra theo tinh thần “đem sức ta mà giải phóng cho ta” thì phương châm cuộc kháng chiến chống Pháp là “Toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính”, trong việc xây dựng chế độ mới là “phải nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, cần kiệm xây dựng nước nhà”(8). Người căn dặn, trong mọi hoàn cảnh, luôn phải “lấy tự lực cánh sinh làm gốc để ứng phó với mọi phát triển của tình hình; dù tình hình ấy thuận lợi hay gay go thì ta vẫn chủ động”(9) bởi sự chủ động sẽ mang đến cơ hội thành công và mọi sự phụ thuộc, lệ thuộc đều dẫn đến việc đánh mất quyền độc lập dân tộc.
Tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc phải được xây đắp bằng ý chí tự lực cánh sinh của mỗi cá nhân.
Tính tự lực, tự cường không chỉ giúp mỗi con người thành công mà còn giúp họ trở thành những người có lòng tự trọng, hiểu biết và có một cuộc đời hữu ích. Do đó, mỗi người phải tự vượt qua khó khăn để đạt được kết quả tốt nhất trong công việc. Theo Hồ Chí Minh tự lực, tự chủ là phẩm chất, quyền lợi mang "tính người" và nếu con người không có quyền tự chủ thì không còn là con người nữa.
Trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo, miền Nam chưa được giải phóng thì tinh thần tự lực, tự cường càng cần phải phát huy. Hồ Chí Minh căn dặn: "Cứ chờ Đảng và chờ Chính phủ giúp đỡ, thì không đúng đâu. Đảng và Chính phủ đề ra chính sách, phái cán bộ về hướng dẫn, thế là giúp đỡ. Nhưng đó là phụ. Lực lượng nhân dân tổ chức nhau lại là chính. Không nên ỷ lại, mà phải tự lực cánh sinh"(10). Tự lực, tự cường là phẩm chất cao quý mà người có đạo đức, có lòng tự trọng phải có nên trong nhà trường, ngoài việc giáo dục cho học trò lòng yêu nước thương nòi thì "phải dạy cho họ có chí tự lập tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ"(11).
Việc phát huy tinh thần tự lực, tự cường đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của thế giới trên nguyên tắc nội lực là nhân tố quyết định
Hồ Chí Minh khẳng định: "Muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã"(12). Khi Việt Nam đánh Mỹ và nhận được sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô và Trung Quốc, Hồ Chí Minh vẫn kiên trì nhắc nhở cán bộ và nhân dân: "Các nước bạn ta, trước hết là Liên Xô và Trung Quốc ra sức giúp đỡ ta một cách vô tư, khẳng khái, để chúng ta có thêm điều kiện tự lực cánh sinh"(13) chứ không phải để ta sinh ra tật ỷ lại, trông chờ vào người khác. Trên thực tế, sức hậu thuận của thế giới thường tỷ lệ thuận với những thắng lợi của nhân dân ta và điều đó đã nói lên vai trò quyết định của nội lực.
Khơi dậy và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Sau 35 năm Đổi mới, Việt Nam đã có được cơ đồ, tiềm lực ,vị thế và uy tín to lớn chưa từng có. Những thành tựu đáng tự hào đó là sự hội tụ của nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến sức mạnh của ý chí tự lực, tự cường. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã coi phát huy nội lực, ý chí tự lực, tự cường là một trong những động lực quan trọng để phát triển đất nước hiện nay. Tuy nhiên, cần phải xác định rõ rằng: Nội lực không chỉ là tiền của đang nằm trong "túi dân" mà là toàn bộ trí tuệ, tâm huyết, ý chí, quyết tâm của mỗi con người Việt Nam. Để phát huy nội lực, trước hết, chúng ta phải phát huy sức mạnh của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm để "xóa đói, giảm nghèo", xóa bỏ hết bần hàn, lạc hậu.
Đại đoàn kết toàn dân tộc - sức mạnh to lớn của dân tộc Việt Nam, cần được tiếp tục phát huy. Nếu xưa kia Hồ Chí Minh luôn khẳng định "đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị" (14) thì từ Đại hội Đảng IX đến nay, đại đoàn kết toàn dân tộc luôn là "thành tố" của chủ đề Đại hội với hàm nghĩa đây là một động lực to lớn để phát triển đất nước.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng có một điểm mới là ngay trong chủ đề Đại hội đã nhấn mạnh chủ trương "sức mạnh đại đoàn kết dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại". Nói đến sức mạnh thời đại là nói đến sức mạnh của hợp tác quốc tế và khoa học, công nghệ. Ngày nay, dù hướng ra bên ngoài để gia tăng nội lực là xu hướng phát triển tất yếu của các quốc gia nhưng nội lực vẫn là quyết định và chỉ khi thực sự có nội lực, ta mới có thể đưa ra quan điểm độc lập của mình về các vấn đề quốc tế và tiến hành "hòa nhập" mà không "hòa tan".
Trên thực tế, mọi động lực phải thông qua động lực con người mới trở thành sức mạnh; cho nên, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”. Từ quan điểm của Hồ Chí Minh, rằng "vô luận việc gì, đều do con người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả"(15), Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: "phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao" (16) là một trong 3 đột phá chiến lược của nhiệm kỳ này.
Cùng với đó là triển khai có hiệu quả tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng là: cần có cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung; đồng thời, cần có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ,... không còn uy tín đối với nhân dân.
Phát huy tinh thần tự lực, tự cường vốn là nét đẹp trong truyền thống văn hóa Việt Nam và đã được Hồ Chí Minh phát triển lên một tầm cao mới. Những chỉ dẫn quý báu về tinh thần tự lực, tự cường của Người ngày càng tỏ rõ giá trị và tiếp tục soi đường cho dân tộc Việt Nam trong hành trình trở thành nước phát triển, thu nhập caovào năm 2045.
------------------------
Tuấn Đỗ