Gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, lĩnh vực phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam có nhiều khởi sắc. Một trong những động lực quan trọng góp phần làm nên thành công đó là sự đổi mới tư duy lý luận của Đảng. "Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa" là một trong những quan điểm mới của Đảng nhằm khơi dậy và phát huy nguồn lực văn hóa, con người, đáp ứng quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Công nghiệp biểu diễn là một trong những ngành được ưu tiên phát triển. Ảnh: baolamdong
Từ chủ trương đúng đắn, kịp thời
Bước vào thời kỳ đổi mới, để thích ứng với yêu cầu, đòi hỏi của đời sống văn hóa trong và ngoài nước, Đảng đã xây dựng và ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề văn hóa. Tiêu biểu như: Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 28/11/1987 của Bộ Chính trị khóa VI về "Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hoá, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hoá phát triển lên một bước mới"; Nghị quyết số 04-NQ/HNTW, ngày 14/01/1993 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Một số nhiệm vụ văn hoá, văn nghệ những năm trước mắt”; Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16/7/1998, của Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Bên cạnh đó là những kết luận, chỉ thị, thông báo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương sau khi sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết nhằm lãnh đạo, chỉ đạo và định hướng kịp thời sự vận động, phát triển của nền văn hóa dân tộc trước những yêu cầu, đòi hỏi mới của thời đại.
Một trong những quan điểm mới của Đảng trong phát triển văn hóa là lần đầu tiên Đảng đề ra chủ trương đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Chủ trương này được đề cập trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (2014) về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nghị quyết nhấn mạnh: “Phát triển công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới… Đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường văn hóa và công nghiệp văn hóa”(1).
Quan điểm này tiếp tục được nhấn mạnh và cụ thể hóa trong Văn kiện các kỳ Đại hội Đảng lần thứ XII, XIII. Để phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh mới, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII đề ra nhiệm vụ: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hoá và dịch vụ văn hoá trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hoá Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hoá, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới. Gắn phát triển văn hoá với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hoá cho các thế hệ mai sau”(2).
Việc đẩy nhanh phát triển công nghiệp văn hóa gắn với phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam là một bước tiến trong tư duy lý luận của Đảng về văn hóa nhằm khai thác và phát huy nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào và sức sáng tạo của con người Việt Nam, tạo động lực cho quá trình phát triển.
Năm 2014, thuật ngữ “Công nghiệp văn hóa” lần đầu tiên được đề cập trong văn kiện của Đảng. Tuy nhiên, chủ trương về phát triển công nghiệp văn hóa có lẽ được khởi thảo, manh nha từ Nghị quyết Trung ương năm khóa VIII (1998) khi Đảng nhấn mạnh đến việc thực thi “Chính sách kinh tế trong văn hóa”, nhằm gắn văn hóa với các hoạt động kinh tế; mở rộng hoạt động kinh doanh dịch vụ (hoạt động thể thao, dịch vụ văn hóa…), tạo nguồn thu hỗ trợ cho hoạt động sự nghiệp của các đơn vị văn hóa, nghệ thuật. Cho phép các thành phần kinh tế kể cả tư nhân trong nước và nước ngoài, thực hiện một số hình thức liên doanh, liên kết với một số cơ sở hoạt động văn hóa theo quy định của pháp luật nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ và tham gia tổ chức một số hoạt động văn hóa có nội dung lành mạnh, bổ ích.
Chủ trương đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa đi đôi với nhiệm xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa ngày càng đầy đủ, hoàn thiện, hiện đại đã tạo ra đột phá mới để các cấp, các ngành, chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng cư dân nhận thức sâu sắc, toàn diện hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa. Văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực của sự phát triển mà văn hóa còn là nguồn lực nội sinh, sức mạnh mềm quan trọng, quyết định đến sự phồn vinh, thịnh vượng của quốc gia, dân tộc.
Đến những chuyển động từ thực tiễn
Nhằm cụ thể hóa và đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, Nhà nước đã thể chế chủ trương, đường lối của Đảng thành cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa – một “ngành kinh tế đặc biệt” ngày càng phát triển, tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có của đất nước.
Năm 2016, Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 1755/QĐ-TTg, ngày 08/9/2016), trong đó xác định: Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa. Phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.
Bên cạnh đó, hành lang pháp lý với các đạo luật liên quan trực tiếp và gián tiếp đến các ngành công nghiệp văn hóa cũng đã được bổ sung, hoàn thiện và nhiều đạo luật được xây dựng, ban hành mới, như Luật Di sản văn hóa, Luật Du lịch, Luật Xuất bản, Luật Báo chí, Luật Quảng cáo, Luật Điện ảnh, Luật Thư viện, Luật Sở hữu trí tuệ…., cùng các thông tư, nghị định được xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi về thể chế, chính sách, thúc đẩy công nghiệp văn hóa ngày càng phát triển.
Với sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các cấp chính quyền; tinh thần chủ động, sáng tạo của cộng đồng các doanh nghiệp, người dân, sau hơn 7 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, ngành công nghiệp non trẻ này đã đạt được những thành tựu to lớn.
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giá trị tăng thêm (giá hiện hành) của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; năm 2019 ước đạt 6,02%; năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch nên số liệu có sự sụt giảm chỉ còn khoảng 4,32% và 3,92%; đến năm 2022 các ngành đã bắt đầu phục hồi và giá trị đóng góp có sự tăng trưởng ước đạt 4,04%. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD).
Giai đoạn 2018-2022, bình quân 5 năm tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa ước đạt 7,2%/năm; năm 2022 thống kê có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến các ngành công nghiệp văn hoá. Lực lượng lao động thuộc các ngành công nghiệp văn hóa tăng khá nhanh, bình quân 5 năm lao động tăng 7,4%/năm, năm 2022 thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 4,42% trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế.
Xuất nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn 2018-2022 tạo ra giá trị xuất siêu, năm 2018 xuất siêu ước đạt 37 tỷ USD, đến năm 2022 xuất siêu tiếp tục tăng, ước đạt 41,9 tỷ USD(3).
Một số ngành công nghiệp văn hóa như Điện ảnh, Du lịch văn hóa, Nghệ thuật biểu diễn, Phần mềm và các trò chơi giải trí, Quảng cáo… có những bước tăng trưởng đột phá, không chỉ đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và còn góp phần quảng bá vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè, du khách trong và nước.
Những thành quả từ thực tiễn sôi động của ngành công nghiệp văn hóa cho thấy chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước trong định hướng con đường phát triển nền văn hóa dân tộc; phát huy mạnh mẽ nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào thông qua ngành công nghiệp văn hóa, tạo thế và lực mới để nhanh chóng hiện thực mục tiêu xây dựng nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc.
Chú thích:
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2014, tr. 56
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr. 145-146
(3) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Báo cáo trung tâm Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, Hà Nội, tháng 12/2023, tr. 3-4
Nguyễn Huy Phòng